Sống động chân dung người đương thời

Từng gắn đời mình với nghiệp phấn trắng bảng đen trên 10 năm, để rồi trở thành người “cầm bay, cầm nạo”, thành nhà điêu khắc với hơn 60 cuộc triển lãm những bức tượng danh nhân, nhà giáo. Đó là vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh - Nguyễn Sáng.

Từng gắn đời mình với nghiệp phấn trắng bảng đen trên 10 năm, để rồi trở thành người “cầm bay, cầm nạo”, thành nhà điêu khắc với hơn 60 cuộc triển lãm những bức tượng danh nhân, nhà giáo. Đó là vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh - Nguyễn Sáng.

Duyên nghiệp với tạc tượng

Hàng ngày nghệ sĩ Kim Thanh vẫn miệt mài cho ra đời hàng trăm tác phẩm nghệ thuật, đồng thời sẵn sàng “truyền nghề” cho những học trò yêu thích bộ môn tạc tượng. Tôi đến nhà chị trong một buổi sáng cuối tuần. Đằng sau cánh cổng sắt là mảnh vườn nhỏ được để đầy mô hình, bản thảo nghệ sĩ Kim Thanh chuẩn bị cho “ra lò”. Căn nhà nhỏ đơn giản nhưng danh sách các nhân vật được chị tạc tượng cứ ngày một dài thêm.

Trong số hàng trăm bức tượng đó, nghệ sĩ Kim Thanh tự hào là nhà điêu khắc tạc tượng về nhà giáo nhiều nhất. Ngày xưa, chị có duyên với nghề giáo, gắn phận mình với nghiệp phấn trắng bảng đen mười mấy năm ròng. Nay chị không quên những năm tháng đứng lớp, bám trường ở một vùng quê nghèo Long An.

Và cũng bởi xuât thân là nhà giáo nên trong suốt những năm qua, chị cùng các mạnh thường quân và những người yêu nghệ thuật xây dựng tượng đài cho hơn 10 ngôi trường mang tên các anh hùng, nhà giáo dân tộc. Ngoài Long An, danh sách tượng được tặng nối dài sang các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Thừa Thiên-Huế, ra tận cả một số tỉnh miền Bắc xa xôi.

Vừa kết thúc chỉ cách cầm bay cho học trò, chị lại lau chùi những bức tượng đã lâu bám bụi, từ tốn kể: “Tôi sinh ra trong tình thương yêu, chiều chuộng của gia đình đông anh chị em. Lớn lên từ những lời ru, câu ca dao ngọt ngào của bà ngoại, tôi sớm hình thành tình yêu thương đặc biệt dành cho con trẻ. Và những tình cảm đó đã định hướng giúp tôi sau này trở thành nhà giáo, trở thành giáo viên bộ môn hóa-sinh Trường THPT Đức Hòa-Long An”.

Nhưng rồi, cuộc sống của chị sang bước ngoặt mới khi về TPHCM sinh sống. Theo chồng về thành phố, trải qua nhiều nghề mưu sinh, nhưng hội họa, điêu khắc chưa từng học qua. Vốn hay theo dõi hoạt động của điêu khắc gia Tô Sanh qua tivi, 2 vợ chồng thích quá nên bàn nhau tìm bác Tô Sanh để xin học nghề.

Thấy 2 học trò lớn tuổi tận tâm thực sự muốn theo ngành điêu khắc, điêu khắc gia Tô Sanh đã nhận vợ chồng chị làm học trò. Và khóa học hy hữu, kéo dài vỏn vẹn 6 ngày đã tạo cho vợ chồng Kim Thanh một bướt ngoặt mới: Điêu khắc gia Tô Sanh trở bệnh nặng, Kim Thanh - Nguyễn Sáng (chồng chị) phải tự mày mò học dần, vừa học vừa làm.

Vậy mà, sau một thời gian, gian phòng nhỏ bé trong con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM là nơi “tụ hội” hàng trăm chân dung anh hùng dân tộc, bà mẹ Việt Nam anh hùng, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, nghệ sĩ…

Lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ

Bước vào căn nhà nhỏ rợp bóng cây xanh của gia đình nghệ sĩ Kim Thanh ở đường Sư Vạn Hạnh, hình ảnh đập vào mắt đầu tiên là tượng và tượng. Tượng chân dung của những người thầy đã đi vào lịch sử với đôi mắt nhân hậu, một đời vì sự nghiệp trồng người như GS-Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, GS. Nguyễn Đình Đầu, GS. Hoàng Tụy, GS. Đặng Đình Áng, GS. Vũ Khiêu, GS.TS Trần Văn Khê…

Nghệ sĩ Kim Thanh chia sẻ, mỗi lần tạc tượng danh Nhân, nhà giáo, chị đều đọc kỹ tư liệu về cuộc đời, thân thế của họ. Và để hiểu hơn tính cách và lối sống, chị đến nhà, trò chuyện, tiếp xúc với nhân vật của mình. Qua lần tiếp xúc ấy, chính những nhân vật đã để lại cho chị những bài học về cuộc đời khó có thể quên. Bởi vậy, những bức chân dung chị tạc người xem cảm được cái tình sâu sắc của một cô giáo, một học trò kính tặng người lái đò cao cả.

 Đến nay, nghệ sĩ Kim Thanh đã có hơn 60 cuộc triển lãm. Trong đó, ấn tượng nhất là triển lãm “Ơn thầy” vào năm 2006 tại TPHCM để tri ân thầy Tô Sanh. Sau đó là triển lãm tượng chân dung thứ hai với tên "Đất nước ngàn năm, Anh tài muôn vẻ", được tổ chức cuối năm 2008 ở Hà Nội.

Cũng từ cuộc triển lãm này, nhà văn hóa, Anh hùng Lao động, GS. Vũ Khiêu - đã tặng chị câu đối "Tinh hoa tỏa xuống bàn tay ngọc / Thần sắc bừng lên bức tượng vàng". 2 câu đối ấy được chị treo trang trọng trong nhà mình, xem đây là lời động viên quý báu đối với sự nghiệp khởi đầu của mình.

Nghệ sĩ Kim Thanh đang điêu khắc tác phẩm Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nghệ sĩ Kim Thanh đang điêu khắc tác phẩm Mẹ Việt Nam anh hùng.

Bảng danh sách tượng chân dung nhà giáo, danh nhân được vợ chồng chị tạc thêm dài ra như tượng GS. Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, Huỳnh Thị Phước, Nguyễn Thị Gàn, học giả Giản Chi, GS. Ngô Gia Hy, GS.TS Vũ Tuyên Hoàng, PGS. Trần Thanh Đạm, Anh hùng Lao động Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc, Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Dũng, nhà thơ Hữu Loan, Bùi Giáng, nhà văn Tô Hoài, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, tượng Chiến sĩ Trường Sơn…

Và mới đây nhất là cuộc triển lãm Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với chủ đề “Sống mãi với thời gian”. Chọn lọc từ hơn 100 tác phẩm, triển lãm tuyển chọn 32 tượng điêu khắc chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng và các nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân như chân dung Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu, Mẹ Việt Nam Bùi Thị Mè…

Bằng chất liệu thạch cao tổng hợp, đất nung, qua bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Kim Thanh với nhiều kích thước và màu sắc khác nhau, bộ tượng điêu khắc đã phác họa sống động chân dung của những người mẹ, người chị đã có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Vợ chồng tôi có duyên may được gặp gỡ và được tạc tượng các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà cách mạng… Trong quá trình tiếp xúc tạc tượng các chú, các bác, nhiều lúc mình hạnh phúc khi nghe được những lời nói chân thành muốn nhắn nhủ lại thế hệ trẻ” - nghệ sĩ Kim Thanh chia sẻ.

Nhưng có lẽ đối với chị, điều quan trọng nhất là được sự quan tâm của công chúng. Ngoài các vị khách lão thành thưởng ngoạn những tác phẩm đặc biệt, còn có những người trẻ tuổi nhận xét trân trọng về phòng triển lãm. Họ chia sẽ cảm nhận của chính mình như đang lắng nghe những bước đi của lịch sử và được sống với “những người đương thời”. Đó cũng là niềm vui và là nguồn hạnh phúc lớn của gia đình nhà giáo, nhà điêu khắc Kim Thanh.

Các tin khác