Tình Làng

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Việt Nam là nước nông nghiệp, đại bộ phận dân cư trước nay đều sống ở nông thôn, có mấy người ở thành thị. Thời hiện đại, dân số đô thị tăng nhanh. Nhưng thử hỏi trong số hàng triệu dân cư đang sinh sống ở Hà Nội, TPHCM có mấy người là Hà Nội gốc, Sài Gòn thứ thiệt?

Đa phần đều là những con người sinh ra từ bãi mía bờ dâu, từ dòng nước sông mặn mòi vị phù sa, ồ ạt lên thành thị lập nghiệp mà thôi. Và có một thứ luôn theo những người dân quê trong chuyến "di dân” dài dặc chưa biết bao giờ kết thúc ấy: đó là hồn làng.

Nhìn từ góc độ dân tộc học, hồn làng nơi thành thị thể hiện sự phát triển rầm rộ của những hội đồng hương, hội đồng tộc - một biểu hiện của ý thức đoàn kết cộng đồng cao của văn hóa làng quê.

Dời quê hương làng bản đến miền đất mới, lạ lẫm, bỡ ngỡ và lắm cạm bẫy, những người dân quê đã nương tựa vào nhau, thành lập các hội đồng hương để sinh tồn và phát triển trên những mảnh đất phồn hoa đô hội. Hội Thanh Hóa, hội Nghệ An, hội Hà Tĩnh, hội Hưng Yên, hội họ Trần, hội họ Nguyễn, hội họ Đào...

Rồi trong hội lại có sự chia nhỏ, hội cùng huyện, cùng xã, cùng làng. Chức chủ tịch hội cũng phải “tranh cử” hẳn hoi chứ không phải ai muốn cũng được. Hội nào cũng có quy tắc, những luật lệ riêng, như hàng năm gặp mặt ngày nào, khi cần báo tin cho ai, ai khó khăn cần giúp đỡ thế nào, việc hiếu, hỉ ra sao...

Mọi thứ nhất nhất theo đúng tôn ty trật tự và được mọi người tự giác thực hiện theo đúng tinh thần hương ước của làng quê.

Đâu đâu trong đời sống thường nhật của người dân thành thị, chúng ta cũng đều bắt gặp những dấu ấn mang đậm nét văn hóa làng.

Ở phố, dù ngôi nhà ba gian hai trái được thay bằng căn nhà ống cao bốn năm tầng toàn gạch đá xi măng, dù dùng bếp ga thay cho bếp củi, dù dùng vòi hoa sen thay cho gàu múc nước giếng khi tắm, thì nhiều người vẫn khoái nằm võng, nằm phản, vẫn khoái sập gụ, tủ chè, bộ bàn ghế gỗ đóng theo chủ đề Long-Lân-Quy-Phụng hay Tùng-Cúc-Trúc-Mai, những thứ vật dụng quen thuộc với mình khi còn ở làng quê hơn là những bộ salon đắt tiền nhập ngoại.

Nơi thờ cúng tổ tiên ông bà không còn là gian chính giữa như trước thì nay ở tầng trên cùng. Sự thay đổi chỉ diễn ra ở chiều kích không gian từ ngang sang cao chứ không khí yên tĩnh, tôn nghiêm và thành kính không hề thay đổi. Mặc dù thành thị tràn ngập các đồ ăn, thức uống, thức hút mới, lạ, sang trọng nhưng nhiều người vẫn khoái bát nước vối, vẫn khề khà rít một hơi thuốc lào trong chiếc điếu cày bên quán nước nhỏ ven đường.

Điếu cày chỉ nội cái tên đã nói lên nguồn gốc làng quê của mình (điếu dùng để hút khi đi cày). Và cả quán nước vỉa hè đang rất thịnh hành ở thành thị cũng có nguồn gốc từ quán nước nhỏ ven gốc đa trước cổng làng, nơi đón những người dân quê ghé lại làm bát nước và tán chuyện suông sau một buổi cày hay một phiên chợ.

Và hồn làng - độc đáo thay - lại được thể hiện rõ nét qua những chuyến di dân ngược của người thành phố trở về làng quê. Nếu chuyến di dân thuận chịu sự chi phối của yếu tố kinh tế thì những chuyến di dân ngược lại mang dấu ấn của việc bảo vệ, gìn giữ những yếu tố văn hóa.

 Hàng năm đi đâu về đâu cũng biết cúi đầu trước ngày giỗ tổ, dù bận mấy nhưng mỗi khi vào những dịp quan trọng của làng như mở hội, khánh thành đình làng, nhà thờ họ, giỗ chạp, cưới xin anh em bạn bè những người đó cũng nhất quyết phải về làng bằng được, dù chỉ về làng trong khoảng thời gian ngắn rồi vội vã trở lại thành thị. Bị cơ quan dọa trừ lương, cắt thưởng, thậm chí đuổi việc, vẫn về.

Vợ (hoặc chồng) người thành phố dằn dỗi sao về lắm thế, cứ về. Trong cách cư xử ấy văn hóa đã lấn át kinh tế, truyền thống đã không bị lãng quên trước hiện đại. Ngày thường, những chuyến di dân ngược diễn ra lẻ tẻ, thường xuyên và khá trầm lắng. Phải vào dịp tết đến xuân về, mới thấy hết quy mô to lớn của những chuyến di dân ngược ấy.

Hà Nội, TPHCM cùng các thành phố lớn trên cả nước những ngày cận Tết Nguyên đán, hàng đoàn người vội vàng, hối hả dời các thành phố lớn bằng tất cả các loại phương tiện giao thông. Sân bay, bến xe, nhà ga xe lửa, trên những con đường quốc lộ, tỉnh lộ, đâu đâu cũng chật ních người.

Những chuyến di dân ngược đó mang nhiều ý nghĩa hơn chúng ta tưởng. Đó không chỉ bộc lộ khát vọng muốn đoàn tụ với gia đình của người dân thành thị  mà còn là hành trình “về nguồn”, một hình thức “tẩy rửa bụi trần làm tâm hồn thanh sạch” mang đậm nét tín ngưỡng văn hóa dân gian xuất phát từ làng quê. Một hành động tựa như nghi thức tắm sông Hằng của người Ấn Độ.

Vì chỉ khi về làng, được “tắm gội” trong bầu không khí đã sinh thành và nuôi nấng mình trưởng thành, những con người đó mới trở lại đúng bản thể mình: những người dân quê chân chất, hiền lành. Chỉ về làng họ mới được hưởng bầu không khí trong lành, khoáng đạt mà thiên nhiên ban tặng cho con người; mới dám mở căng lồng ngực, hít thật sâu vào buồng phổi mùi thơm của hương lúa, hương ngô.

Chỉ về làng họ mới có tình xóm giềng ấm áp, một nhà có việc, cả làng xúm đến làm giúp, ăn uống nói cười râm ran không phải chỉ trong một buổi như trên thành phố mà hàng mấy ngày trời. Chỉ về với làng quê họ mới được thưởng thức những lễ hội văn hóa đặc sắc: Đánh cờ người, đấu vật, thi pháo, chọi trâu, đấu gà...

Những thứ đó như thần dược giúp họ tái tạo năng lượng, có thêm sức lực để đối diện với những lo lắng, ưu phiền, toan tính, tranh giành để tồn tại và mưu sinh trong suốt quãng thời gian dài ở thành phố.

Những chuyến di dân thuận và nghịch cứ tiếp diễn ngày qua ngày. Nhưng dù từ làng ra phố hay từ phố về làng, người Việt Nam vẫn luôn mang theo bản sắc văn hóa làng quê như một thứ bảo vật bên mình.

Các tin khác