Thương nhớ lụa xưa

Bây giờ hàng nhập về nhiều, giá rẻ, mẫu mã lại phong phú nên những mặt hàng truyền thống bị cạnh tranh quá sức mình. Làng lụa Tân Châu lên phường, nghề xưa liệu có giữ được?

Bây giờ hàng nhập về nhiều, giá rẻ, mẫu mã lại phong phú nên những mặt hàng truyền thống bị cạnh tranh quá sức mình. Làng lụa Tân Châu lên phường, nghề xưa liệu có giữ được?

Lãnh xưa níu giữ

Từ Hồng Ngự qua phà là lọt ngay vào xứ lụa Tân Châu (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Cơ sở chuyên dệt lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A “Mekong Tan Chau Silk” nằm ngay mặt tiền đường. Ông chủ Tám Lăng (Nguyễn Văn Long, phường Long Hưng) đã 88 tuổi, đi đứng có khó khăn nhưng chuyện nghề vẫn ăn sâu tâm thức ông dữ lắm. “Mình cố gắng giữ thôi nhưng lâu dài cũng khó. Hợp đồng chỉ lai rai lại không lớn”. Ông nói, trước đây ký hợp đồng với “một bà người Pháp”, mỗi năm cũng được 4.000 - 5.000m; mấy năm gần đây chuyển cho người khác, họ chỉ lấy 2.000m, năm nay có nhích lên, khoảng 3.000m.

Tiếng máy dệt xành xạch vang khắp khu xưởng, nhưng đó là tiếng của máy dệt gấm (sợi tổng hợp), hiện đại rồi. Nguyên liệu tơ lấy từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), dệt trơn rồi làm “gấm” (hoa, cảnh…) theo thiết kế đặt hàng trên thành phố... Hàng tơ tằm truyền thống giá khoảng 350.000 đồng/m; một cây hàng là 20m. Hàng gấm trắng rẻ hơn nhiều, chưa đến 10.000 đồng/m. “Bây giờ hàng nhập về nhiều, giá rẻ, mẫu mã lại phong phú nên cạnh tranh quá sức mình. Mần hoài không khá, đủ trả công thợ mà giữ lấy nghề thôi”, ông nói vậy.

Thương nhớ lụa xưa ảnh 1

 Dệt gấm.

Nhuộm lãnh Mỹ A cực lắm. Có trái mặc nưa cũng phải nhuộm cả tháng (xay, rửa, lấy xác, nhuộm phơi nhiều lần để cái ánh đen tuyền ngấm từng sợi tơ…). “Nhưng tìm cho ra trái đó lắm lúc trần ai. Khi hút hàng thì vàng có thể mua được chớ kiếm trái mặc nưa thì... thua”. Ông Tám Lăng còn nói Tân Châu vẫn có nơi trồng được nhưng đâu đủ, nhiều khi phải khăn gói sang Campuchia kiếm hàng.

Đi dọc con lộ dài bốn, năm cây số qua 3 phường Long Châu, Long Hưng và Long Thành, trung tâm của nghề lụa xưa, lắng nghe lắm mới bắt được tiếng máy dệt. Khoảng năm 1995 - 1996, Tân Châu chỉ còn duy nhất hộ gia đình của ông Tám Lăng duy trì được nghề dệt truyền thống. “Số lò dệt khác (sợi tổng hợp, ni lông…) đến nay cũng chỉ còn dăm ba xưởng thôi”, ông Tám Lăng thở dài. Vốn ít, thiếu thông tin thị trường, đối tác… chính là “Gót chân Asin” triền miên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Gia đình ông Tám Lăng có 2 xưởng, 31 máy dệt gấm nhưng chỉ còn... 2 guồng dệt tơ tằm truyền thống mà thôi. “Dệt xưa dệt gấm đều theo trục ngang nhưng gấm dệt nhanh hơn, có lỗi cũng dễ chấp nhận hơn”, chị Nguyễn Thị Hằng, con gái ông Tám Lăng giải thích. Và nó còn khác từ người thợ. Trên chục máy dệt gấm chỉ cần 2 thợ trẻ nhưng dệt tơ truyền thống là anh Tâm, anh Hùng đều đã ngoài 50 tuổi, mỗi người một máy, kẽo kẹt suốt ngày. Và họ cũng là hai người thợ làm lụa truyền thống cuối cùng của cả Tân Châu bây giờ. “Dệt truyền thống tưởng dễ nhưng khó. Làm hàng trơn nên phải tỉ mỉ để phát hiện lỗi. Muốn duy trì phải đào tạo được thợ trẻ. Quan trọng nhất vẫn là đầu ra sản phẩm...”, anh Đỗ Hữu Tâm, một trong hai người thợ làm lụa truyền thống cuối cùng của ông Tám Lăng và của cả Tân Châu bây giờ tâm sự.

“Trai nào thanh bằng trai sông Của/Gái nào thảo bằng gái Tân Châu/Tháng ngày dệt lụa trồng dâu/Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn”. Lụa Tân Châu (lãnh Mỹ A) “độc nhất vô nhị” do có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, láng mịn, có độ bền tốt, óng ả, sang trọng rất khó bắt chước và từng có mặt ở Singapore, Philippines, Ấn Độ… Tân Châu có truyền thống thương mại lâu đời, từng là quận lớn nhất của tỉnh Châu Đốc xưa, trù phú bậc nhất miền Nam. Lụa Tân Châu “danh bất hư truyền” thảo thơm tần tảo cả trăm năm nay chừng héo tàn, mai một?  Thương quá lụa xưa.

Giữ lửa đâu chỉ cần có than

Ông Tám Lăng vẫn nhớ rõ chuyện nghề cách nay cả nửa thế kỷ. “Khi đó dân xài lãnh Mỹ A không hà. Tân Châu - Phú Tân phơi lãnh đen đồng. Rồi cả trồng dâu, ươm tằm, lấy tơ... Có nhà đến mấy trăm máy mà làm vẫn không xuể. Bây giờ thị trường eo hẹp, lãnh làm ra cho mấy đoàn nghệ thuật, cải lương hát bội chứ ai bận nữa”.

Ông Tám Lăng cho biết, trong 9 người con hiện chỉ có 2 người theo nghiệp của cha. Chị Hằng trông coi kỹ thuật làm lãnh đen, gấm; anh Nguyễn Hữu Trí, chuyên về “hàng màu”.

Ông Tám Lăng - Người cuối cùng dệt lãnh Mỹ A

Vẫn dệt lãnh theo lối truyền thống nhưng anh Trí sáng tạo khai thác thêm các loại vỏ cây thiên nhiên để phá cách về màu sắc (màu cánh sen, hổ phách, xám đất, ca cao, xanh, chàm, bordeaux…) với hoa văn hoặc trơn rất bắt mắt. Và theo chân các nhà thiết kế, lụa Tân Châu đã thăng hoa trên các sàn diễn thời trang quốc tế tại Kuala Lumpur (Malaysia, tháng 11-2004), Berlin (CHLB Đức, tháng 7-2005)... Đó là bước ngoặt quá lớn, nhưng, điều “sinh tử” nhất, có mở ra được thị trường bền vững hay không lại là chuyện lớn khác. Hơn 10 năm trôi qua cái thời rực rỡ đó, màu đen óng ánh huyền ảo lại “về làng”, nép bên “bến đò xưa lặng lẽ”.

Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đến. Đó cũng là cơ hội, là thị trường mở cho những nét “thuần Việt” lên ngôi. Lụa Vạn Phúc (Hà Nội), lụa Hội An (Quảng Nam) và Tân Châu sẽ đủ sức cạnh tranh với hơn 40 quốc gia sản xuất lụa thế giới nếu có một bộ phận chuyên trách để cung cấp thông tin, tư vấn, xuất khẩu… Đề án bảo tồn và khôi phục nghề lãnh Mỹ A truyền thống Tân Châu;  dự án “Tân Châu, nếp lụa gợi nhớ” hướng đến châu Á và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ (Doanh nghiệp Toàn Thịnh)… cho thấy sự cần thiết liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp, nhà thiết kế và nhà sản xuất...

Tân Châu đã thành thị xã (8-2009), một trục trong tam giác (Long Xuyên - Châu Đốc - Tân Châu) phát triển của tỉnh An Giang. Đường phố rộng mở, bờ kè thơ mộng hướng ra sông Tiền rực rỡ về đêm. Khi con đường cao tốc xuyên Á hoàn thành, Tân Châu sẽ trở thành nơi trung chuyển của khách du lịch từ Campuchia qua Việt Nam và ngược lại. Làng lụa lên phường, nghề xưa hoài cổ? Để giữ nghề truyền thống, nỗ lực của gia đình ông Tám Lăng rõ ràng không đủ. Than đượm có thời. Giữ lửa đâu chỉ cần có than?

Các tin khác