Có nhất thiết mở nhiều trường đua ngựa?

(ĐTTCO) - Vừa qua, Tập đoàn Đua ngựa Hàn Quốc đã đến tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng trường đua ngựa và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại huyện Thuận Thành, với vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 500 triệu USD. Có lẽ hoạt động đầu tư trường đua ngựa được hâm nóng, các cơ quan truyền thông liên tục đăng tải thời gian qua bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo trình Chính phủ giữa tháng 8-2016, chốt lại với 3 loại hình vui chơi giải trí được phép đặt cược gồm đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.

(ĐTTCO) - Vừa qua, Tập đoàn Đua ngựa Hàn Quốc đã đến tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng trường đua ngựa và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại huyện Thuận Thành, với vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 500 triệu USD. Có lẽ hoạt động đầu tư trường đua ngựa được hâm nóng, các cơ quan truyền thông liên tục đăng tải thời gian qua bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo trình Chính phủ giữa tháng 8-2016, chốt lại với 3 loại hình vui chơi giải trí được phép đặt cược gồm đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.

Trước đó, một loạt dự án đầu tư trường đua ngựa được cấp phép hoặc tái khởi động sau nhiều năm chờ đợi việc hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể, Golden Turf Club Pty Ltd. được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đầu tư dự án 100 triệu USD cho các hạng mục sân vận động có đường đua chó, đua ngựa và khu du lịch cao cấp, dự kiến hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2017. Tại Bình Phước, một tập đoàn đầu tư Australia tại Việt Nam đã được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương mở trường đua ngựa với tổng số vốn ban đầu 100 triệu USD... Hay tại Bình Dương, Công ty Du lịch Đại Nam đang đầu tư trường đua chó, đua ngựa, đua xe trị giá hơn 100 triệu USD ngay trong khu du lịch Đại Nam. Tại Long An, CTCP Địa ốc Hồng Phát đã nhận được chủ trương quyết định đầu tư trường đua ngựa. Gần đây nhất, nhà đầu tư Hàn Quốc Global Consultant Network cùng Tổng công ty Du lịch Hà Nội ký thỏa thuận thành lập liên doanh đầu tư dự án phức hợp có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Đây là tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa và sân golf theo tiêu chuẩn 5 sao có diện tích 1.200ha tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Một nhà đầu tư khác của Hàn Quốc là G.O Max cũng đặt vấn đề đầu tư với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về trường đua ngựa hiện đại. Nhà đầu tư Matrix Holding Ltd. (Hồng Công) cũng có ý định mở trường đua ngựa ở Đà Nẵng.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1998, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng nghị định về kinh doanh đặt cược. Năm 2010, bản dự thảo đầu tiên được Bộ Tài chính hoàn tất, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành nhưng bị trả về vì chưa đạt yêu cầu. Năm 2015, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng một nghị định riêng về đặt cược đua chó, đua ngựa, tách ra khỏi đặt cược bóng đá quốc tế nhưng nội dung này một lần nữa lại thay đổi. Và cuối cùng, vừa qua Bộ Tài chính hoàn tất dự thảo trình Chính phủ, nhưng dự thảo này cũng lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Như nhận định của GS. Nguyễn Mại đã gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cho đến nay chưa có dự án trường đua ngựa nào được triển khai. Như vậy,  xây dựng trường đua không đơn giản, bởi một điều kiện quan trọng để vận hành trường đua là phải cho phép đặt cược. Đây là lĩnh vực kinh doanh liên quan đến cá cược, do vậy không thể cấp phép tràn lan và phải chọn lựa nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khi chưa có ràng buộc pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư sẽ không thể triển khai và phát triển được dự án. Khi đó nhiều nhà đầu tư đến rồi sẽ lại đi.

Tuy nhiên, có một thống kê đáng để chúng ta cẩn trọng xem xét việc cấp phép mở các đua ngựa. Tại Hoa Kỳ, một báo cáo kiểm toán mới công bố cho thấy Hiệp hội Đua ngựa New York liên tục thua lỗ 109 triệu USD trong 4 năm qua. Tháng 1-2016, một cuộc khảo sát cho thấy môn đua ngựa đã tụt xuống vị trí thứ 13 trong những môn thể thao được yêu thích nhất ở Hoa Kỳ, so với vị trí thứ 8 năm 1985. Còn tại Macau, Công ty Đua ngựa Macau từ năm 2005 tới nay thua lỗ triền miên. Năm ngoái khoản lỗ của công ty này tăng 72,7% so với năm 2014.

Như vậy, theo tôi các địa phương, cơ quan chức năng cần phải tính toán và nghiên cứu kỹ việc triển khai dự án trường đua ngựa, có đánh giá đầy đủ về những tác động tích cực và tiêu cực khi triển khai dự án đối với người dân. Bởi bài học nhãn tiền về dự án Trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa đua Madagui do CTCP Đua ngựa Thiên Mã - Madagui với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích đất quy hoạch 378ha tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Dự án đến nay gần như bị bỏ hoang, chỉ dừng lại ở một ngôi nhà quản lý, lối vào trường đua ngựa, hàng rào thép gai đã cũ nát gãy đổ và đơn độc 1 con ngựa trong khuôn viên.

(TPHCM)

Các tin khác