Cảnh giác đầu tư qua mạng

(ĐTTCO) -  Theo thông tin mới đây, nhiều người dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang rất lo lắng vì đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào Công ty TNHH Quảng cáo trực tuyến DDB, nhưng trang web của công ty này đột ngột dừng hoạt động, không thanh toán tiền lãi theo cam kết.

(ĐTTCO) -  Theo thông tin mới đây, nhiều người dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang rất lo lắng vì đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào Công ty TNHH Quảng cáo trực tuyến DDB, nhưng trang web của công ty này đột ngột dừng hoạt động, không thanh toán tiền lãi theo cam kết.

Một người tham gia đầu tư cho biết cách đây 2 năm chị mua 2 gói với giá 12 triệu đồng/gói trong chương trình Click và được cấp 2 chiếc USB để click vào các biểu tượng web hiển thị trên một chương trình có sẵn. Mỗi ngày chỉ cần click chuột hơn 40 phút, sau 1 năm chị thu được 42 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Thấy công việc nhẹ nhàng và thu lời cao, chị mua thêm 9 gói với giá 20 triệu đồng/gói trong chương trình quảng cáo nhà hàng Rock.

Theo chị, chỉ cần vào trang hệ thống nhà hàng Rock trên mạng xã hội chia sẻ và nhấn thích (like) các hình ảnh khách hàng đăng lên sẽ nhận được 1,8 triệu đồng/tháng. Trong 3 tháng cuối năm 2016, với số tiền đầu tư tổng cộng 760 triệu đồng vào nhiều chương trình của DDB, mỗi tháng chị được trả lãi 47 triệu đồng. Song từ ngày 20-1-2017, các trang web của DBB dừng hoạt động với thông báo “trang web công ty bị hacker tấn công, đang tạm dừng” và cũng không trả khoản lợi nhuận hàng tháng nữa.

Đầu tư qua mạng với lãi suất khủng lừa đảo người nhẹ dạ thực tế không phải là chuyện mới. Năm 2012, vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại dịch vụ Lộc Thắng Lợi ở Cần Thơ mời gọi người dân ở 8 tỉnh miền Tây Nam bộ tham gia đầu tư qua mạng và chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng đã bị công an khởi tố. Hay mới đây, vụ việc Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP Phương Thái An, cùng đồng phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng internet mời gọi đầu tư với lãi suất 130%/tháng, lôi kéo khoảng 4.000 người tham gia và chiếm đoạt 140 tỷ đồng đang được Bộ Công an tiến hành điều tra.

Bên cạnh hình thức đầu tư trên, hiện nay các sàn giao dịch tiền ảo bitcoin đang có xu hướng tiến về khu vực nông thôn nhằm lợi dụng sự ít hiểu biết của người dân về loại tiền này để lừa đảo. Nhiều người dân tại các huyện vùng sâu vùng xa được mời dùng tiền thật để mua tiền ảo với lời giới thiệu lợi nhuận lên đến 144%, đồng thời được thưởng khi kêu gọi thêm người đầu tư cùng chơi, tương tự hình thức kinh doanh đa cấp. Sau một thời gian, người cầm đầu biến mất với toàn bộ số tiền huy động được, khiến hàng ngàn người lâm vào cảnh trắng tay.

Theo suy nghĩ của tôi, những nạn nhân này vừa đáng thương, vừa đáng trách. Nhiều người dân sập bẫy vì các đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng ham muốn và sự cả tin bằng những chiêu dụ dỗ hấp dẫn. Nạn nhân còn là những người vì muốn làm giàu thật nhanh mà không cần tốn công sức. Thực tế, các cơ quan chức năng cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo để người dân phòng tránh.

Riêng với bitcoin, Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào về hoạt động kinh doanh tiền ảo, nếu đầu tư chắc chắn sẽ thiệt hại và không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư khi xảy ra rủi ro, sự cố. Tuy nhiên, với nhiều vụ án liên tiếp xảy ra với hàng ngàn người sập bẫy lừa đảo, cho thấy những thông tin cảnh báo này vẫn chưa đến được với đa số người dân.

Vì thế, trách nhiệm đối với các địa phương càng cần được đặt ra cụ thể, với các giải pháp như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để cảnh báo người dân về những nguy cơ khi tham gia đầu tư dưới các hình thức mang tính chất lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, mỗi người dân cũng phải tự mình đề cao cảnh giác với những lời mời gọi đầu tư lợi nhuận khủng như vậy, tránh rơi vào cái bẫy nguy hiểm dẫn đến tiền mất, tật mang sau này.

(TPHCM)

Các tin khác