Báo động văn hóa giao thông xuống cấp

(ĐTTCO) - Vụ xe điên Camry đâm chết tại chỗ 3 mạng người, trong đó có 2 ông cháu đang đèo nhau tới trường, ở Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội cuối tháng 2 vừa rồi đã đẩy nỗi ám ảnh xe điên của người dân thủ đô lên tới đỉnh điểm. Trước đó, vào giữa tháng 2 cũng lại một chiếc Camry đời mới đang dừng bỗng tăng tốc lao vun vút qua đèn đỏ trên ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt, cán phăng 6 chiếc xe máy lưu thông làm nhiều người ngã bắn văng ra đường, trong đó có người mẹ chở con nhỏ bị xe cán qua người. Vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ xe điên xảy ra ở nhiều thành phố lớn trên cả nước với tần suất ngày càng tăng, mức độ thiệt hại ngày một nghiêm trọng.

(ĐTTCO) - Vụ xe điên Camry đâm chết tại chỗ 3 mạng người, trong đó có 2 ông cháu đang đèo nhau tới trường, ở Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội cuối tháng 2 vừa rồi đã đẩy nỗi ám ảnh xe điên của người dân thủ đô lên tới đỉnh điểm. Trước đó, vào giữa tháng 2 cũng lại một chiếc Camry đời mới đang dừng bỗng tăng tốc lao vun vút qua đèn đỏ trên ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt, cán phăng 6 chiếc xe máy lưu thông làm nhiều người ngã bắn văng ra đường, trong đó có người mẹ chở con nhỏ bị xe cán qua người. Vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ xe điên xảy ra ở nhiều thành phố lớn trên cả nước với tần suất ngày càng tăng, mức độ thiệt hại ngày một nghiêm trọng.

 

Câu hỏi đặt ra, vậy xe điên ở đâu ra mà lắm thế? Sẽ có nhiều lý giải về chuyện này từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng phải kể đến khâu đào tạo và cấp bằng lái xe đang có vấn đề. Bởi kỹ năng lái xe, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông hay đạo đức người lái xe… đều có liên quan trực tiếp đến quá trình đào tạo này. Thực tế ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều quan niệm rằng mua xe mới khó chứ lấy bằng lái xe quá dễ. Trái lại, ở nhiều nước châu Âu sở hữu một chiếc xe không khó nhưng học và thi lấy bằng lái lại không hề đơn giản. Tôi biết có trường hợp một phụ nữ gốc Việt suốt nhiều năm liền không lấy được bằng lái xe, vì cứ đến phần thi thực hành lại bị đánh trượt vì kỹ năng kém, dù phần lý thuyết chị nắm rất vững.

Tôi đã có thời gian dài học tập ở Đức. Các lái xe nước này rất có ý thức tuân thủ luật giao thông. Có lần tôi vô ý trót bước một chân xuống đường nơi ngã tư dù đèn xanh cho người đi bộ chưa bật, ấy vậy mà chưa kịp rút chân lên thì cùng lúc cả 2, 3 chiếc xe đã chủ động dừng trước vạch kẻ ngang dành cho người đi bộ, một lái xe còn hạ cửa kính rồi mỉm cười ra hiệu mời tôi đi qua. Chuyện tương tự không thể có ở Hà Nội, dẫu việc nhường đường cho người đi bộ cũng đã được ghi rõ trong Luật Giao thông đường bộ. Điều đáng đáng nói, hình ảnh quen thuộc trong giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội là cảnh ô tô dàn hàng ba hàng tư chiếm hết đường của người đi xe máy và xe đạp, và tiếp đến vỉa hè cho người đi bộ sẽ phải nhường chỗ cho xe máy, xe đạp. Con số hơn 100 người đi bộ chết vì TNGT năm 2015 tại Hà Nội có nguyên nhân từ thực trạng bát nháo này.

Văn hóa giao thông đang xuống cấp tới mức báo động. Và như vậy báo động xe điên cũng là điều dễ hiểu. Với ý thức chấp hành luật lệ, với thực trạng đào tạo và cấp bằng lái xe hiện nay, phải chăng xe điên là hiện tượng tất yếu, là “phần nổi của tảng băng chìm” trong bức tranh văn hóa giao thông lộn xộn hiện nay.

Chừng nào thực trạng nêu trên chưa được cải thiện, chừng nào hệ thống giao thông công cộng văn minh chưa phát triển, chừng đó vẫn còn xe điên, vẫn còn những nạn nhân bị cướp đi sinh mạng một cách tức tưởi ngay trên đường phố.

(Hà Nội)

Các tin khác