Thị tứ trong mây

1. Nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhĩ Cù San cao 2.660m, Y Tý gần như quanh năm chìm lấp trong mây. Vùng đất thiếu vắng ánh mặt trời nằm yên bình với những thôn bản lặng lẽ bám mình trên những lưng chừng núi, những nương thảo quả chín đỏ khi vào mùa, những người phụ nữ cần mẫn đi bộ trong mây núi xuống chợ.

1. Nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhĩ Cù San cao 2.660m, Y Tý gần như quanh năm chìm lấp trong mây. Vùng đất thiếu vắng ánh mặt trời nằm yên bình với những thôn bản lặng lẽ bám mình trên những lưng chừng núi, những nương thảo quả chín đỏ khi vào mùa, những người phụ nữ cần mẫn đi bộ trong mây núi xuống chợ.

Từ thành phố Lào Cai, có 2 con đường để lên Y Tý: Từ Sapa đi ngược lên Mường Hum, Dền Sáng, vượt dốc Ngải Chồ. Hoặc đi dọc theo đường 4C, vào A Mú Sung, Lũng Pô - nơi con sông Hồng hòa mình vào đất Việt - rồi men theo những con đường vắt vẻo lưng trời, lên A Lù, Ngãi Thầu rồi “vén mây” vào Y Tý. 

Những con đường lên Y Tý bây giờ đã được cải tạo rất nhiều nhưng vẫn mấp mô, đầy rẫy ổ voi ổ gà, có những đoạn còn đầy đá hộc và rêu trơn. Chỉ 70km từ Lào Cai, dù đi ô tô hay xe máy vẫn phải mất cả ngày mới vào đến trung tâm của mảnh đất mù sương này.

Xã Y Tý có 15 thôn bản, gồm 3 dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao cùng sinh sống. Trung tâm Y Tý là một thị tứ nhỏ, yên ắng, chỉ chục mái nhà thấp thoáng trong mây, tựa lưng vào nhau nơi lưng chừng núi.

Từ đó, men dọc những con đường khúc khuỷu đèo dốc, đầy đá hộc và lá mục đi về phía núi là các thôn Lao Chải, Hồng Ngài, Phìn Hồ, Sim San, Sín Chải... với những ngôi nhà trình tường vuông vắn - nét độc đáo của người Hà Nhì thường được kết cấu hình chữ nhật, tường được nện bằng đất rất dày, mái nhà theo kiểu hình tròn hoặc hình chóp.

Đặc biệt, nhà chỉ có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ, mùa đông rất ấm áp, mùa hè lại mát mẻ. Mỗi thôn bản chỉ độ chục nóc nhà quây tụ vào nhau, trông xa như những cây nấm mọc lên từ mây.

Chiều cuối thu miền biên viễn, mặt trời vàng rực nơi dốc núi, sương trắng dâng lên mờ ảo, phủ lấp những con đường, những hàng rào đá, những mái nhà trình tường dần dần chìm trong sương trắng.

Trước một ô cửa tò vò ở ngôi nhà trình tường nơi bản Lao Chải 1, một người đàn ông tóc bạc phơ ngồi hút thuốc, người phụ nữ miệt mài nấu bếp, đám trẻ con cười nói huyên náo trước hiên nhà, bầy vịt nhởn nhơ bơi lội nơi vũng nước trong veo...

Mùi khói, mùi lúa, mùi lá mục, mùi rừng hòa quyện vào nhau, dâng lên một cảm giác bùi ngùi xa vắng. Để rồi cảm giác đó cứ đeo đẳng tôi theo những vòng bánh xe vào Hồng Ngài tìm nhà của Mỵ. Mất nguyên buổi sáng vừa đi bộ vừa đẩy xe, thậm chí phải để lại xe dọc đường lội bộ trên những con dốc dựng đứng, trơn trượt, chúng tôi chấp nhận dừng chân khi cách ngôi nhà huyền thoại... nửa ngày đi bộ (như lời một anh người Mông chỉ đường).

Ở đó, bên kia dốc núi, lặng lẽ trong mây, thôn Hồng Ngài - nơi xa xôi nhất của xã Y Tý - bình yên với những những rừng thảo quả mượt mà, những ngôi nhà trình tường được đánh giá là đẹp nhất, những em bé người Mông má đỏ như táo chín. Nơi đó, tôi đã từng bao lần mơ về khi đọc Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

2. Y Tý đẹp nhất vào mùa thu, lúa chín vàng trải dài thung lũng, nhuộm cả sườn núi, hoặc tháng 5 - khi ruộng bậc thang đổ nước. Từ trên những con đường uốn lượn lưng trời từ A Lù lên Ngải Thầu hay từ Y Tý về Mường Hum, những ngày nắng trong có thể thấy cả thung lũng lúa chín vàng ươm, rực rỡ dưới chân.

Vào những ngày trời mù, lại như đang trôi trên một thung lũng đầy mây, tưởng chừng như chỉ cần ném một viên đá nhỏ xuống, đám mây mù kia sẽ tan loãng đi, như ném một viên sỏi xuống mặt hồ. Khi trời lạnh, rồi có nắng lên, thoát khỏi mù sương, sáng hôm sau cả thung lũng rực sáng trong màn mây trắng xóa.

Lúc đó Y Tý hào phóng mây, mây ngập tràn thung lũng, rực sáng dưới nắng, chảy tràn cả từng con đường nhỏ, nhấn chìm từng mái nhà. Thế nhưng, để được ngắm mây Y Tý, cần phải có... duyên.

Đã không ít người lặn lội đường dài đến Y Tý lần thứ 5 chỉ với mục đích một lần chạm tay vào mây, được đứng trên ngọn đồi ở Ngãi Thầu, nhìn xuống biển mây trắng bồng bênh lay động dưới chân, ngắm vũ điệu rực rỡ của mây và mặt trời rồi tự nhủ mình đang lạc vào bồng lai tiên cảnh.

Tôi không có cái may mắn được chạm tay vào mây Y Tý. Nhưng ban đêm, ngồi phía sau hành lang nhà sàn chị Mỷ - chủ nhà trọ duy nhất ở Y Tý - ngắm trăng treo nơi đốc núi, bảng lảng trên không gian ngập tràn sương trắng, đã cảm thấy mình có... duyên.

Buổi sáng mai dậy thật sớm, đứng bên đường, ngắm từng tốp phụ nữ Mông, Dao, Hà Nhì... lũ lượt địu con xuống chợ trong sương, họ vừa đi vừa đan len và cười nói với nhau những điều gì rất khẽ. Phụ nữ Hà Nhì mặc đồ đậm màu xanh núi rừng, những chiếc mũ được tết bằng đuôi ngựa chạy ngang trên trán tạo thành một đoạn tóc giả trang trí rất bắt mắt.

Phụ nữ Mông váy xòe rực rỡ như con bướm. Phụ nữ Dao vấn chiếc khăn chim công lộng lẫy trên đầu. Chợ Y Tý nhỏ, không có những chảo thắng cố bốc hơi nghi ngút, hay  những anh chàng Mông say rượu nằm khật khưỡng trên lưng ngựa, những cô gái Mông che ô nhẫn nại chờ chồng.

Chỉ có món xôi tím thơm lừng góc chợ, những rổ ớt đỏ tươi, nải chuối chín vàng, bó rau rừng xanh thẫm... Người phụ nữ Hà Nhì cười lấp lóa chiếc răng vàng khi chúng tôi chụp ảnh em bé đang say ngủ trong gùi, mời chào nếm thử thứ quả màu vàng lạ lẫm “Hái trong rừng, ăn đi” - tiếng Kinh lơ lớ nhưng nụ cười chị sáng bừng cả góc chợ sớm mai. Dường như người vùng cao nào cũng có nụ cười như thế, rạng rỡ, chân chất, thuần khiết.

3. Mấy năm gần đây, Y Tý được mùa thảo quả, đường sá bắt đầu được cải tạo, hàng hóa từ miền xuôi đã lần lượt tìm lên, cuộc sống của người dân được cải thiện rất nhiều. Thế nhưng cái nghèo vẫn còn đeo đẳng nơi đây.

Những mùa đông dài buốt giá lũ trẻ con vẫn chân trần, nhịn đói, áo quần phong phanh sờn rách đi vào rừng lấy củi, nhặt rau, những ngôi trường vẫn bằng phên nứa đơn sơ không ngăn được những cơn gió lùa tê cóng. Trường Tiểu học Y Tý số 2 có 5 phân hiệu thì phân hiệu nào cũng chỉ có tấm bảng hiệu đã cũ sờn đóng sơ sài trên cọc tre và một vài gian nhà cũ nát.

Vậy nhưng ngày ngày những thầy cô giáo miền xuôi vẫn miệt mài thắp ngọn đèn sáng mang kiến thức đến với các em nhỏ nơi đây. Nhiều người đã gửi lại tuổi xuân của mình nơi mảnh đất biên cương rồi nguyện trọn đời gắn bó với miền đất hoang sơ này; với những em bé Hà Nhì, Dao, Mông... sinh ra trong mây, lớn lên trong mây; và với những ngôi nhà trình tường dãi dầu mưa nắng, những người phụ nữ nhẫn nại địu gùi sau lưng, những người đàn ông ngồi bên bậu cửa, như một cột mốc níu mây lưng trời.

Thầy Vũ Ngọc Thụ, Phó Hiệu trưởng nói ở đây, thiếu thốn vô cùng, từ sách vở, quần áo, giày dép... Người thầy miền xuôi đã có 10 năm cắm bản này không nhắc đến những khổ cực của riêng mình mà cứ rưng rưng khi nói đến những đứa trẻ lụi cụi đi trong sương sớm, tím tái vì rét, giọng run run không thể đọc tròn vành.

Mùa đông, hàng trăm chuyến hàng cứu trợ vùng xuôi ngược lên Y Tý, góp chút mặt trời ấm áp vào vùng đất mây. Để rồi mùa xuân, khi băng tuyết tan chảy, giá rét cũng qua đi, vùng đất tan hoang vì lũ dữ lại nở hoa. Hoa đào, hoa mận, hoa cải trên các sườn đồi, ven những ngôi nhà nở căng khoe sắc trong nắng xuân.

Mây lại bay lững lờ trên vùng trời xanh thẳm, lại bao phủ những ngôi nhà trình tường trong ánh sáng êm ả tựa thiên đường.

Hẹn nhé, Y Tý, lần sau...

Các tin khác