Bất cập phạt nguội phương tiện giao thông

(ĐTTCO) - Theo số liệu của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC 67) Công an TPHCM, từ ngày 16-11-2016 đến 31-7-2017, đơn vị này đã trích xuất 33.403 trường hợp vi phạm giao thông, gồm 32.922 ô tô  và 481 mô tô. 
Bất cập phạt nguội phương tiện giao thông
PC 67 cho biết đã giải quyết 14.411 trường hợp, tức tỷ lệ người vi phạm chấp hành nộp phạt chưa tới 50%. Vào tra cứu thông tin tại Cổng thông tin điện tử http://catphcm.bocongan.gov.vn, tôi thấy danh sách vi phạm dài lê thê với những lỗi vi phạm chính, như đỗ xe nơi cấm dừng hoặc đỗ, đỗ xe nơi có biển cấm đỗ ngày chẵn hoặc lẻ, đỗ xe ở hè phố, và nhất là điều khiển xe vượt quá tốc độ cho phép tại hầm vượt sông Sài Gòn.
Danh sách vi phạm thể hiện nhiều trường hợp vi phạm hàng chục lần, tái diễn liên tục ở 1 vị trí. Nhiều chủ phương tiện liên tục vi phạm với khoản tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. 
Thực tế, việc áp dụng hình thức xử phạt nguội vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay có ưu điểm hạn chế được tiêu cực, bảm đảm tính khách quan trong việc ghi nhận một số lỗi vi phạm cơ bản của người tham gia giao thông đường bộ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như chậm gửi thông báo vi phạm giao thông đến người vi phạm, chưa thuyết phục được người vi phạm chấp hành đóng phạt. Thứ nhất, người vi phạm mất quyền giải trình về sự việc.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1-7-2013, đối với hành vi vi phạm hành chính pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức, cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt...
Như vậy, việc chậm gửi thông báo vi phạm giao thông đến người vi phạm, thậm chí nhiều trường hợp chủ phương tiện nhận được thông báo vi phạm của cảnh sát giao thông sau nhiều tháng khi vi phạm xảy ra và nhận được danh sách lên đến hàng chục lỗi, với số tiền xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng đã làm mất quyền được giải trình của người bị vi phạm liên quan đến một số lỗi hành vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Trong một số trường hợp có thể còn làm chậm hoặc mất quyền khởi kiện, quyền khiếu nại quyết định hành chính của người bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, không bảo đảm được nguyên tắc xử lý nhanh chóng, kịp thời hành vi vi phạm. Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”.
Mặt khác, Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản”.
Quy trình xử phạt nguội hiện nay đã không bảo đảm được nguyên tắc xử phạt nhanh chóng như đã nêu trên. Việc chậm ban hành quyết định xử phạt, chậm gửi quyết định xử phạt cho người có hành vi vi phạm trong quy trình áp dụng chế tài xử phạt nguội đã làm giảm tính răn đe và phòng ngừa riêng, không bảo đảm được yếu tố tuyên truyền, thuyết phục kịp thời đối với người có hành vi vi phạm.
 (Thủ Đức, TPHCM)

Các tin khác