Chế tài mạnh với nợ thuế

Theo báo cáo Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế), tỷ trọng nợ có khả năng thu/tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 là 5,9%, tăng 5,1% so với năm 2010. Như vậy nếu so với tổng thu NSNN năm 2010 là 520.100 tỷ đồng thì số nợ này khoảng 30.600 tỷ đồng.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế gặp khó khăn. Cụ thể, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ. Sức tiêu thụ hàng hóa chậm, ngân hàng thắt chặt cho vay, nhiều doanh nghiệp chấp nhận phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh. Việc thanh toán tiền hàng trong giao dịch mua bán giữa các bên còn chậm, nhằm mục đích chiếm dụng vốn lẫn nhau, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế.

Số tiền thuế nợ của đối tượng này (nợ có khả năng thu) chiếm 72,3% tổng số nợ thuế, trong đó nợ trên 90 ngày chiếm 63,3%. Một số doanh nghiệp có số nợ hàng chục tỷ đồng và thời gian nợ kéo dài như: CTCP tập đoàn Thành Công, CTCP Bia và nước giải khát Phú Yên, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Công ty TNHH một thành viên, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, CTCP Cavico xây dựng cầu, hầm...

Thị trường bất động sản đóng băng cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nộp thuế của một số doanh nghiệp, thậm chí số tiền thuế nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng như CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Cũng theo Tổng cục Thuế, nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đến hàng ngàn tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng số nợ thuế. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của khối doanh nghiệp này chưa cao.

Bên cạnh đó, các khoản nợ có nguồn gốc từ đất còn do việc giao đất, giải phóng mặt bằng chậm với diện tích thuê đất lớn, nhiều dự án được giao đất không có khả năng nộp thuế và tiền sử dụng đất nên số tiền nợ các đơn vị này cũng rất lớn.

Do khó khăn nên việc quy định xử phạt chậm nộp thuế (bao gồm tất cả trường hợp nộp chậm, các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn về tài chính, chưa có khả năng nộp đủ, nộp kịp thời số thuế phát sinh, số tiền phạt rất lớn, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc) càng không thể trả thêm khoản tiền phạt.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Đức Phương (Nam Định) kinh doanh thua lỗ, không nộp được thuế, đến nay, tổng số tiền phạt chậm nộp chiếm tỷ trọng 39,8% trong tổng số nợ thuế. Điểm mặt trong danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế, có tên những “ông lớn“ trong lĩnh vực bất động sản như Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) với số nợ khủng tới 400 tỷ đồng; Công ty TNHH Berjay-Handico12, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thạch Bàn với hơn 225 tỷ đồng...

Thừa nhận kinh tế khó khăn dẫn đến việc phải trả cả tiền nợ thuế lẫn tiền phạt với nhiều doanh nghiệp là khó, nhưng một số chuyên gia ngành thuế cho rằng doanh nghiệp cũng không thể lấy lý do kinh tế khó khăn để chây ì không nộp thuế. Trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai cũng để lại nhiều suy nghĩ.

Do khó khăn, doanh nghiệp này xin được giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010 đến 31-3-2012 và được Cục thuế Gia Lai chấp nhận dù Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này cho biết số dư trong tài khoản vẫn có tới khoảng 2.400 tỷ đồng.

Và ngay như lãnh đạo của Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ, số tiền nếu tính chậm nộp Hoàng Anh Gia Lai sẽ bị phạt khoảng gần chục tỷ đồng. Có tiền nhưng chưa tuân thủ đúng thời hạn nộp thuế, theo nhiều ý kiến có thể sẽ là “tấm gương” để các doanh nghiệp khác noi theo.

Theo nhiều chuyên gia, việc rủi ro hay chậm trễ của doanh nghiệp trong nợ đọng thuế kéo dài là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, ngành thuế có thể giải quyết cho đối tượng nộp thuế giãn việc nộp thuế trong một thời gian nhất định; hoặc cho phép doanh nghiệp chia nhỏ số thuế đang nợ ra nhiều phần để trả dần theo từng tháng, từng quý.

Đồng thời, đối với những doanh nghiệp chây ì, dây dưa không chịu nộp thuế, cần cương quyết áp dụng các biện pháp chế tài mạnh như: cưỡng chế, đình chỉ hoạt động, thậm chí có thể truy tố trước pháp luật để làm gương cho những đối tượng nộp thuế khác.

Các tin khác