Cần “nhạc trưởng” chống ngập

(ĐTTCO) - Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện hệ thống cống thoát nước chỉ mới xây mới và cải tạo được 2.593/6.000km (đạt khoảng 40%).
Bên cạnh đó, dù đã cố gắng tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực, nhưng hiện TP chỉ mới cải tạo được 60,3km/4.369km sông, kênh, rạch (đạt khoảng 1,38%) trên 4 trục tiêu thoát nước chính: Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm. Và chỉ có 1/10 cống kiểm soát triều, 64/129km đê bao ngăn triều được hoàn thành, cũng như rất ít hồ điều tiết nào được xây dựng trong 104 hồ dự kiến.
Những năm gần đây, nhiều khu vực trung tâm TP xây dựng thêm nhà cao tầng, nhưng thiếu quy hoạch cải tạo hạ tầng và quy hoạch tốt không gian dành cho nước, thường bị ngập rất nặng. Điển hình là đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, dù đường nằm ngay cạnh sông Sài Gòn, nhưng do bị bê tông hóa hết nên khi mưa xuống, ống cống thoát không kịp, mực nước ngập trên bờ cao hơn cả mực nước sông Sài Gòn.
Một nghiên cứu bước đầu về di dân trong bối cảnh bị tác động bởi biến đổi khí hậu và khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng ở TPHCM, cho thấy tỷ lệ gia tăng dân nhập cư ở TP phần lớn ở các dịch vụ đô thị. Khác với các khu công nghiệp, người dân nhập cư chỉ sống xung quanh khu công nghiệp, ở nhóm dân nhập cư cho dịch vụ đô thị, chính quyền TP sẽ rất khó kiểm soát. Xu hướng nhóm này sẽ ở khắp nơi trong các quận nội thành, nơi vốn đã đông dân lại càng đông dân hơn, điều này tăng gánh nặng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng ngập lụt, kẹt xe… nhiều hơn trong tương lai.  
Trong lúc này, người dân quan sát công tác chống ngập nước tại TPHCM dễ nhận ra đầy tính đối phó theo kiểu mùa vụ và sự vụ: trũng chỗ nào nâng chỗ đó, tắc chỗ nào moi chỗ đó, ngập chỗ nào hút chỗ đó. Rõ ràng, công tác chống ngập mà TP đang triển khai hết sức lẻ tẻ, làm như vậy ngập chỉ chạy từ chỗ này sang chỗ khác, chứ không thể hết được.
Không chỉ thế, suốt hơn 10 năm qua, bài toán chống ngập lụt cho đô thị được giao về một đầu mối là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM. Tuy nhiên, Trung tâm này thực chất chỉ là một ban quản lý dự án, không có chức năng quản lý nhà nước, mọi vấn đề đều phải xin ý kiến cấp cao hơn, không được đề xuất gì mà chỉ có nhiệm vụ thực hiện.
Hơn lúc nào hết, việc chống ngập ở TPHCM rất cần có một “nhạc trưởng” ở cấp cao hơn giám đốc sở, vì công tác này cần sự hợp tác của nhiều sở, ngành. Đó có thể là một lãnh đạo UBND TP, từ đó mới đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban ngành cùng tham gia chống ngập. Đặc biệt, TP cần chú trọng yếu tố kiểm soát, chứ không chỉ là chống ngập. Bởi chống ngập là chỉ tìm cách giải quyết hậu quả, còn kiểm soát ngập bao hàm cả việc loại bỏ hay giảm thiểu nguyên nhân gây ra ngập. 

Các tin khác