Thiết tha câu hát gửi cho đời

Suốt cuộc trò chuyện với tôi, bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi chỉ tiếc mình sinh ra lỗi số nên số thời gian được sống với ca trù không nhiều, giá như tôi sinh sớm hơn, có lẽ cả đời tôi đã được đắm trong câu hát”.

Suốt cuộc trò chuyện với tôi, bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi chỉ tiếc mình sinh ra lỗi số nên số thời gian được sống với ca trù không nhiều, giá như tôi sinh sớm hơn, có lẽ cả đời tôi đã được đắm trong câu hát”.

Chuyện xửa chuyện xưa

Ở làng Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có 2 chị em đào nương nổi tiếng, chị là Nguyễn Thị Vượn, em là Nguyễn Thị Khướu. Năm nay bà Vượn 89 tuổi, còn bà Khướu 87, cả hai đã như 2 chiếc lá vàng run rẩy trên cây, chả biết rụng lúc nào. Khi chúng tôi về Chanh Thôn, bà Vượn đã ốm nằm liệt giường, không còn minh mẫn, may còn bà Khướu vẫn khỏe mạnh tinh anh, đon đả mời chúng tôi vào nhà.

Thật hiếm có người đàn bà nào ở tuổi 87 vẫn được như bà Khướu, khuôn mặt có làn da trắng mịn, đôi mắt lanh lợi, nói năng tròn vành rõ chữ, trí óc minh mẫn. Tôi hỏi: “Bà ơi, ngày xưa chắc bà phải là một đào nương xinh đẹp nổi tiếng nhất vùng”. Bà Khưới cười hiền lành: “Tôi lên 11 tuổi bắt đầu bước vào đời đào hát, bắt đầu được rèn dũa để trở thành một ca nương dưới bàn tay rắn rỏi của bà nội, cha và chú tôi”.

Ký ức miên man đưa bà Khướu trở về thời thơ dại. Hồi đó dòng họ nhà bà là một gia đình lớn theo nghiệp ca trù, nổi tiếng khắp Phú Xuyên, bà nội bà Khướu là ca nương Nguyễn Thị Ước - người đã từng thắng giải ở miền Bắc và được lựa chọn vào Huế đi thi hát, biểu diễn ca trù cho vua quan triều Nguyễn nghe, khi về được ban thưởng lụa, vóc, tiền, vàng.

Cha bà Khướu là ông Nguyễn Văn Tậy - một ông trùm nổi tiếng khắp tổng Vạn Điển, có nhiều nhà hát ở Đáp Cầu (Bắc Ninh), Thường Tín, Cầu Giẽ (Hà Tây cũ)… kéo cả gia đình họ mạc vào nghề ca trù. Trai học đàn đáy, cầm trống chầu, gái gõ phách, học hát, cứ thế quần tụ thành một gánh hát đông đúc.

Bà Khướu kể lên 11 tuổi bắt đầu học hát, 14 tuổi chính thức vào đời như một đào nương, đi ăn cơm thiên hạ. Một nhóm hát có 2 người hát, 1 người đàn, cứ độ xuân thu nhị kỳ, khi khắp các làng quê mở hội hè đình đám là dắt díu nhau đi, đi đò qua sông Hồng xuống tận mạn Ân Thi (Hưng Yên), qua sông Đuống về Bắc Ninh, đi bộ ròng rã như thế. Đám hát vào hội thường hát ở cửa đình cho quan viên ngồi trong đình, dân làng ngồi ở sân đình, hát từ đêm đến sáng trước ngày mở hội. Cơm người ta nuôi ăn, ra về được thưởng cho vài đồng bạc, bà Khướu lớn nhờ cơm thiên hạ là vì vậy.

“Nghề đào nương ca trù có nhiều điều kiêng cữ khắc nghiệt lắm, riêng những đồ rán, mỡ, chua, chát, cay không được đụng, vì phải giữ giọng, chúng tôi chủ yếu ăn đồ luộc, đồ rim. Tôi cứ nhớ mãi thời xưa, mấy chị em còn nhỏ, rủ nhau ra chợ chơi, lúc về ông chú còn bắt vành miệng từng đứa ra kiểm tra xem có ăn đồ linh tinh ngoài chợ không. Nghề hát có giọng phải biết giữ, không làm sao kiếm được miếng ăn”- bà Khướu kể.

Tiếng hát đứt đoạn

Rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Khướu 17 tuổi, đang độ tuổi rực rỡ nhất của một ca nương đành đứt gánh giữa đường với nghiệp ca trù, vì không ai còn nghe cái nghệ thuật từng được quan lại phong kiến ưa chuộng đó nữa. Bà Khướu đành xếp câu hát trong lòng, tưởng là sống để dạ chết mang đi, rồi hòa vào những công tác xã hội đoàn thể của thanh niên hồi đó, lấy chồng, sinh con đẻ cái.

Hỏi bà Khướu, suốt những năm tháng tiếng hát đứt đoạn đó, bà có buồn khổ không, đôi mắt bà buồn xa xăm: “Cô nghĩ mà xem, tôi sinh ra trong tiếng đàn, nhịp phách ca trù, 11 tuổi đã bắt đầu sống cuộc đời đào nương, ngủ cũng không trọn giấc vì khách đến nghe hát cứ bắt người nhà phải đánh thức con bé kia dậy hát cho nghe mới vừa lòng. Từng lời hát bà nội tôi truyền dạy đã nằm trong lòng, hát ca trù khó nhất là kỹ thuật nảy hạt, không phải nảy thè lè ngoài khoang miệng hay đầu lưỡi mà phải nảy hạt từ trong cổ họng. Những thứ khó như thế, tôi đã luyện được, thế mà không được hát nữa”.

Hồi đó mấy anh chị em trong họ, cứ có đám lại hát dấm hát dúi với nhau cho khỏi quên nghề, anh họ đàn, bà Vượn, bà Khướu hát để được sống trong không khí sang trọng, lề lối của các canh hát thời xưa. Bà Khướu đến nay vẫn còn giữ được 15-16 điệu hát chính của thể cách hát ca trù. Với môn nghệ thuật học theo kiểu truyền nghề này, mỗi nghệ nhân là một kho tàng riêng, một người nhắm mắt xuôi tay sẽ mang theo hết về với ông bà ông vải.

Bà Khướu nói: “Hát ca trù có 3 loại giọng: giọng thổ, kim và thổ pha kim. Như bà Quách Thị Hồ là giọng kim, bà Nguyễn Thị Chúc mới mất cũng là giọng thổ pha kim như chúng tôi. Người giọng thổ hát khỏe lắm nhưng nghe cứ ồ ồ, thiếu đi cái sự mảnh mai, duyên dáng của giọng kim. Nghề hát mỗi người phải biết chỗ mạnh chỗ yếu của mình mà tận dụng”.

Suốt buổi nói chuyện, chốc chốc bà Khướu lại bảo: "Tôi bị mất 62 năm không được hát, không được trình diễn, chỉ quanh quẩn với vài sào ruộng để cấy hái nuôi con. Mãi đến năm 2007, ca trù ở Chanh Thôn mới được sống trở lại”.

Như suối khơi dòng

Cái đận ấy, cũng nhờ có GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, về giúp Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn, các nghệ nhân cao tuổi mới thấy mình như sống lại, như được sinh ra thêm lần nữa. Say mê truyền nghề cho giới trẻ, những nghệ nhân cao tuổi như bà Khướu, bà Vượn chỉ bảo từng ly từng tí, từ tiếng hát cho đến cách mặc áo dài, vấn tóc trong vuông khăn nhung the màu điều sao cho gọn gàng, đoan chính.

Đào nương ca trù xưa khi hát phải giữ được con mắt ngay thẳng, không liếc mắt đưa tình với quan viên, bởi đã có đào rượu làm việc đó.

Bà Khướu bảo, chúng tôi truyền nghề được cho 2 ca nương ưng ý lắm, thế nhưng vài năm sau các cô ấy lại đi lấy chồng, theo chồng về quê, ở đó chả ai hát ca trù, thế là công sức dạy dỗ lại đổ xuống sông xuống bể hết. “Bây giờ chúng tôi đổi lại, chỉ dạy cho các cô nào chắc chắn ở Chanh Thôn, kể cả con gái nơi khác lấy chồng về đây cũng được”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu. Ảnh: Mai An

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu. Ảnh: Mai An

Cuối năm 2014, bà Vượn, bà Khướu là 2 trong 13 nghệ nhân ca trù có tên trong danh sách nghệ nhân được Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đến cuối tháng 8 vừa qua, cả 2 bà lại cùng có tên trong danh sách Nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu trình Chủ tịch nước. Tôi nhìn bàn tay của bà Khướu, đôi bàn tay của một người đàn bà cả đời chỉ quen với sênh phách, với gương lược phấn sáp để đem tiếng hát làm đẹp cho đời.

Bà cụ trông đặc vẻ quê mùa đã 87 tuổi ấy, khi được thỉnh cầu hát một điệu cho chúng tôi nghe, lạ kỳ thay, chỉ thoáng một cái đã hiện lên trên khuôn dung vẻ sang trọng, lịch lãm của một đào nương lề lối thuở xưa, thả hồn đắm mình vào câu hát. Đời bà Khướu lận đận cũng như số phận của ca trù, một thời thăng hoa, một thời trầm lắng và đang dần dần gượng dậy.

Vượt lên tất cả những chuyện đời dâu bể, lòng người khi vui khi buồn, ca trù sống được và trở thành di sản văn hóa thế giới cũng là nhờ có những nghệ nhân gắn bó thiết tha như bà Khướu. 87 năm nay, người nghệ sĩ nông dân vẫn cất giữ câu hát trong lòng và nâng niu như báu vật. Ca trù đất Bắc sau lớp cụ Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, Nghệ sĩ Ưu tú Phó Thị Kim Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc… chỉ còn lứa bà Khướu, bà Vượn nữa là thôi.

87 năm qua, quãng đời rực rỡ nhất của bà đã dành cho đồng ruộng, giờ như ngọn nến trước gió, người nghệ nhân già vẫn chỉ đau đáu một tâm nguyện về tiếng hát. Bà ơi, cầu chúc cho tâm nguyện của bà có nơi trao gửi.

Các tin khác