Cần xã hội hóa xử lý chất thải đô thị

Xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng TPHCM đang phải đương đầu trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện nay. Chất thải rắn đô thị phát sinh từ các nguồn như hộ gia đình, cơ sở công nghiệp, chợ, công viên, sân vườn.

Xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng TPHCM đang phải đương đầu trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện nay. Chất thải rắn đô thị phát sinh từ các nguồn như hộ gia đình, cơ sở công nghiệp, chợ, công viên, sân vườn.

Mỗi ngày, TPHCM phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải các loại, tạo nên một sức ép lớn về bảo vệ môi trường. Lượng chất thải rắn tại TPHCM rất đa dạng và số lượng không ngừng tăng theo nhịp độ đô thị hóa, tốc độ phát triển công nghiệp, cũng như tăng dân số.

Khảo sát thực tế, Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tại TPHCM năm 2010 là 2,11 triệu tấn, trong đó có 333.738 tấn chất thải rắn nguy hại, 4.166 tấn chất thải y tế, 28.240 tấn dầu nhớt từ rửa, sửa chữa xe máy, 48.144 tấn bùn từ chế biến thực phẩm, 43.800 tấn bùn độc hại từ các ngành khác.

Dự báo đến năm 2020, chất thải rắn công nghiệp của thành phố sẽ tăng lên 5,47 triệu tấn/năm, trong đó có gần 900.000 tấn chất thải nguy hại.

Kết quả nghiên cứu thành phần của 15 ngành công nghiệp cho thấy chất thải rắn từ chế biến thực phẩm chiếm 31,4%, dệt nhuộm 12,8%, may mặc 2,7%, da 2%, giấy và bột giấy 12,2%, gỗ 5,6%, nhựa và cao su 6,4%, dầu khí 0,06%...

Phần lớn chất thải từ các ngành này đều có thể cháy được (chiếm 73,16%). Trong số đó có 24,2% chất thải từ ngành giấy, nhựa, cao su, gỗ có thể tái sử dụng. Khối lượng chất thải có thể thiêu đốt khoảng 48,96% tổng khối lượng, tương đương 2.832 tấn/ngày năm 2010 và 7.345 tấn/ngày vào năm 2020.

Hiện nay, tình trạng thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị ở TPHCM và nhiều đô thị lớn còn nhiều vấn đề và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động thu gom rác thải chủ yếu dựa vào kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia, tính chất xã hội hóa còn thấp, người dân chưa chủ động tham gia cũng như chưa thấy rõ được nghĩa vụ đóng góp kinh phí.

Đến nay, phần lớn chất thải sinh hoạt tại TPHCM được tiêu hủy bằng cách tập trung ở những bãi rác lộ thiên, không có sự kiểm soát, mùi hôi và nước rác là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, phát sinh ruồi, muỗi, chuột, bọ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị và sức khỏe cộng đồng.

Để quản lý tốt lượng chất thải, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn phát. Cần bố trí các điểm tập kết chất thải rắn tại những nơi dễ gây ô nhiễm như gần nguồn nước, trường học. Bố trí thêm các thùng rác chuyên dụng để người dân có thể tự mang ra đổ và thuận tiện cho công nhân đi thu gom. Tăng cường thể chế, mở rộng hệ thống thu phí chất thải để cân bằng chi phí quản lý.

Thứ hai, đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại để tiêu hủy hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường. Kết hợp xây dựng hướng dẫn về công tác quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải nguy hại nói riêng.

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác vệ sinh môi trường, quản lý chất thải rắn, đặc biệt đối với các công ty là chủ nguồn thải. Huy động cộng đồng tự giác tham gia giải quyết vấn đề chất thải rắn.

Bên cạnh đó, tăng cường và huy động thêm nguồn lực giám sát, cưỡng chế và xử phạt hành chính việc thực hiện quy chế về quản lý chất thải rắn.

Các tin khác