Tâm điểm Đồng Tháp Mười

Có lần, tôi cùng ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An lên vùng Đồng Tháp Mười và nghe ông tâm sự: “Mình ước mơ biến khu đất trũng Láng Sen thành hồ chứa lũ để giữ lại nguồn nước cùng các nguồn lợi quý hiếm, đặc trưng của Đồng Tháp Mười”.

Có lần, tôi cùng ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An lên vùng Đồng Tháp Mười và nghe ông tâm sự: “Mình ước mơ biến khu đất trũng Láng Sen thành hồ chứa lũ để giữ lại nguồn nước cùng các nguồn lợi quý hiếm, đặc trưng của Đồng Tháp Mười”.

 Đến cuối mùa lũ năm 2015, trở lại Láng Sen ở huyện Tân Hưng, tôi hay tin Tổ chức Công ước Ramsar thế giới vừa công nhận “Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen” là khu Ramsar thứ 7 ở Việt Nam. Ước mơ của ông Chín Cần đã thành hiện thực.

1. Năm 1996, anh bạn nhà văn - nhà báo Quang Hảo công tác tại Báo Long An rủ tôi lên Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An sau khi vừa tách ra từ huyện cũ Vĩnh Hưng. Thú vị nhất là chúng tôi đi trong mùa lũ về. Cơ quan Huyện ủy Tân Hưng tuy còn nghèo nhưng rất mến khách, phân công người ở Văn phòng Huyện ủy lấy vỏ lãi đưa chúng tôi theo kinh 79 vô tới Láng Sen. Hồi ấy, Láng Sen vừa được UBND tỉnh Long An ra quyết định thành lập “Khu bảo tồn rừng Đồng Tháp Mười”.

Vạn sự khởi đầu nan. Ngô Quang Phục, cựu chiến binh tỉnh Kiến Tường tham gia kháng chiến chống Mỹ khi mới 15 tuổi. Sau giải phóng, ông Phục tiếp tục cầm súng chiến đấu với bọn Pol Pot trên tuyến biên giới Long An - Campuchia. Năm 1996, anh được điều vào làm Giám đốc Khu bảo tồn rừng Đồng Tháp Mười. “Ngoài 9 cán bộ và nhân viên, chúng tôi đến Láng Sen chỉ với hai bàn tay trắng. Tôi có đồng lương chuyển ngành, còn 8 anh em khác đâu có lương hướng gì. Thôi thì đành chấp nhận tự lo, vừa kiếm sống vừa phải làm tròn nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn Láng Sen”, anh Phục kể.

Ngày chân ướt chân ráo vô Láng Sen, người cựu chiến binh chiến trường Kiến Tường năm xưa không khỏi ngán ngại, bởi anh có trách nhiệm phải lo nuôi 9 con người giữa Đồng Tháp Mười hoang vắng, trong lúc tình trạng an ninh trật tự vẫn chưa ổn định. Hàng ngày, người dân các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Bình, Vĩnh Lợi… hăm he kéo nhau vô khai thác bừa bãi cá, săn bắt chim thú, chặt phá rừng tràm, đốt lửa lấy mật ong… Biết cán bộ Phục tâm tư trước những khó khăn khi vô Láng Sen, ông Trương Văn Tiếp, lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh cùng ông Út Thích, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng tìm gặp động viên.

Các lãnh đạo nhắc khéo ông Phục: “Từng gan dạ thời đánh Mỹ, đánh Pol Pot nay cũng phải phát huy tinh thần ấy trong thời bình”. Không phụ niềm tin của lãnh đạo, với tinh thần dám chịu đựng gian khổ và vượt khó của người lính, giám đốc Ngô Quang Phục chủ động xin chủ trương cho phép khoanh vùng giữ cá mùa lũ để khai thác nhằm giải quyết tình thế, lấy kinh phí nuôi đội ngũ bảo vệ và có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm phương tiện di chuyển, bảo vệ. Tận dụng hậu quả của việc khai thác tràm bừa bãi trước đây, ông Phục nảy ra sáng kiến huy động lực lượng bảo vệ cùng thu dọn cành - lá tràm, tạo thông thoáng cho hạt tràm nảy mầm. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ nguồn nước ngọt phù sa do lũ tạo ra, ông Phục lặn lội về huyện, lên các cơ quan hữu quan tỉnh Long An xin hỗ trợ kinh phí xây dựng đê bao chống lũ. “Nhờ có đê bao, Láng Sen giữ được nước dưới chân rừng tràm. Nhờ nước, các loài chim có thức  ăn và sinh sản quanh năm, các loài cá cũng mau lớn. Có con cá lóc, cá tra dầu nặng 20 - 30kg là chuyện thường”, giám đốc Ngô Quang Phục kể.

“18 năm trụ bám với Láng Sen, năm 2013 mới chuyển công tác khác, được chứng kiến Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nhiều lần thay tên đổi họ, kỷ niệm nào để anh nhớ mãi”, tôi tò mò hỏi ông Phục.
Ngô Quang Phục tâm sự: “Nhớ nhất là việc đi vận động nông dân 3 xã vùng đệm tham gia bảo vệ tài sản thiên nhiên ban tặng cho Đồng Tháp Mười. Mất Láng Sen có nghĩa trái tim Đồng Tháp Mười bị tan vỡ”.

Ông Phục coi đây không chỉ là kỷ niệm mà còn trở thành bí quyết trong việc quản lý, bảo vệ Láng Sen, để hôm nay sau gần 20 năm trở lại vùng đất ngập nước Láng Sen vẫn nguyên vẹn những thảm rừng tràm tuyệt đẹp. Vẫn nguyên vẹn hàng ngàn hàng vạn chim thuộc đủ các loài, kể cả những loài có ghi trong Sách đỏ. Cũng nghe chuyện lúc đương chức, ông Phục còn mua heo rừng nguyên chủng thả vào rừng tràm, nay heo đã thành bầy, thành đàn sống chung với người.

 Loài quắm đen và cò trong Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

Loài quắm đen và cò trong Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

2. Mấy bữa ở Láng Sen, tôi ngủ tại phòng khách tận vùng lõi, nơi có quy chế bảo vệ nghiêm ngặt, trong khuôn viên ban quản lý. Mới hơn 4 giờ sáng chưa kịp thức dậy, quanh phòng tôi ngủ đột ngột trỗi lên dàn hợp xướng hòa tấu với đủ các loại âm thanh phát ra từ các loài chim sau một đêm ngủ vùi. Tiếng vạc, tiếng diệc kêu như tiếng chiêng giữa đại ngàn. Tiếng bìm bịp nao lòng trước con nước lớn hòa quyện với tiếng con cuốc thổn thức khi mùa khô đến gần. Trong bản hòa tấu của dàn hợp xướng chim, tôi vội tắt quạt, cốt giữ không khí thật thanh tịnh để “nhạc chim” không bị ngắt quãng. Phía Đông trời dần rạng sáng cũng là thời điểm tất cả các nhạc cụ chim tấu lên điệp khúc rộn rã nhất, để rồi vỗ cánh bay vào không trung.

Thấy tôi mê mẩn với dàn “nhạc chim”, kỹ sư Nguyễn Linh Em giải thích: “Sống ở khu bảo tồn, mỗi sáng nghe tiếng chim riết rồi biết phân biệt tiếng hót của từng loại chim, thú vị lắm!”.

Tết 2016, kỹ sư Nguyễn Linh Em bước sang tuổi 27. Năm 2012, Linh Em tốt nghiệp Khoa Môi trường (Trường Đại học Nông Lâm) rồi xin về công tác tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Nhờ có kiến thức căn bản ngành môi trường học, lại sinh ra và lớn lên ở đất Láng Sen, từ ngày chập chững biết đi, Linh Em không chỉ sống chung với các loài chim trên đất ngập nước, cậu còn được nghe ông nội kể bao chuyện về quê hương mình. Trong lúc cùng tôi ngắm bầy chim tung cánh bay lên vòm trời Đồng Tháp Mười, Linh Em liệt kê vanh vách những địa danh nổi tiếng thời người dân tỉnh Kiến Tường (cũ) cầm súng đánh giặc. Nào là rọc Ba Đìa chảy vào ngọn Cá He. Ngay tại vùng lõi Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, nơi tôi và Linh Em đứng ngắm chim là gò Kiến Vàng, căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ của Tỉnh ủy Kiến Tường. Xung quanh gò Kiến Vàng người ta còn phát hiện xưởng quân giới của bộ đội sản xuất vũ khí. Quanh gò Kiến Vàng còn có một số điểm ngành bảo tàng khai quật di chỉ văn hóa Óc Eo. Sau giải phóng, thời cụ Ba Nhóm làm Chủ tịch UBND tỉnh, mấy ngàn mẫu đất vùng ngập nước Láng Sen thành lập Nông trường Lúa Vàng, chuyên sản xuất lúa và khai thác thủy sản…

Dù qua nhiều đơn vị sản xuất thay nhau quản lý Láng Sen, có điều Láng Sen vẫn không mất tiếng chim và nguồn lợi thủy sản. Thậm chí, một số loài chim và cá ở Láng Sen được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

3. Như một sự tình cờ ngẫu nhiên, vô Láng Sen kỳ này tôi gặp lại Tiến sĩ Hà Phước Hùng với trên 30 năm giảng dạy Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ. Cách nay khoảng 10 năm, sau mùa lũ, tôi lên Đồng Tháp Mười viết phóng sự về cuộc sống của nông dân vùng ngập lũ, gặp thầy Hùng dẫn mấy nhà khoa học người Anh đi thực địa vùng Đồng Tháp Mười. Nay gặp lại, thầy Hùng nhận ra tôi. Ông nhớ và kể lại chuyến đi kỷ niệm ấy. Nay sắp sang tuổi về hưu, ông vẫn nhiệt huyết dẫn các thầy Võ Thanh Toàn, Âu Văn Hóa và Trường Giang khảo sát, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản - xác định thành phần loài cá cùng chất nước, môi trường ở Láng Sen. Mới đặt chân đến Láng Sen, TS Hà Phước Hùng cùng các đồng sự vận đồ như những nông dân sống chung với lũ, tay cầm vợt, đầu chụp nón lá, bơi xuồng men theo con rạch từ vùng lõi khu bảo tồn thông ra tuyến đê bao, săn từng loài cá đưa về chụp hình, mổ xẻ thí nghiệm ngay tại khu bảo tồn.

Phong cách nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học khoa thủy sản như chất xúc tác, lôi cuốn tôi theo thầy Võ Thanh Toàn đi tìm hiểu đời sống, phương tiện và kinh nghiệm khai thác các nguồn lợi thủy sản ở “vùng đệm” được phép khai thác, ngoài Khu bảo tồn Láng Sen. Sau gần 20 năm giảng dạy bộ môn thủy sản, nhờ tích lũy kiến thức khoa học, cộng với vốn sống thực tế,  thầy Toàn đang tiến gần tới việc bảo vệ luận án tiến sĩ “Thành phần loài cá bống họ Eleotridac phân bố trên tuyến sông Hậu”. Theo hướng dẫn của anh Nguyễn Thành Nhu, Phó phòng Phát triển khu bảo tồn, chúng tôi đi phỏng vấn và đối thoại trực tiếp với những nông dân mưu sinh bằng nghề khai thác nguồn lợi thủy sản do lũ mang về. Theo giới thiệu của anh Nhu, được sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ CARE, Ban quản lý khu bảo tồn đã tập hợp 120 nông dân “vùng đệm” của 3 xã quanh khu bảo tồn để thực hiện dự án “Sinh kế bền vững và bảo tồn đất ngập nước có sự tham gia của cộng đồng trong vùng Đồng Tháp Mười”. Dự án hướng tới hỗ trợ và phát triển kế mưu sinh cho bà con nông dân Láng Sen tăng thu nhập và hình thành cộng đồng tham gia bảo vệ khu bảo tồn.

Vợ chồng Nguyễn Thành Dạ ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi là một trong những thành viên của nhóm này. Hai vợ chồng anh Dạ hành nghề đặt lợp, giăng giớn bắt cá từ trước trận lũ lịch sử năm 2000. Anh Dạ cho biết, Đồng Tháp Mười có cá quanh năm nhưng sản lượng khai thác nhiều nhất vẫn là những tháng mùa lũ. Năm lũ lớn, với 250 cặp lợp, mỗi ngày vợ chồng anh thu không dưới 100kg cá lóc. Chưa tính cá thèn, cá linh, cá chốt, cá lăng… khai thác từ giớn, lồng bẫy.

Nghĩ tới tâm niệm của ông Chín Cần về Láng Sen, tôi thêm một lần ấn tượng với vùng đất ngập nước giữa Đồng Tháp Mười

Các tin khác