Cần dũng cảm nhận trách nhiệm

(ĐTTCO) - Sau những truy vấn từ báo chí và dư luận, lần đầu tiên người dân, báo chí được biết thêm một “lỗi” khác của Cục Quản lý Cạnh tranh chính là việc đơn vị này đã không báo cáo cho lãnh đạo Bộ Công Thương trong quá trình xử lý tại Liên Kết Việt, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý sau này gặp nhiều bất cập. Đó là: “Chúng tôi đau xót với những mất mát và hoàn toàn thông cảm với các nạn nhân”... lời thừa nhận mang tính động viên và cũng là lời chia sẻ lần đầu tiên chính thức được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra với báo chí ngày 8-3, cho thấy quả bóng trách nhiệm dường vẫn đang bị lảng tránh.

(ĐTTCO) - Sau những truy vấn từ báo chí và dư luận, lần đầu tiên người dân, báo chí được biết thêm một “lỗi” khác của Cục Quản lý Cạnh tranh chính là việc đơn vị này đã không báo cáo cho lãnh đạo Bộ Công Thương trong quá trình xử lý tại Liên Kết Việt, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý sau này gặp nhiều bất cập.

Đó là: “Chúng tôi đau xót với những mất mát và hoàn toàn thông cảm với các nạn nhân”... lời thừa nhận mang tính động viên và cũng là lời chia sẻ lần đầu tiên chính thức được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra với báo chí ngày 8-3, cho thấy quả bóng trách nhiệm dường vẫn đang bị lảng tránh.

 

Là một công dân, tôi cảm thấy căn bệnh vô cảm với nỗi đau dường như luôn tồn tại. Khó có thể dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm khi nhiều cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đã có những bài phản ánh về việc nhiều gia đình tán gia bại sản, tương lai mờ mịt do bị lừa với số tiền cả tỷ đồng; hay việc ở nhiều vùng miền, nhiều người già cả đời chắt chiu nay bị lừa sạch toàn bộ tiền của. Nước mắt người dân đã rơi nhưng đến nay, sau 2 lần lãnh đạo Bộ Công Thương lên tiếng, việc ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý vẫn chưa có lời giải. Thậm chí tại cuộc họp trước đó, một Thứ trưởng khác của Bộ Công Thương là ông Đỗ Thắng Hải còn cho rằng cơ quan quản lý đã vào cuộc không hề chậm trễ và khẳng định trách nhiệm nằm ở các sở công thương địa phương.

Khi những lùm xùm về hoạt động của Liên Kết Việt lên đến đỉnh điểm, Bộ Công Thương còn đặt ra quy định trái khoáy: báo chí khi gửi câu hỏi phải có xác nhận của ban biên tập và thậm chí còn hủy họp báo thường kỳ bất ngờ khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng bộ này đang né trách nhiệm của mình. Điều người dân cần nhất lúc này chính là việc lãnh đạo cao nhất của Bộ Công Thương và Cục Quản lý Cạnh tranh trực tiếp đứng ra trả lời, thậm chí đối thoại với những người dân đã bị Liên Kết Việt lừa đảo, thay vì lời cam kết của vị Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Trong trường hợp lãnh đạo Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, chúng tôi cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm”. Nghe sao mà chua xót quá.

Tôi cho rằng đã đến lúc lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Quản lý Cạnh tranh cần đối mặt với sự thật khi thừa nhận những sai sót đã xảy ra. Sự dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân về mặt quản lý trước nỗi đau của 60.000 người cùng gia đình của họ, trước khối tài sản bị lừa lên tới 19.000 tỷ đồng, sẽ giúp người dân lấy lại niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước. Dư luận cũng kỳ vọng một hành động quyết liệt sẽ giúp thay đổi sự trì trệ trong thời gian dài ở nhiều lĩnh vực quản lý, trong đó có kinh doanh đa cấp mà Bộ Công Thương đang được giao trọng trách.

(TPHCM)

Các tin khác