Tháng giêng đi thỉnh lân đường

Hơn trăm vật phẩm hình con lân, con gà, trái đào, bảo tháp… được sắp theo hàng, từ cao xuống thấp trên chiếc bàn dài. Màu tim sen của linh vật nồng ấm tỏa khắp chính điện ngôi chùa Minh Đức Cung, một trong bốn ngôi chùa Ông Bổn của người Hoa và lãng đãng, hòa quyện lạ lùng với nắng xuân, hơi xuân trên đất Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).

Hơn trăm vật phẩm hình con lân, con gà, trái đào, bảo tháp… được sắp theo hàng, từ cao xuống thấp trên chiếc bàn dài. Màu tim sen của linh vật nồng ấm tỏa khắp chính điện ngôi chùa Minh Đức Cung, một trong bốn ngôi chùa Ông Bổn của người Hoa và lãng đãng, hòa quyện lạ lùng với nắng xuân, hơi xuân trên đất Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).

Những vật phẩm đó gọi chung là “lân đường”, điều độc đáo là tất cả đều được đúc bằng đường cát trắng trộn phẩm hồng cùng phụ gia đặc biệt. Theo quan niệm của người Hoa, con lân thể hiện cho sự mạnh mẽ, làm ăn phát đạt; ngôi tháp thể hiện sự giàu sang; con gà và trái đào thể hiện cho sự may mắn, tròn trịa, viên mãn.

Màu hồng là màu của sự hồng hào, phát đạt. Những lân đường đang chưng trên bàn sẽ được chùa làm lễ (tụng kinh), vô bao, chuẩn bị cho buổi lễ “vay lân đường” sôi động vào đúng rằm tháng giêng (ngay Tết Nguyên tiêu), rằm đầu tiên trong năm mới theo âm lịch. Đây là thời điểm có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với người Hoa.

Người Hoa gốc Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) có mặt ở Cầu Kè (dinh Long Hồ) khá sớm, từ những thập niên cuối thế kỷ 18 và có tín ngưỡng thờ Ông Bổn, tức Thành Hoàng Bổn Cảnh - vị thần che chở và bảo vệ cho đời sống của họ.

Vay lân đường là hình thức bà con lên chùa sau khi cúng bái thường thỉnh lân đường về nhà theo ý thích và mong muốn trong năm của mình. Người thỉnh không phải trả tiền, họ chỉ mượn, vay, nhờ “lộc Ông Bổn” với niềm tin năm mới mọi sự hanh thông sẽ đến với gia đình. 

Nguyên tiêu năm sau, người ta đến chùa đổi con lân đường khác, cúng chùa “cả gốc lẫn lãi”. Lân đường sau khi đem về nhà có thể đặt ở đâu cũng được tùy gia chủ và nếu giữ trong bọc kín có thể để được cả năm. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều dùng để nấu chè với kỳ vọng phúc lộc ngọt ngào sẽ chan hòa trong mỗi thành viên gia đình.

Tục vay lân đường của người Hoa ở đây ngoài yếu tố vay lộc Ông còn thể hiện nhiều ý nghĩa khác. Vào lễ, người khắp nơi đổ về đông nghẹt. Từ sáng đến trưa chùa phải tổ chức chia bàn, bốc phiếu, xa trước gần sau nhưng cũng đến chiều tối mới đưa được “lộc” ra.

Vì yếu tố tâm linh, người thỉnh lân đường về trân trọng lắm, có người còn đóng hộp cho vô. “Có người trên TPHCM không xuống được phải điện gấp nhờ chùa dành lại cho con lân đường… Cả tỉnh chỉ duy nhất có chùa này đúc lân đường mà thôi” - ông Trương Văn Điều, 61 tuổi, Phó Ban trị sự chùa Minh Đức Cung cho biết.

Và cũng như mọi năm, chùa đều phải mướn thợ trên TPHCM xuống. “Nghề này đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề phải cao. Năm nay chùa Minh Đức Cung chỉ đúc khoảng 200 con lân đường, thợ làm trong khoảng 2 ngày nhưng tiền  công đã gần…10 triệu đồng (họ chịu tiền đường, dầu đốt).  Đây là nghề gia truyền, ít người còn làm nên kiếm thợ trần ai lắm” - ông Điều nói.

Các tin khác