Săn rắn mùa nước nổi

Cơn lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua ở ĐBSCL khiến diện tích ruộng không sản xuất vụ 3 trong vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang ngập mênh mông. Các loại rắn nước, trau tráu, hổ hành, hổ ngựa… mất môi trường sinh sống phải trú ẩn ở những gò cao, đợi đêm xuống đi tìm mồi. Đây chính là thời điểm cánh thợ săn trổ tài bắt rắn, bởi săn rắn có thể đủ chi tiêu cho gia đình cả tháng.

Cơn lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua ở ĐBSCL khiến diện tích ruộng không sản xuất vụ 3 trong vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang ngập mênh mông. Các loại rắn nước, trau tráu, hổ hành, hổ ngựa… mất môi trường sinh sống phải trú ẩn ở những gò cao, đợi đêm xuống đi tìm mồi. Đây chính là thời điểm cánh thợ săn trổ tài bắt rắn, bởi săn rắn có thể đủ chi tiêu cho gia đình cả tháng.

Trắng đêm giữa đồng nước

 Thạch tóm được con rắn hổ ngựa gần 1kg.

Thạch tóm được con rắn hổ ngựa gần 1kg.  

Như thường lệ, chiều buông xuống, gần 30 chiếc xuồng máy tập trung kín cả một đoạn kênh Tám Ngàn tại khu vực Lò Gạch (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để chuẩn bị đêm săn rắn.

Thạch - một thợ săn rắn - cho biết chỉ lát nữa thôi mọi người đều tản ra, mỗi người một hướng. Thông thường thợ săn chỉ đi một mình với mớ hành trang gồm túi nylon đựng rắn, một cái kẹp sắt dài hơn 3m và chiếc đèn pin nịt chặt trên đầu.

Nài nỉ mãi tôi mới được Thạch cho theo, anh giải thích: “Làm nghề này là chấp nhận nhiều thứ nguy hiểm. Để vừa dễ xoay trở khi phát hiện rắn, vừa có thể luồn lách vào những ngọn cây rậm rạp nên thợ phải đi bằng xuồng nhỏ một mình. Bởi vậy, ngoài chuyện rủi ro từ rắn cắn, khi gặp mưa giông bất ngờ xuồng rất dễ lật úp.

Nếu có thêm người trên xuồng, độ nguy hiểm càng tăng”. Tôi là người may mắn được chứng kiến cuộc mưu sinh về đêm hiếm thấy này.

18 giờ, bến Lò Gạch sôi động hẳn lên bởi tiếng máy nổ giòn giã của đoàn xuồng bắt đầu rời bến. Từ đây, các thợ săn cho xuồng rẽ vào kênh Vĩnh Thành và túa ra tứ phía rồi len lỏi vào các nhánh kênh khác tìm “mồi”. Đến một khúc kênh, Thạch phát hiện con rắn to đang co mình rình mồi trên ngọn cây bạch đàn, cách mặt nước chừng 3m.

Bằng động tác thành thục, Thạch đưa kẹp sắt lên cao, giật mạnh cọng dây phía dưới tay cầm. Một con rắn da vàng như nghệ, có sọc đen chạy dọc 2 bên sống lưng đã bị kẹp chặt. Con rắn nặng gần 1kg cố vùng vẫy thoát thân, nhưng chỉ bằng cú vung tay chính xác, gọn gàng và thành thục của Thạch, nó đã bị tóm cổ và cho vào túi.

Thạch phấn khích nói: “Con này là rắn hổ ngựa, thường đi ăn mồi và sống dưới đất. Khi no nê rồi nó leo lên cây nằm ngủ, chứ ban ngày thì vô phương bắt được vì nó trốn trong hang và thoát nhanh như ngựa chạy. Đêm nay chỉ cần bắt được chừng 4-5 con cỡ này là đủ, vì được gần cả triệu đồng rồi”.

Thạch giảng giải thêm, rắn hổ ngựa rất hung dữ trong thời kỳ sinh sản. Thời điểm đó, nếu phát hiện ai đến gần lãnh địa, nó rượt chạy thục mạng.

Đặt bộ đồ nghề nằm gọn lại chỗ cũ, Thạch cho máy nổ lạch tạch chạy chầm chậm tiếp một đoạn rồi tắt máy hẳn. Tưởng máy hỏng, tôi đâm lo.

Biết ý tôi, Thạch cười trấn an và nói một cách tự tin: “Lùm cây mai dương có cặp rắn”. Anh dùng dầm bơi xuồng chầm chậm đến gần đám mai dương. Do 2 con rắn nằm ngang tầm với nên lần này Thạch không dùng kẹp sắt, mà dùng tay không tóm từng con bỏ vào túi.

Thạch nói: “Đây là rắn trau tráu, có người còn gọi là rắn lãi. Tui tắt máy vì tiếng máy nổ có thể làm cho chúng giật mình trốn mất”.

Theo Thạch, loại rắn này cơ thể thon dài nhưng lại là một cao thủ săn chuột không loại rắn nào sánh bằng. Khi gặp nguy hiểm nó thoát nhanh không thua gì hổ ngựa. Loại rắn này bán không có giá bằng rắn hổ ngựa nhưng lại dễ tìm. Rắn hổ ngựa hiện nay trên 100.000 đồng/kg, còn rắn trau tráu chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng/kg.

Đêm đó, suốt hơn 10 giờ chạy khắp các tuyến kênh Vĩnh Thành 3, Cà Na, Cống Ranh, T4, T5 (kênh Võ Văn Kiệt), T6…, Thạch bắt được hơn chục kg rắn các loại. Bảo tôi chờ trên bờ, Thạch cười bí hiểm và nói: “Vậy là kiếm được hơn 1 triệu đồng. Để em chạy xuồng vô con kênh nhỏ đằng kia bán rắn”.

Lát sau xuồng quay về, Thạch hớn hở giơ chùm chuột đồng lên khoe có “mồi ngon” và rủ rê lát nữa về nhà mời anh em đến nhâm nhi, tâm sự chơi! Hóa ra đó là cách giữ khách của anh thợ săn rắn.

Không tận diệt

Những người đến chơi với chúng tôi hôm đó đều có hơn chục năm trong nghề, tích lũy nhiều kinh nghiệm, kiến thức về rắn và nghề bắt rắn. Họ cho biết rắn thường xuất hiện nhiều vào 2 thời điểm trong năm. Đó là lúc lúa hè thu vừa gặt xong và khoảng tháng 7 khi nước lũ lên đồng.

Trung bình mỗi đêm, một thợ săn bắt được 5-6kg, người giỏi có thể bắt hơn chục kg. Rắn bắt được phải đảm bảo còn sống và không bị trầy xước bán mới có giá cao. Theo Thạch, trước đây thợ săn khi phát hiện rắn dùng súng chĩa (giống cung tên) để bắn rất nguy hiểm, lại làm mất giá trị của rắn.

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ được xem mấy phim khoa học về bắt rắn của kênh truyền hình Discovery, thợ săn vùng này chế ra loại kẹp sắt dùng để bắt rắn trên cây cao. Đối với rắn ở mặt đất hoặc ngang tầm tay thì thợ săn chỉ cần lấy tay tóm cổ.

Thông thường rắn thích chọn những nhánh cây nghiêng và trên các đám mai dương rậm rạp làm nơi nghỉ ngơi sau khi ăn mồi. Trong đêm tối đòi hỏi người thợ phải thật tinh mắt, nhanh tay mới có thể phát hiện và bắt chúng trong các lùm cây, những người mới vào nghề rất khó phát hiện.

Trường hợp này người thợ phải biết cảm nhận sự tồn tại của rắn qua ánh sáng phản chiếu từ đôi mắt nhỏ xíu của chúng. Hơn nữa, chỉ cần nhìn từng loại màu sắc phản chiếu, thợ có thể phân biệt được rắn gì, độc hay không, kích cỡ ra sao...

Một thợ săn rắn đứng tuổi chia sẻ cách phân loại qua ánh phản chiếu từ mắt các loài rắn: hổ ngựa có màu trắng ngà, trau tráu có màu trắng hơi xanh, hổ hành có đôi mắt rất nhỏ với ánh màu đỏ, rắn nước mắt hơi nhỏ màu trắng…  Phân biệt được rắn là cách thợ săn tự bảo vệ mình trước các loài rắn độc.

Trong đêm theo chân người săn rắn, tôi đã chứng kiến không ít lần những chú rắn nhỏ bị bắt rồi được thả ngay. Không riêng Thạch, những người bắt rắn luôn tuân thủ nguyên tắc bất thành văn: không bắt bừa bãi rắn con. Khi nhận thấy số rắn bắt được trong đêm đủ kiếm tiền trang trải cuộc sống trong khoảng 1 tháng, dù thừa thời gian họ vẫn kết thúc cuộc săn.

Hơn ai hết, những thợ săn này hiểu rằng không tận diệt là tạo cho chính mình cơ hội tiếp tục mưu sinh trong những mùa lũ sau.

Các tin khác