Bít lỗ hổng quy trình bất hợp lý

(ĐTTCO) - Thủy điện xả nước ngay trong lũ gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh là vấn đề đã được nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên những ngày gần đây, vấn đề này tiếp tục nóng trở lại khi cơn lũ ở miền Trung vừa diễn ra với việc thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước.

(ĐTTCO) - Thủy điện xả nước ngay trong lũ gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh là vấn đề đã được nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên những ngày gần đây, vấn đề này tiếp tục nóng trở lại khi cơn lũ ở miền Trung vừa diễn ra với việc thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước.

Vấn đề ở chỗ, sau khi thảm họa xảy ra, lãnh đạo nhà máy và địa phương liên tục cãi vã, đổ trách nhiệm cho nhau. Chính quyền sở tại nói không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo người dân phòng tránh, trong khi nhà máy cho rằng việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình! Chắc chắn nhiều người còn nhớ vụ việc hồi tháng 10-2013 đơn vị vận hành hồ chứa nước Vực Mấu, Nghệ An bất ngờ xả cùng lúc mở 5 cửa tràn, gây ra trận lũ lịch sử. 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại lên đến 800 tỷ đồng. Tương tự, các vụ xả lũ ở vùng Tây nguyên hay Quảng Nam thời gian qua cũng để lại nhiều bài học chua xót. Câu hỏi đặt ra, tại sao những vụ việc này được thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt, đúng quy trình lại để xảy ra tình trạng người dân vùng hạ lưu hoàn toàn bị động.

Nhìn hình ảnh những ngôi nhà chìm trong biển nước, những người dân co ro vì đói, vì lạnh trên nóc nhà giữa mênh mông nước, sẽ thấy "quy trình" kia đúng đến đâu. Quy trình là do con người đặt ra và điều khiển nó. Nhưng có "quy trình" nào mà lại xả nước vào chiều đến đêm khiến dân không kịp trở tay, khiến dân phải bỏ của chạy lấy người. Tài sản bao năm tích góp đành chấp nhận trôi theo dòng nước lũ. Điều khó hiểu là vì sao câu chuyện đau thương này vẫn lặp lại mỗi mùa mưa lũ. Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, của các bộ, ngành và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đến đâu cần phải được phân tích, mổ xẻ và quy định rõ ràng. Không thể cứ ngăn sông xây nhà máy để bán điện thu tiền, còn tai ương thì đổ lên đầu dân.

Xét về chức năng, các nhà máy thủy điện cỡ vừa và cỡ lớn phải có chức năng chống lũ thông qua hệ thống hồ chứa và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả lũ. Hồ chứa, giống như một trương mục tiết kiệm ở ngân hàng dùng để tích trữ lượng nước thừa trong mùa mưa lũ và sử dụng khi cần thiết trong mùa khô hạn. Ngoài tích nước cho thủy điện phát điện, hồ chứa còn nhiệm vụ điều tiết nước, cung cấp nước cho nông nghiệp, chống lũ... Bất kỳ một hồ chứa lớn nào, không nhiều thì ít, cũng có khả năng điều tiết dòng nước bằng cách tích nước dư thừa trong mùa mưa để tăng cường dòng chảy trong mùa khô hạn.

Vậy mà, khi dân mất trắng, oán trách, địa phương đòi truy trách nhiệm, bồi thường lúc này Bộ Công Thương mới vội vàng tổ chức đi rà soát, đánh giá rồi đưa ra kết luận "thủy điện miền Trung chỉ có khả năng giảm cắt lũ, không có khả năng phòng chống lũ". Theo chúng tôi đây là phát ngôn thiếu trách nhiệm. Điều này chứng tỏ, Bộ Công Thương khi phê duyệt thủy điện đã không xem xét quyền lợi của xã hội một cách toàn diện, mà chỉ đặt lợi ích của thủy điện lên trên. Ngay cả một quy trình vận hành xả lũ được soạn ra cũng vì thủy điện. Chỉ vì bảo vệ quyền lợi của các thủy điện mà bất chấp dân vùng hạ du sẽ gặp nguy hiểm họ vẫn xả.

Để không còn "lỗ hổng quy trình", chỉ có một quy trình khách quan, công bằng mới bảo đảm rằng không một nhóm lợi ích nào được hưởng lợi một mình trên tài sản công.

(TPHCM)

Các tin khác