“Vẽ” màu lúa trên quê hương

Từ quê lúa, ông trở thành người lính. Từ người lính, ông trở về làm nông dân. Trước tình cảnh nông dân phải thiếu ăn ngay trên chính vựa lúa quê mình, ông đã lao vào mày mò quần quật trên cánh đồng để “đi tìm hạt gạo cho quê hương”. Người nông dân - người lính ấy là Phan Văn Hòa (58 tuổi) ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Từ quê lúa, ông trở thành người lính. Từ người lính, ông trở về làm nông dân. Trước tình cảnh nông dân phải thiếu ăn ngay trên chính vựa lúa quê mình, ông đã lao vào mày mò quần quật trên cánh đồng để “đi tìm hạt gạo cho quê hương”. Người nông dân - người lính ấy là Phan Văn Hòa (58 tuổi) ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Chuyện bên đồng Hói Sác

Lần lữa mãi, một ngày đầu tháng 10 tôi mới tìm về quê lúa Yên Thành gặp ông Hòa. Ngay cả việc gặp ông cũng không dễ, bởi ông đi suốt, hết vào Nam lại ra Bắc để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho bà con nông dân, rồi đi giao dịch với khách hàng. Thời điểm này, ngoài việc chạy đi chạy về như con thoi thì ông đang cho thợ triển khai làm đất ở 7 cánh đồng gần 100ha trên địa bàn huyện Yên Thành, Diễn Châu.

Ông Hòa về, cũng chỉ kịp bắt tay tôi vì liền đó có đoàn công tác từ Yên Bái vào xin gặp. Vào phòng khách của ông chúng tôi không khỏi ngợp trước hàng chục danh hiệu, giải thưởng được treo trên tường và đặt trang trọng trong tủ: Cúp vàng Nông nghiệp, nông dân sản xuất lúa giỏi toàn quốc, sản phẩm xuất sắc gạo xứ Nghệ, Giải thưởng Sao Thần nông, Cúp vàng Nông nghiệp tại Hội chợ triển lãm quốc tế AGRO Viet 2009…

Sau phần chào hỏi, ông “khoe” luôn như không kìm được lòng mình: Báo tin vui “nóng hổi” với các anh chị, tôi vừa biết được kết quả từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, xác nhận nhóm Omega đã được chiết xuất và tách ra từ lúa thảo dược của chúng tôi.

Đây thực sự là vấn đề rất vui cho nền nông nghiệp nước nhà, vì đã có sản phẩm chứa Omega mà hiện nay cộng đồng rất cần. Với cá nhân tôi là tác giả nghiên cứu, tôi tin chắc rằng, rồi đây bộ giống lúa thảo dược này sẽ đem lại cho nông dân thu nhập cao, cho người tiêu dùng an toàn và sức khỏe.

Gần trưa, đoàn khách Yên Bái ra về, tôi mới có dịp tiếp xúc kỹ hơn với con người hoạt bát nhưng điềm đạm, ông trò chuyện với chất giọng đầy nội lực và tâm huyết nhưng truyền cảm, nhẹ nhàng. Ông kể, sau 10 năm trong quân ngũ, năm 1984 ông ra quân nghỉ chế độ bệnh binh.

Về làng, thời điểm ấy, người dân không đủ ăn, đồng ruộng xác xơ. Ông đắn đo suy nghĩ: vì sao một vùng đất được mệnh danh vựa lúa của xứ Nghệ nhưng lại thiếu gạo ăn? Năm 1990, ông lên xã Vĩnh Thành xin đấu thầu 5ha đất ở cánh đồng Hói Sác. Thời ấy, Hói Sác chỉ là cánh đồng hoang với những cồn bãi, lau sậy um tùm. Ông Hòa tự mình san lấp từng ngày, rồi nhờ cậy thêm anh em góp sức, nơi nào sâu thì tạo ao thả cá, nơi cạn trồng lúa…

Ngày trần mình ngoài đồng, đêm về chong đèn tự học. Vụ cá đầu tiên thành công, nhưng vụ thứ hai mất trắng vì lũ lụt. Tương tự, vụ lúa đầu tiên cho thu hoạch nhưng sang vụ thứ hai thất bát. Nguyên nhân do đất rộng, trong khi nhân lực và nhất là sức kéo ít (chỉ mượn được mấy con trâu) nên làm không kịp thời vụ.

Lúa gieo lệch thời vụ, gặp thời tiết xấu nên thửa chết non, thửa còi cọc. Suy đi tính lại, sau khi được một cán bộ ở Viện Cơ giới nông nghiệp giới thiệu, ông vay mượn tiền rồi khăn gói sang Trung Quốc “tậu” một máy cày mini. Vụ lúa đầu tiên đưa máy cày vào đồng ruộng khá thành công.

Đi tìm hạt gạo cho quê

“Đưa máy móc vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động rồi nhưng sản lượng, năng suất, chất lượng lúa vẫn chỉ làng nhàng, chưa đâu vào đâu”, ông Hòa trầm ngâm nhớ lại.

Năm 2000, ông Hòa thành lập Công ty Vĩnh Hòa (năm 2012 đổi thành Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa). Năm 2002, ông ra Hà Nội lân la tìm đến một số đơn vị chuyên về nông nghiệp. Thật may mắn, ông gặp (cố) GS-VS Vũ Tuyên Hoàng. Giáo sư giới thiệu ông đến Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (FCRI) mang 5 giống lúa về trồng khảo nghiệm trên đồng đất quê mình.

Từ 5 giống lúa này, ông chọn được giống AC5 có năng suất, chất lượng nhất để nhân rộng cho bà con vùng lúa Yên Thành cùng làm. Năng suất lúa đang thấp được nâng lên đến 6,8 - 7,2 tấn/ha/vụ. Bà con trồng giống lúa AC5, ông bao tiêu luôn, khi nào cũng cao hơn 20 giá so với các giống lúa khác. Năm 2008, ông Hòa ký hợp đồng với FCRI mua bản quyền giống lúa AC5.

Năm 2010, công ty của ông được Sở KH-CN tỉnh Nghệ An tài trợ thực hiện Dự án sản xuất và chế biến gạo an toàn theo hướng VietGAP. Trên cơ sở này, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu “Gạo xứ Nghệ” cho sản phẩm của Công ty Vĩnh Hòa.

 Ông Phan Văn Hòa (giữa) giới thiệu về giống lúa AC5 đã tạo nên thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”.

 Ông Phan Văn Hòa (giữa) giới thiệu về giống lúa AC5 đã tạo nên thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”.

Lúa tím “như được trời ban”

Trong quá trình “cùng bà con làm giàu”, ông Hòa càng thấm thía một điều: Bao đời nay nông dân luôn chịu thiệt. Có mớ rau, con gà, con cá ngon, rồi lúa ngon… đều đem bán lấy tiền, chỉ giữ lại cho mình những gì “xơ” nhất. Từ đây, ông nảy ra ý tưởng “tái đầu tư” trả lại sức vóc cho nông dân bằng chính hạt lúa họ làm ra, họ ăn để đảm bảo sức khỏe, có sức khỏe để làm nông nghiệp chất lượng cao.

“Tôi suy nghĩ mãi và thấy trong nhóm nông sản màu tím có nhiều chất bổ, đặc biệt là nhóm Omega. Vì thế mạnh của mình là cây lúa, nên tôi bắt đầu mày mò, nghiên cứu lai tạo giống lúa màu tím”, ông Hòa tâm sự.

Sau mấy năm mò mẫm, đến năm 2005, giống lúa mang màu tím ra đời. Trong 2 bông lúa đầu tiên: 1 bông được 176 hạt và bông kia được 134 hạt. Từ 2 bông lúa này, ông gieo 2m2 mạ rồi đưa ra đồng. Giống lúa màu tím có những biến đổi khá lạ. Vào kỳ làm mạ có màu tím biếc, lúc trưởng thành chuyển sang màu xanh đậm và đến khi trổ bông lại chuyển về màu tím. Niềm vui khôn tả nhưng khó khăn lại “ló” ra. Khi đem giống lúa này cho bà con trồng thử thì không ai dám. Ngay cả cán bộ bảo vệ thực vật cũng nói: “Giống lúa này mắc bệnh vì có màu lạ, chưa thấy bao giờ”.

Ông Hòa phải đến từng nhà thuyết phục rồi cam kết thu mua, bà con nông dân mới bắt đầu gieo trồng. Sau đó không lâu, từ các thửa ruộng màu tím ở huyện Yên Thành bắt đầu lan ra cả tỉnh Nghệ An rồi nhiều tỉnh khác trong Nam ngoài Bắc. Đến năm 2013, giống lúa màu tím của ông đã được mang sang Lào trồng thử 300ha tại tỉnh Champasak.

Kết quả thật bất ngờ, năng suất trồng ở Lào đạt đến 8 tấn/ha (so với 7,2 tấn/ha trong nước). Không chỉ nông dân trong nước, nhiều đoàn khách quốc tế từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Angola… cũng kéo đến tham quan, tìm hiểu về giống lúa màu tím. Mới đây, 3 giáo sư ở Đại học Harvard (Mỹ) sang tìm hiểu về lúa thảo dược tím và khen “lúa thảo dược của ông Hòa như được trời ban cho”.

Giống lúa màu tím “trời ban” được ông Hòa đặt tên “lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1”. Tháng 6-2013, sau khi kiểm nghiệm, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá sản phẩm gạo thảo dược Vĩnh Hòa 1 có hàm lượng (mg/100g) Vitamin A đạt 77,0; hàm lượng Omega 9 đạt 1.290; hàm lượng Omega 6: 6,5. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng đánh giá gạo thảo dược Vĩnh Hòa 1 đạt hàm lượng canxi (mg/100g) 16,6, hàm lượng sắt 1,14.

Ước nguyện

Từ thành công của lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1; năm 2007, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu cho ra đời giống lúa thảo dược 2 màu đỏ; năm 2008 thành công với giống lúa thảo dược 3 và thảo dược 4 màu vàng (cả 4 giống này đã được đăng ký bảo hộ tại Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới - Bộ NN-PTNT). 

Ông Hòa tâm sự: “Vui với thảo dược 1, rồi 2 bao nhiêu thì lại đắn đo với thảo dược 3 và 4 có màu vàng. Vì tiềm lực kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên tôi không thể phát triển được giống lúa thảo dược này. Nhiều lúc nhìn thảo dược 3 và 4 im ỉm trong phòng thí nghiệm và có nguy cơ chết yểu, tôi muốn rơi nước mắt”.

Ông buồn không chỉ vì thấy giống lúa mình lai tạo ra đang bỏ phí, mà còn vì một ước nguyện chưa thể thành hiện thực. Đó là ý tưởng “dệt” lá cờ Tổ quốc trên đồng lúa. Ông Hòa thổ lộ: “Qua tham khảo ý kiến của bạn bè, tôi đang phác thảo một thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát để xin ý kiến bộ trưởng về việc thực hiện lá cờ Tổ quốc bằng màu của lúa thảo dược, với quy mô 5ha trên cánh đồng ở xã Vĩnh Thành. Nếu được bộ trưởng cho ý kiến khích lệ, lá cờ đỏ sao vàng được “dệt” bằng lúa màu đỏ và vàng sẽ được thực hiện vào vụ đông xuân năm 2016.

Ý tưởng về lá cờ Tổ quốc được “dệt” bằng màu lúa trên cánh đồng xuất hiện từ những ngày ông nhen nhóm nghiên cứu lai tạo giống lúa màu tím, đặc biệt khi đến giống màu đỏ và vàng thành công…

Ông trầm ngâm: “Tôi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống vì quê hương, trong đó có vùng đất Sài Gòn - TPHCM bây giờ. Vì thế, tôi rất muốn thực hiện lá cờ được “dệt” bằng lúa trên quê hương đất Việt, nhưng vì không biết liên hệ ở đâu nên chưa biết phải làm thế nào. Nếu được phép, tôi sẽ nguyện tâm thực hiện…”.

Các tin khác