Cần một đạo luật về quy hoạch

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Những con số được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra tại một hội thảo mới đây về công tác quy hoạch khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Theo kết quả rà soát quy hoạch trên toàn quốc trong 3 năm 2009-2011, các bộ, ngành đã triển khai, lập 101 quy hoạch, nhưng trong đó chỉ có 39 quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ có khoảng 260 quy hoạch được lập, trong đó chỉ có 70 quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt. Còn theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, kế hoạch năm 2012 các địa phương dự kiến lập tới 1.258 quy hoạch, trong đó có 697 dự án quy hoạch chuyển tiếp và 561 dự án quy hoạch lập mới.

Trong tổng số quy hoạch nói trên có 379 quy hoạch các chuyên ngành kết cấu hạ tầng và 879 quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu.

Một đại biểu tham dự hội thảo đã phải thốt lên: “Có lẽ Việt Nam cần được ghi vào sách kỷ lục Guiness về số lượng các quy hoạch được lập”.

Điều đáng nói là dù có nhiều quy hoạch nhưng chất lượng của công tác lập quy hoạch ở nước ta rất thấp, thực hiện mang tính phong trào, quy hoạch chồng chéo, phân tán và kém hiệu quả. Các quy hoạch tách rời nhau, thiếu liên kết hệ thống. Mặt khác, các đối tượng điều chỉnh và chịu sự tác động của quy hoạch lại không được tham gia ý kiến.

Việc lập quy hoạch mang nặng tính áp đặt, quy hoạch cứ được lập ra nhưng không quan tâm xem liệu có đủ nguồn lực để thực thi. Nhu cầu của các dự án vượt quá tổng nguồn vốn có khả năng huy động cho đầu tư đến 2-3 lần. Thực trạng bất cập về quy hoạch sân golf hay phát triển khu công nghiệp xa rời thực tế, gây lãng phí nguồn lực là những thí dụ khá rõ cho vấn đề này.

Câu chuyện về lập quy hoạch còn khôi hài hơn khi cụm từ “quy hoạch” được sử dụng một cách tùy tiện. Có những quy hoạch kỳ quặc, không cần thiết, như quy hoạch dịch vụ taxi ở Đồng Nai; quy hoạch dịch vụ karaoke, massage ở TPHCM, hay quy hoạch… tôm thẻ chân trắng ở TPHCM đến năm 2020 (?!).

Quy hoạch là một công cụ quan trọng, hiệu quả để phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng thực tế hiện nay tư duy làm quy hoạch dường như vẫn còn hơi hướng của nền kinh tế tập trung bao cấp.

Chính vì thế, theo nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, để công tác quy hoạch phục vụ tốt cho các mục tiêu phát triển kinh tế trong 5-10 năm tới, cần có bước đột phá về tư duy lập quy hoạch. Hiện nay, có 3 nhóm quy hoạch được điều chỉnh bởi 3 hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đó là quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội bao gồm quy hoạch vùng, địa phương, lãnh thổ đặc biệt và quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Thực tế trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến công tác quy hoạch còn chồng chéo, thiếu gắn kết chính là do sự kết hợp không khoa học giữa các loại quy hoạch này.

Cơ chế quản lý không nhất quán giữa các bộ, ngành không chỉ dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong quy hoạch mà còn tạo ra sự vận hành không liên tục, không đồng bộ trong hệ thống quản lý các quy hoạch này sau khi được phê duyệt.

Để khắc phục những tồn tại trên cần đổi mới toàn diện công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch. Chẳng hạn với quy hoạch vùng, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, tiềm lực và điều kiện của các vùng, tạo lập hợp lý và có kế hoạch các mối quan hệ kinh tế - xã hội trong không gian lãnh thổ, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, bảo vệ môi trường và cảnh quan, duy trì cân bằng sinh thái.

Quy hoạch vùng cần phân cấp cho các vùng tự thực hiện để có thể tự phát huy được thế mạnh của mình, kết hợp với việc kiểm tra chéo sẽ giúp cho quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao hơn.

Một bất cập lớn hiện nay là quy hoạch tổng thể yếu hơn, nhưng vẫn phải làm chỗ dựa cho các quy hoạch khác về đất đai, xây dựng… Có quá nhiều quy hoạch lớn tách biệt nhau, do đó nên tích hợp các quy hoạch lớn vào một quy hoạch chung, rồi mới đến bước xây dựng các quy hoạch mang tính cụ thể, chi tiết hơn.

Để làm được điều này, rất cần thiết có một đạo luật về quy hoạch chung với tính pháp lý cao, điều chỉnh toàn bộ các loại quy hoạch cụ thể. Đạo luật này cần bổ sung chế tài xử phạt vi phạm đối với cấp thẩm định phê duyệt quy hoạch, để từ đó các quy hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc và thực sự đạt hiệu quả.

Các tin khác