Bước lùi ngành hàng không

(ĐTTCO)  - Trên báo ĐTTC số ra ngày 3-4-2017 có 2 bài viết “Muốn bán giá rẻ cũng không được!” và “Đừng đi ngược quy luật kinh tế thị trường”, phân tích về việc Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.

(ĐTTCO)  - Trên báo ĐTTC số ra ngày 3-4-2017 có 2 bài viết “Muốn bán giá rẻ cũng không được!” và “Đừng đi ngược quy luật kinh tế thị trường”, phân tích về việc Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.

Theo đó, ngoài khung giá trần, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa. Bài viết trên báo phân tích ý kiến của Cục Hàng không cho rằng, hiện nay ngành vận tải hàng không đang tăng trưởng nóng khiến các hãng phải liên tục giảm giá vé, có khi bán thấp hơn giá thành, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung. Trong khi đó, Luật Giá chỉ quy định giá trần để tránh tăng vượt mức, nếu quy định giá sàn là không đúng luật, bởi vô hình trung tạo rào cản, thui chột cạnh tranh, khiến các hãng không còn đua cạnh tranh giảm giá. Việc đề xuất sửa quy định, thêm giá sàn là duy ý chí, chủ quan trong quản lý, sai luật. Bên cạnh đó, việc áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không là không phù hợp với Luật Cạnh tranh.

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, tôi không bàn việc nên áp dụng khung giá vé dịch vụ bay theo Luật Hàng không, Luật Giá hay Luật Cạnh tranh. Song ngược dòng thời gian hơn 10 năm trước, hòa cùng dòng người vào Nam lập nghiệp, trong hành trang của tôi trên chuyến bay là một mối ưu tư về nghìn trùng xa cách, di chuyển từ Bắc-Nam bằng máy bay là điều khá xa xỉ đối với hầu hết người dân, đặc biệt những người mới lập nghiệp. Và khi có sự tham gia của một số hãng hàng không giá rẻ, thị trường hàng không dần trở nên đại chúng hóa, giúp phần lớn người dân cả nước được tiếp cận với phương thức vận tải tiên tiến, hiện đại, rút ngắn thời gian, khoảng cách gần 2.000km đã không còn vời vợi, cách trở. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc hội nhập ngành hàng không Việt Nam đã bị coi là chậm so với thế giới. Vậy nên, với đề xuất mang tính triệt tiêu sự cạnh tranh của các hãng không, sẽ đưa thị trường hàng không Việt Nam trở lại thời độc quyền, giá cao ngất ngưởng như những năm trước đây?

Đề xuất của Cục Hàng không áp sàn giá vé máy bay theo tôi là sai lầm, bởi đã có bài học từ chính thị trường hàng không Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất thế giới hiện nay. Trong giai đoạn 1938-1978, trước sự bùng nổ của ngành hàng không, Cục Hàng không dân dụng Hoa Kỳ (CAB) đã áp quy định về giá vé, bao gồm mức giá sàn. Quy định này đã khiến thị trường hàng không nước này bị kìm hãm, các hãng hàng không giá rẻ không thể cạnh tranh, đẩy các hãng đang hoạt động vào cuộc chiến lãng phí như dịch vụ xa xỉ, nội thất đẹp, đồ ăn hảo hạng và mọi chi phí này được đẩy vào người tiêu dùng. Hệ quả, hơn 80% người dân Hoa Kỳ không có khả năng chi trả và không được biết đến dịch vụ hàng không. Trước khi áp giá sàn, Hoa Kỳ có 16 hãng hàng không, nhưng đến năm 1978 con số này chỉ còn 10. Dù có 79 đơn vị đăng ký thành lập hãng hàng không nhưng không được chấp thuận do những yêu cầu về sàn giá vé và đòi hỏi về chất lượng dịch vụ tối thiểu quá cao. Ngay sau khi quy định về sàn giá vé được gỡ bỏ, thị trường hàng không Hoa Kỳ bùng nổ trở lại. Đến nay thị trường hàng không Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới với 719 triệu lượt hành khách, bỏ xa vị trí thứ hai của Trung Quốc với 436 triệu lượt và vị trí thứ ba Ấn Độ 100 triệu lượt.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung “giá trần - giá sàn” đã lạc hậu so với thực tiễn, được áp dụng từ những năm 1990, đến nay hầu hết các quốc gia đã bỏ. Bởi việc này chỉ có tác dụng bảo hộ cho một số doanh nghiệp hàng không mà không hướng tới lợi ích người tiêu dùng. Cạnh tranh chính là đòn bẩy để cải tiến chất lượng, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn so với việc áp đặt một mức giá nào đó. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

(TPHCM)

Các tin khác