Cạnh tranh - Triết lý tăng trưởng mới

Sau khi được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tới triết lý tăng trưởng mới - đó là “tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh”.

Sau khi được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tới triết lý tăng trưởng mới - đó là “tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh”.

Theo Thủ tướng, để tạo ra các đột phá chiến lược về thể chế, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Bình luận về thông điệp mới này, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch rằng Thủ tướng muốn nói đến quan điểm không còn ưu đãi riêng thành phần kinh tế nào và hạn chế  khu vực không cạnh tranh. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ chế phân bổ nguồn lực.

Vì nguồn lực là hữu hạn nhưng theo cơ chế phân bổ hiện nay đã dẫn đến tình trạng người có khả năng tạo ra hiệu quả cao lại không có nguồn lực và ngược lại. Đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết, kể cả khu vực tư nhân, chứ không riêng khu vực nhà nước.

Trong bản báo cáo về năng lực cạnh tranh Việt Nam được hoàn thành vào cuối năm 2010, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng chỉ ra rằng sự “méo mó” của các thị trường và sự phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý là những nguyên nhân chính gây ra hiệu quả đầu tư thấp, chậm đổi mới nâng cao công nghệ và năng suất ở nước ta.

Trong hơn 20 năm qua, sự chuyển dịch sang các ngành thâm dụng vốn đã giúp tăng năng suất lao động, nhưng nền kinh tế phải trả giá bằng hiệu quả của vốn thấp.

Thực tế lâu nay nước ta theo đuổi chiến lược tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhưng đầu tư - đặc biệt đầu tư của  các doanh nghiệp nhà nước - lại không hiệu quả. Nền kinh tế không hiệu quả còn liên tục phải đối mặt với áp lực mức tăng trưởng không cao để tạo việc làm cho dân số trẻ đang ngày càng tăng.

Vì vậy Chính phủ đã duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng từ năm 2000 để thúc đẩy tăng trưởng, do đó dẫn tới thâm hụt tài khóa, lạm phát và các vấn đề mất cân đối vĩ mô khác. Ngoài ra giá trị gia tăng thấp của nền kinh tế dẫn tới thâm hụt thương mại liên tục. Lạm phát cao và “thâm hụt kép” lớn gây áp lực giảm giá đồng tiền.

Vấn đề đặt ra lúc này là tăng trưởng nước ta đang dựa trên một mô hình kinh tế mà tiềm năng còn lại có hạn. Với mô hình này, mức độ phồn thịnh cao nhất chúng ta có thể đạt tới sẽ bị giới hạn bởi năng suất do các lao động thiếu kỹ năng có thể tạo ra được trong hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo.

Nếu không vượt qua được cách thức tăng trưởng hiện nay, quốc gia sẽ bị “bẫy” thu nhập trung bình và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước thu nhập thấp hơn mới trỗi dậy. Hơn nữa, việc quá phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài để gia tăng đầu tư nhằm tạo tăng trưởng sẽ tạo ra các mất cân đối vĩ mô nguy hiểm và có thể dẫn tới khủng hoảng.

Hiện nay thách thức rất lớn ai cũng thấy là mô hình tăng trưởng nước ta đang dựa trên lợi thế tĩnh, trong khi các nước công nghiệp mới đều đi lên từ lợi thế động. Lợi thế động do con người tạo ra và là vô hạn, còn lợi thế tĩnh là hữu hạn. Do đó, thay đổi mô hình và tư duy tăng trưởng để khai thác lợi thế động là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra.

Theo TS. Trần Du Lịch, tất cả đều được tạo ra từ thể chế, tức thể chế tốt sẽ trở thành nguồn lực vật chất. Ông Lịch cho rằng có 3 việc Nhà nước cần làm tốt: Quy hoạch, ban hành chính sách và giám sát. Điều đáng mừng là trong bài viết của Thủ tướng đã nêu khá rõ về quan điểm này với tư duy "chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển".

Trong Nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của Nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.

Các tin khác