Bức tranh kinh tế cửa khẩu chưa sáng đều

Năm 1996, khu kinh tế (KKT) cửa khẩu đầu tiên của nước ta được thành lập tại thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau KKT cửa khẩu Móng Cái, chỉ trong 2 năm 1997-1998, hàng loạt KKT cửa khẩu lớn khác như Đồng Đăng, Tân Thanh (Lạng Sơn), Lào Cai, Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh), Hà Tiên (Kiên Giang), Bờ Y (Kon Tum), A Đớt (Thừa Thiên-Huế)… cũng lần lượt ra đời.

Đến nay, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, cả nước đã có 28 KKT cửa khẩu, với tổng diện tích hơn 600.000ha, nằm trên đường dài biên giới 3 nước láng giềng: Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Việc hình thành các KKT cửa khẩu nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng vùng; đồng thời làm phong phú thêm tính đa dạng của các loại hình kinh tế khác như khu chế xuất, khu công nghiệp, KKT ven biển, đồng bằng. Thời gian hoạt động của các KKT cửa khẩu tuy chưa dài nhưng đã trở thành một loại hình KKT có vị trí hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và cả nước nói chung.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các KKT cửa khẩu là những điểm hẹn mới của các nhà đầu tư, thị trường mua bán sôi động nhất giữa nước ta với các nước láng giềng. Điều đó chứng minh qua việc các KKT cửa khẩu thu hút gần 70 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 700 triệu USD và 500 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng.

Tính riêng giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt trên 25%, cao hơn nhiều mức tăng chung của cả nước. Số lượt người và phương tiện xuất, nhập cảnh ở các KKT cửa khẩu tăng đều qua các năm (năm 2010 gấp 3 lần năm 2005). Số lượng doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh tăng nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới.

Thí dụ, KKT cửa khẩu Móng Cái hiện có gần 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó thương mại - du lịch chiếm 73%. Tương tự, Lào Cai có gần 1.930 doanh nghiệp, Đồng Đăng 1.000, Lao Bảo 370, Cầu Treo 110.

Kết quả hoạt động hàng năm của các KKT cửa khẩu tuy chưa thật ổn định, đồng đều nhưng đã có sự đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, bình quân gần 400 tỷ đồng/năm, riêng năm 2010 đạt 4.800 tỷ đồng. Cao nhất là KKT cửa khẩu Đồng Đăng nộp 1.850 tỷ đồng, kế đến Móng Cái 1.100 tỷ đồng, Lào Cai 650 tỷ đồng, Lao Bảo 324 tỷ đồng. Tuy nhiên, số đơn vị nộp dưới 100 tỷ đồng cũng không phải ít.

Dù có những lợi thế riêng như vậy nhưng do nhiều KKT cửa khẩu nằm ở vị trí miền núi, đi lại khó khăn, xa các trung tâm đô thị lớn của tỉnh và vùng… nên khó khăn về cơ sở hạ tầng cản trở lớn đến kinh doanh. Về nguyên tắc khi thành lập đi vào hoạt động, KKT cửa khẩu phải cùng một lúc làm tròn trọng trách lớn cả về kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại, an ninh quốc phòng.

Vì vậy, để từng KKT cửa khẩu sớm làm tròn trách nhiệm của mình, Nhà nước cần hỗ trợ vốn xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng. Theo số liệu của Bộ kế hoạch-Đầu tư, từ năm 2004-2011, Chính phủ đã dành 3.925 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho các KKT cửa khẩu.

Cùng với nội lực và sức mạnh của cộng đồng kinh doanh trên địa bàn, đến nay các mạng lưới giao thông, công trình thoát nước, điện chiếu sáng, trạm kiểm soát liên hợp, khu vực kinh doanh - thương mại… đã có đầy đủ, phục vụ kịp các hoạt động phát triển kinh tế cửa khẩu.

Bên cạnh đó, KKT cửa khẩu còn tồn tại một số điểm yếu như: mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện; mức thu hút vốn đầu tư, nhất là FDI còn nhỏ; đóng góp vào ngân sách nhà nước còn khiêm tốn; chưa tạo được sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, ngành hàng trong vùng; thương mại đen, thất thu ngân sách diễn ra khá phổ biến; bất hợp lý trong việc phân cấp ủy quyền…

 Đây là những thiếu sót hạn chế chúng ta cần xử lý dứt điểm, hoàn thiện trong thời gian tới nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển toàn diện, vững chắc để các KKT cửa khẩu hoạt động hiệu quả, đóng góp cho đất nước ngày một nhiều hơn.

Các tin khác