Ông thương binh mê sáng chế

(ĐTTCO) - Không bằng cấp nhưng giàu đam mê, ông Nguyễn Hữu Trọng - thương binh 4/4 ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã có những sáng tạo gây ngạc nhiên cho nhiều người. Mới đây, ông đã chế tạo ra thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy, đi 100km chỉ hết 1 lít xăng.

(ĐTTCO) - Không bằng cấp nhưng giàu đam mê, ông Nguyễn Hữu Trọng - thương binh 4/4 ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã có những sáng tạo gây ngạc nhiên cho nhiều người. Mới đây, ông đã chế tạo ra thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy, đi 100km chỉ hết 1 lít xăng.

 Người lính già Nguyễn Hữu Trọng miệt mài với đam mê của mình.

 Người lính già Nguyễn Hữu Trọng miệt mài với đam mê của mình.

"Trọng babetta"!

Một ngày làm việc của ông Nguyễn Hữu Trọng bắt đầu từ 7h sáng và thường kết thúc vào lúc nửa đêm, có khi 3h sáng hôm sau. Ngày ông quẩn quanh với máy móc dưới xưởng, đêm lại cặm cụi đo vẽ, thiết kế những chi tiết còn chưa hoàn thành. Nhìn người lính già làm việc hăng say, miệt mài như thế, không mấy ai nghĩ rằng ông đang mang trong mình thương tật hạng 4/4, vì những di chứng của chiến tranh.

Ông Trọng có một lối làm việc rất đặc biệt. Ông không dùng máy tính, cũng không sử dụng giấy bút, với ông, chỉ một viên phấn là đủ. Ngồi trên sân, hoặc nền nhà, dù dưới xưởng, hoặc bất cứ đâu có mặt phẳng, ông dùng phấn vạch xuống đất những đường ngang dọc như mê cung. Và từ đó những bản thiết kế ra đời. Ông Trọng cười khà khà "Tôi không thạo công nghệ, lại ngại giấy tờ, dùng phấn là tiện nhất, loáng cái là xong".

Nhấp một ngụm trà nóng để xoa dịu cái giá buốt của ngày đông, ông Trọng kể về những tháng ngày gian khó của mình. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau khi học xong chương trình phổ thông (10/10), như bao bạn bè cùng trang lứa, ông tình nguyện nhập ngũ vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Mấy năm chiến tranh khốc liệt đã "đánh dấu" lên người ông vô số vết thương lớn nhỏ. Trở về quê hương với thương tật 4/4, cuộc mưu sinh lăn lộn mãi mà không thoát khỏi cái nghèo, đầu những năm 90 của thế kỷ trước ông Trọng quyết định khăn gói ra Hà Nội tìm việc. Nhờ bạn bè, ông mượn được một số tiền mua đồ đạc, ra đường Láng bơm xe máy, xe đạp. Nhìn cảnh nhiều người đi xe babetta khổ sở vì khó nổ máy, ông Trọng nảy ra ý tưởng thiết kế chi tiết giúp xe dễ khởi động. Sau vài ngày lần mò chế tạo, cuối cùng ông đã thành công. Gắn thiết bị vào, chỉ cần đạp nhẹ xe đã được khởi động. Với thành công này, ông Trọng trở nên nổi tiếng và được giới sửa chữa bấy giờ đặt cho danh hiệu "Trọng babetta".

Đến những năm 2000, dòng xe babetta trở nên lỗi thời, ông Trọng bỏ nghề, quay sang nhận sửa chữa máy móc ở các nơi. "Công trình" đầu tiên của ông là sửa chữa 4 máy biến thế bị rò rỉ điện. Đây là loại biến thế cũ do Liên Xô sản xuất, có cấu tạo rất phức tạp, rất khó sửa chữa khi hư hỏng. Thế nhưng sau 20 ngày cặm cụi, ông Trọng đã thành công, loại bỏ được hoàn toàn hiện tượng rò rỉ điện, gây kinh ngạc cho toàn bộ kỹ sư Viện Công nghệ bấy giờ.

Sau thành công với máy biến thế, ông Trọng tiếp tục nhận lời chế tạo dây chuyền thiết bị cho một nhà máy sản xuất viên bi thủy tinh. Nhà máy này trước đó đã chi hàng triệu USD thuê một công ty của Đức làm nhưng không xong. Ông Trọng lên, chỉ sử dụng 5 công nhân đo vẽ, thiết kế mà hoàn thành. Lần khác ông theo chân bạn về sửa chữa cho một công ty sản xuất đồ hộp ở ngoại thành Hà Nội. Công ty này nhập dây chuyền của Ấn Độ nhưng máy móc chỉ hàn được mối hàn dày 1mm, trong khi yêu cầu là 0,5mm.

Kỹ sư Ấn Độ bay sang để khắc phục nhưng bó tay, với ông Trọng chỉ 4 ngày là êm đẹp. Nổi danh vì những sáng tạo đó, ông Trọng trở thành "người quen" với cả Nhà máy Cơ khí Cầu Diễn Z157 vì thường sửa chữa ô tô cho nhà máy này. Về sau, ông được mời tham gia chế tạo phần khớp và cánh tay cho robot TOPIO - robot nổi tiếng của Việt Nam được trưng bày tại triển lãm robot lớn nhất thế giới ở Nhật Bản.

100km hết 1 lít xăng

Năm 2008, sau nhiều năm trời đi khắp nơi để sửa chữa máy móc, ông Nguyễn Hữu Trọng trở về nhà để tập trung cho một dự định ấp ủ bấy lâu. Đó là chế tạo thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy. Ông Trọng nói: "Việt Nam là quốc gia xe máy, mỗi ngày tiêu thụ lượng xăng dầu rất lớn. Thêm nữa, các động cơ hiện nay đốt không hết nhiên liệu, gây ô nhiễm cho môi trường, vậy tại sao không chế tạo thiết bị để giải quyết hai vấn đề trên"? Nghĩ vậy nên ông quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng của mình.

Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, ông đã hoàn thành thiết bị trong mơ của mình. Thiết bị nhỏ gọn, nặng 1,6kg, được làm bằng hợp kim chống gỉ. Khi lắp đặt, chỉ cần tháo bỏ cổ hút của xe ra và lắp thiết bị vào bằng 4 con ốc có sẵn. Thời gian lắp đặt chỉ bằng thời gian làm vệ sinh bộ chế hòa khí. Vì toàn bộ thiết bị nằm sau chế hòa khí và được che khuất bởi yếm nhựa nên kín đáo. Thiết bị được hoạt động theo nguyên lý sử dụng nhiệt lượng của khí xả để hóa hơi hỗn hợp đốt trước khi đưa vào buồng đốt. Vì hạn chế đến tối đa phần đưa vào nên nhiên liệu được đốt triệt để, bugi và ống bô luôn sạch muội, xe vận hành êm. Gắn thiết bị vào, xe máy chạy 100km với tốc độ 40-50km/h chỉ hết 1 lít xăng. "Nhiều khách hàng đến đây, tôi đong xăng cho chạy thử để tự kiểm chứng. Ai cũng phải gật đầu khen tốt", ông Trọng hồ hởi cho biết.

Sáng tạo này của ông đã được Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế. Thế nhưng khi ấy ông lại có suy nghĩ: Làm ra được thiết bị rồi nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì có lẽ người thợ nào cũng làm được, chưa phải đặc sắc. Thế là ông lại dồn tâm sức vào việc chế tạo hệ thống máy móc để sản xuất tự động thiết bị này. 5 năm trời được đổ thêm vào đó. Ấy là 5 năm ông Trọng "lượn lờ" khắp các cửa hàng sắt vụn, khu chợ Trời lùng mua đồ cũ, 5 năm mất ăn mất ngủ bên các bản vẽ, 5 năm tháo ra lắp lại, thử nghiệm hàng trăm lần. 5 năm vay mượn, chạy vạy tứ phía để có kinh phí nghiên cứu.

Tổng cộng, ông đã rót vào dây chuyền 3 tỷ đồng. Trời không phụ người có công, sau 5 năm, dây chuyền sản xuất của ông hoàn thành theo hướng tự động hóa. Giờ đây mỗi ngày dây chuyền có thể sản xuất 500 thiết bị, phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Ông Trọng chia sẻ thêm, trước đây, khi thiết bị mới hình thành còn vướng phải nhược điểm là hạn chế công suất của xe. Nhưng giờ đây, qua nhiều lần cải tiến đã khắc phục được bất cập này. Việc tăng, giảm ga nhanh chóng đã không còn là trở ngại với người sử dụng nữa.

Làm ra sản phẩm tốt, nhưng để đưa ra được thị trường, con đường phía trước vẫn còn gập ghềnh với người thương binh Nguyễn Hữu Trọng. Năm nay ông đã 63 tuổi, tóc đã bạc đi rất nhiều, sức khỏe cũng giảm sút hơn trước, chỉ có bầu nhiệt huyết sáng tạo là chưa bao giờ vơi đi theo năm tháng. Nói về những dự định phía trước, ông Trọng cho biết sẽ cố gắng để đưa sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng trong cả nước.

"Đây là sản phẩm thuần túy Việt Nam, được làm ra để phục vụ người Việt Nam, vì thế tôi luôn mong thị trường đón nhận nó. Cũng rất vui vì từ khi đưa sản phẩm ra đến nay, thị trường đã có những phản hồi rất tích cực". Ông cũng chia sẻ thêm, sắp tới sẽ thiết kế thiết bị tiết kiệm xăng cho dòng xe tay ga để tiến tới phổ cập hóa thiết bị này cho toàn bộ dòng xe máy trên thị trường.

Các tin khác