Nữ hướng dẫn du lịch

Phụ nữ làm hướng dẫn viên du lịch đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả khó khăn, phức tạp của nghề. Nhiều nữ hướng dẫn viên không thể vượt qua những tình huống khó xử khi đi tour, bỏ đoàn ra về ngay đêm khuya, hoặc bỏ nghề.

Phụ nữ làm hướng dẫn viên du lịch đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả khó khăn, phức tạp của nghề. Nhiều nữ hướng dẫn viên không thể vượt qua những tình huống khó xử khi đi tour, bỏ đoàn ra về ngay đêm khuya, hoặc bỏ nghề.

Đối mặt áp lực

Hướng dẫn viên du lịch được phân thành hai dạng chuyên nghiệp và nghiệp dư. Người chuyên nghiệp tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành, ngoại ngữ giỏi. Họ thường đi các tour lớn, tour nước ngoài nên tiếp xúc với các khách hàng có trình độ văn hóa cao, cư xử chuẩn mực và được đãi ngộ ăn ở, thù lao tương đối tốt.

Hướng dẫn viên nghiệp dư chỉ làm theo thời vụ, “đi chui”, không có chứng chỉ nghiệp vụ, thường đảm nhiệm những tour đơn giản, nhỏ lẻ trong nước. Do khách đủ tầng lớp, nên việc phục vụ của họ rất truân chuyên.

Hướng dẫn du lịch là nghề nhọc nhằn đối với nữ giới. Ảnh: LÃ ANH

Hướng dẫn du lịch là nghề nhọc nhằn đối với nữ giới. Ảnh: LÃ ANH

Nguyễn, cô hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp đang làm cho một công ty lữ hành ở TPHCM, có thâm niên trong nghề, tâm sự: “Nhiều khi muốn chuyển hẳn sang lĩnh vực khác cho đỡ vất vả”. Thời sinh viên Nguyễn luôn có mặt tại các điểm du lịch để được nghe các bậc đàn anh, đàn chị trong nghề thuyết minh và ghi chép rất cẩn thận. Sau đó về nhà cô lại đứng trước gương tập thuyết minh.

Rồi cơ hội đầu tiên đã đến, Nguyễn được bạn giới thiệu dẫn tour đầu tiên trong đời. “Lên xe em run lắm, ban đầu không nói được gì trước 20 cặp mắt xa lạ chăm chăm nhìn mình dò xét. Xe đi hơn 1 giờ em mới lấy hết can đảm tự giới thiệu và bắt chuyện với khách. Có lẽ sự khởi đầu của em phá tan bầu không khí trầm lắng, nên lát sau cả xe rôm rả hát hò, em cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng tại điểm đến, vấn đề khó xử mới bộc lộ. Khi nhận phòng, em mới biết khách sạn sắp xếp em ở chung với anh tài xế. Cũng may, trong khi em đang hoang mang, anh ấy cười xòa và trấn an sẽ tự tìm chỗ khác” - Nguyễn kể.

Sau vài tour nữa, Nguyễn vỡ mộng vì ban đầu nhìn bề ngoài cứ nghĩ hướng dẫn du lịch là nghề thú vị, sang trọng, được đi đây đi đó, hiểu biết nhiều, nhưng dấn thân vào mới biết thích du lịch là một chuyện, làm du lịch là chuyện hoàn toàn khác.

Nguyễn đúc kết: “Nghề của em là làm dâu trăm họ. Hãy tưởng tượng dẫn đoàn khách 45 người, mỗi người một ý. Nếu hoàn thành chuyến đi không ai phàn nàn mình mới xem như thành công”. 

Trong dịp hè mới đây, Lê cùng 6 nữ hướng dẫn viên đưa một đoàn khách 300 người đi Hạ Long. Khách đa phần là nam giới nên thấy toàn nữ hướng dẫn viên thì trêu ghẹo. Cả đêm Lê và đồng nghiệp không sao ngủ được do khách gọi điện thoại, nhắn tin quấy rầy liên tục. Nhiều trường hợp khách khiếm nhã nhưng hướng dẫn viên không dám phản ứng thẳng thừng, sợ họ phật ý gọi điện về trách với công ty, xem như mất việc.

“Làm nghề như chúng em tiếp xúc với nhiều khách du lịch nên phải tỉnh táo và cần biết giới hạn, nếu không rất dễ vướng vào bẫy tình” - Lê tâm sự.

Chuyện bố trí ăn ở cho hướng dẫn viên bất hợp lý nhiều khi cũng làm nảy sinh khá nhiều rắc rối. Trong đó phổ biến nhất là việc khách sạn chỉ cho hướng dẫn viên (dù nam hay nữ) và tài xế, phụ lái ở chung một phòng miễn phí. Với nam hướng dẫn viên là chuyện bình thường, nhưng với hướng dẫn viên nữ thì việc trở nên rắc rối. Vì tiền công dẫn tour một ngày chỉ được vài trăm ngàn đồng, nếu thuê riêng phòng chẳng khác nào đi làm công không cho công ty du lịch, còn sử dụng phòng miễn phí lại rơi vào tình huống nhạy cảm.

Nhiều nữ hướng dẫn viên du lịch đã truyền nhau kinh nghiệm thoát khỏi hoàn cảnh này bằng cách nói thật nỗi khổ của mình với khách nữ. Phần đông họ thông cảm, dồn nhau lại để các nữ hướng dẫn viên có chỗ ngủ đàng hoàng. Những trường hợp không may bị khách từ chối, họ đành ra ngoài sảnh của khách sạn thức suốt đêm chờ sáng.

Công ty làm, hướng dẫn viên chịu

Thảo, một hướng dẫn viên thời vụ của của công ty S. M. có trụ sở tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, cho biết trước khi dẫn tour, các hướng dẫn viên nghiệp dư được công ty giao cho tờ giấy có nội dung giới thiệu những điểm du lịch sắp đến. Nhưng để thủ sẵn kiến thức về những nơi sẽ đi qua và điểm đến khi khách hỏi những điều lắt léo, họ phải tìm hiểu thêm trên internet và sách báo. Thảo tâm sự khổ nhất khi bị khách phản ứng, mắng mỏ vì lắm lúc công ty du lịch giới thiệu một điểm du lịch nào đó rất hấp dẫn, nhưng khi tới nơi lại không như mong đợi.

“Một lần em dẫn đoàn khách từ Hà Nội ra đảo Cát Bà. Trong chương trình khách sẽ được đi tàu ra thăm đảo khỉ. Nghe đảo khỉ mọi người đều rất hứng khởi, nhưng khi ra đến nơi chỉ thấy đúng 2 con. Thế là khách mắng em lừa đảo, “treo đầu dê, bán thịt chó”. Em đành chống chế có lẽ thấy người đông, khỉ trốn hết lên núi” - Thảo thở dài.

Vân, đồng nghiệp của Thảo, cũng kể về tình huống tương tự trong lần lãnh tour đi Sa Pa: “Hôm đó trong lịch trình tụi em dẫn khách đi xem bãi đá cổ. Theo thông tin công ty cung cấp, em nói với khách bãi đá này có từ rất lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bởi người xưa đã khắc lên trên các tảng đá họa tiết và hoa văn kỳ lạ. Có những họa tiết đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được thông điệp ẩn chứa bên trong.

Do em cũng như khách, là người chưa từng đến điểm du lịch này, nên cũng háo hức muốn sớm được chiêm ngưỡng kỳ tích ấy. Nào ngờ đến nơi chỉ thấy vài tảng đá bị rào lại, hoa văn đã mờ nhạt theo thời gian. Khách thất vọng một, em thất vọng đến mười, vì thấy cái nghề hướng dẫn du lịch có phần bạc bẽo này. Khách mắng: Thế này mà dám gọi là bãi đá à! Lúc đó em chỉ chực khóc”.

Đó là chưa kể những gian truân khi đơn thân độc mã đi khảo sát điểm mới, hoặc lúc xe đưa khách hỏng giữa nơi hoang vắng, khách bệnh cấp tính hoặc tai nạn… Hướng dẫn viên là người có trách nhiệm lo toan mọi việc. Nếu không có “thần kinh thép”, cư xử khéo léo, chịu áp lực cao và sức khỏe tốt... nữ hướng dẫn viên du lịch khó lòng đi đến cuối con đường nghề nghiệp đã chọn.

Có lẽ vì vậy, nhiều nữ hướng dẫn viên du lịch, nhất là những người không chuyên, sớm bỏ nghề sau khi kiếm được lưng vốn để chuyển sang lĩnh vực khác, hoặc khi lập gia đình.

Các tin khác