Cần truy trách nhiệm trong giải cứu nông sản

(ĐTTCO) - Tại các tỉnh Đông Nam bộ, giá heo hơi đã xuống mức 27.000-28.000 đồng/kg (trước Tết Mậu Tuất, giá heo 31.000-32.000 đồng/kg). 
Cần truy trách nhiệm trong giải cứu nông sản
Giá heo hơi loại 1về các cơ sở giết mổ ở TPHCM ngày 21-3 cũng chỉ 31.000 đồng/kg. Đây là mức giá đã qua nhiều tầng nấc thương lái, nên giá tại trại chăn nuôi thực tế còn thấp hơn rất nhiều. Tính ra người chăn nuôi hiện phải chịu lỗ gần 5.000 đồng/kg. Rất nhiều chủ trại ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đã giảm đàn hoặc ngừng thả nuôi. 
Bên cạnh giá heo hơi, giá hồ tiêu tại Đông Nam bộ và Tây nguyên cũng giảm mạnh, từ mức 62.000 đồng/kg cách đây 2 tuần, xuống còn 55.000 đồng/kg. Với mỗi tấn hồ tiêu, hộ nông dân đã mất đi gần 10 triệu đồng. Đáng nói là tại các vùng chuyên canh trong nước, mùa thu hoạch hồ tiêu năm 2018 vẫn chưa kết thúc. Ngoài nguyên nhân giá tiêu tại thị trường thế giới sụt giảm, còn do diện tích vùng tiêu được bà con nông dân mở rộng quá mức.
Trong lúc này, vấn đề thời sự nóng bỏng của ngành nông nghiệp các tỉnh Nam bộ là giá hành tím của nông dân tỉnh Sóc Trăng làm ra liên tục lao dốc. Cách đây 1 tháng, giá hành tím khoảng 16.000 đồng, nay nông dân Sóc Trăng bán ra chỉ 6.000-8.000 đồng/kg. Giá hành tím giảm do đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ, nguồn cung cho thị trường dồi dào. Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn hơn 3.000ha diện tích hành chưa thu hoạch.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, hành tím là mặt hàng giảm giá mạnh nhất trong nhóm nông sản tại tỉnh. Vào năm 2015, thị trường cả nước đã có chiến dịch giải cứu hành tím Sóc Trăng một cách rầm rộ. Vào thời điểm đầu năm này, rất có thể sẽ diễn ra cuộc giải cứu hành tím Sóc Trăng nữa.
Nhắc đến chuyện giải cứu, trong năm ngoái, tại tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đã liên tục mở các điểm bán thịt heo giá rẻ để kích cầu tiêu dùng và tìm thêm đối tác tiêu thụ. TPHCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, các đơn vị chức năng của địa phương này cũng hỗ trợ nông dân Đồng Nai tiêu thụ hết lứa heo tồn, bằng nhiều phương cách. Chưa hết, các sở, ngành chức năng cùng các doanh nghiệp của TPHCM cũng đã xắn tay với Đồng Nai, tham gia quyết liệt giải cứu chuối cấy mô xuất khẩu của bà con nông dân các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú.
Thực tế cho thấy việc tổ chức sản xuất và thông tin thị trường kém dẫn đến bị động trong tiêu thụ nông sản. Những đợt giải cứu nông sản thời gian qua thể hiện rõ nhiều bất cập của nền nông nghiệp khi chạy theo số lượng, thiếu gắn kết thị trường. Điểm nổi bật của những sản phẩm phải giải cứu là thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nên bắt buộc nông dân phải bán ngay, không thể lưu kho.
Vì thế, đến thời điểm thu hoạch rộ, bị ép giá cỡ nào, nông dân cũng phải bán nếu không muốn đổ bỏ, mất trắng. Để chấm dứt tình trạng mãi giải cứu nông sản, rất cần Bộ NN-PTNT có những dự báo chính xác nhằm cảnh báo cho nông dân. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và chiến lược phát triển một số mặt hàng nông sản mũi nhọn tại các địa phương cũng cần được chính quyền các cấp nghiên cứu kỹ.
Điều quan trọng nhất, muốn chấm dứt tình trạng nông sản phải bán đổ bán tháo như các năm qua, đã đến lúc phải truy trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền. Bởi nông sản mất giá, đời sống nông dân lụn bại có phần lớn do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

Các tin khác