Xóm bán dạo

Người lao động nhập cư TPHCM ngày càng đông. Trong số đó, nhiều người chọn nghề bán dạo, rong ruổi suốt ngày trên khắp đường phố, ngõ hẻm, với chiếc xe đạp hoặc xe đẩy.

Người lao động nhập cư TPHCM ngày càng đông. Trong số đó, nhiều người chọn nghề bán dạo, rong ruổi suốt ngày trên khắp đường phố, ngõ hẻm, với chiếc xe đạp hoặc xe đẩy. 

Những cảnh đời buồn

Người viết đã theo những người bán hàng dạo về nơi ở của họ để hiểu hơn về cảnh gian nan của cuộc mưu sinh. Một trong những xóm bán dạo là dãy phòng trọ có gác thấp, nằm sâu trong hẻm nhỏ gần chợ Thủ Đức. Chị Hoa (quê ở Thái Bình, đã vào đây bán dạo được 2 năm) mời khách đến xóm bán dạo, nhưng tỏ vẻ rất áy náy - vì chị bảo chỗ ở rất chật hẹp, trong xóm lại phức tạp. Cư dân tại đây đều là những người bán hàng dạo, quê ở các tỉnh phía Bắc. Chị Hoa ở cùng phòng với 3 chị nữa, chị Điệp và chị Vui quê ở Nam Định, chị Mai quê ở Thanh Hóa. Căn phòng chỉ khoảng 6m2, giá thuê 700.000 đồng/tháng, chật chội và thiếu ánh sáng, lại càng tù túng hơn vì chất đầy hàng rau quả và còn phải dành chỗ dựng 2 chiếc xe đạp. Góc gần cửa sổ có cái bàn nhỏ để nước uống, vài gói mì tôm. Bên trên cửa sổ, các chị dán nhiều ảnh của người thân, có lẽ để ngắm cho đỡ nhớ nhà.

Chị Nguyễn Thị Điệp là người trẻ nhất phòng (32 tuổi) kể: “Ngày nào cũng vậy, chỉ đến chiều tối những người ở xóm này mới về, còn ban ngày ai cũng đi bán dạo. Gắng bươn chải, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ở phòng này, ai về sớm thì tranh thủ nấu cơm cho cả 4 người, hôm nào ế ẩm hoặc mệt quá thì thôi, trụng gói mì tôm ăn đỡ. Mình ăn uống tạm bợ sao cũng được, miễn là mỗi tháng kiếm đủ trả tiền phòng và có chút ít gửi về quê phụ giúp gia đình và nuôi các em ăn học. Ở quê, tôi còn bố mẹ già với 3 đứa em đang tuổi ăn học. Đi bán dạo vất vả nhưng tôi nhất định phải cố làm để cho các em được đi học”. Chị Vui đang ngồi xoa nắn các ngón chân đau sau một ngày nhọc nhằn, góp chuyện: “Nó vào đây bán cũng hơn 5 năm rồi, cứ lo bán buôn nuôi em quên cả chuyện chồng con, thấy tội nghiệp!”.  Ái ngại cho chị Điệp, nhưng thật ra hoàn cảnh của chị Vui cũng gian truân không kém. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 2 con ăn học. Loay hoay với mấy sào ruộng không đủ chạy ăn từng bữa, không nỡ để con thất học, chị gửi 2 con ở nhà ngoại, còn mình vào Nam đi làm thuê. Chị từng làm đủ thứ nghề: công nhân may, bán vé số dạo, phụ hồ…, bây giờ bán hàng dạo. Vất vả nhưng cứ nghĩ đến việc lo được cho 2 con ở nhà học hành chị quên cả mệt. Chị Vui với tay lấy cái giỏ treo trên tường, mang ảnh 2 con ra khoe: “Do gắng tiết kiệm ngay từ đầu năm, nên Tết vừa rồi chị mua được tấm vé về quê thăm tụi nhỏ” - chị nói mà mắt sáng ngời niềm hạnh phúc.

Mỗi sáng, hình ảnh các chị bán hàng dạo đi chiếc xe đạp cũ kỹ đã dần trở nên quen thuộc với cư dân TPHCM.

Mỗi sáng, hình ảnh các chị bán hàng dạo đi chiếc xe đạp
cũ kỹ đã dần trở nên quen thuộc với cư dân TPHCM.

Chị Mai tâm sự: “Quê tôi nghèo lắm, mỗi hộ chỉ có mấy sào ruộng, một năm thu hoạch được vài tạ lúa, không đủ ăn. Nên làm xong mùa, đàn ông lại đi làm thuê, đánh giày. Phụ nữ vào TPHCM làm công nhân, đi bán dạo, mua bán ve chai... Nghề bán dạo cũng vất vả, đẩy xe miết cả ngày chỉ thu về được năm bảy chục ngàn tiền lời. Chi phí tiền nhà trọ, tiền ăn hàng ngày, tiền gửi về cho con ở quê chỉ trông vào chừng ấy. Lắm khi trời mưa không bán được, phải ăn đỡ gói mì cho qua bữa, nhịn đói là chuyện bình thường”.

 Mang chợ đến với mọi nhà

Tiện tặn như vậy, nên trông chị nào cũng gầy gò, xanh xao. Suốt ngày dãi nắng dầm mưa, đêm về 4 con người trằn trọc trong căn phòng bé tí, nhiều đêm không ngủ được vì chân tê nhức. Mỗi người bán hàng dạo là một hoàn cảnh, một số phận. Không phải ai cũng may mắn và có thể thích nghi được với sự cạnh tranh khốc liệt và những rủi ro luôn chực chờ.

Khi rời khỏi mảnh ruộng con, lũy tre làng, vào TPHCM bán dạo để có thu nhập đỡ hơn, họ phải chấp nhận bươn chải, cực nhọc để kiếm tiền. Chị Hoa kể: “Một ngày của người bán dạo luôn bắt đầu từ khi trời chưa sáng. Phải ra chợ thật sớm để mua được rau, cá với giá thật rẻ, bán lại mới có lời. Mua xong, lại phải nhặt rau để trông cho đẹp mắt, rồi sắp xếp đồ đạc. Sáng sớm tôi đến chợ tự phát trước khu công nghiệp bán cho công nhân và người đi đường. Khi đã vãn khách, lại dạo qua các khu dân cư, vào tận các dãy nhà trọ… bán khi nào hết hàng mới về. Ngày may mắn bán đắt, thấy lòng nhẹ tênh; nhưng đâu phải ngày nào cũng bán được, nhiều khi ế ẩm, đành mang đồ về để ăn dần".

Mỗi sáng, hình ảnh các chị bán hàng dạo đi chiếc xe đạp cũ kỹ chất đủ thứ rau, thịt, cá… và tiếng rao đặc sệt giọng Bắc đã dần trở nên quen thuộc với cư dân TPHCM. Từ khi có những người bán dạo mang thực phẩm đến tận cửa, nhiều bà nội trợ không phải bỏ thời gian đi chợ nữa, chỉ đợi các chị đi ngang để mua mớ rau, con cá. Chắc ai cũng hiểu những người mang chợ đến với mọi nhà đang phải mang cả gánh nặng gia đình.

Các tin khác