NLTN (bài 2): Chưa giải quyết căn cơ ô nhiễm

Người dân ai cũng phấn khởi vì hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NLTN) bây giờ đã thoáng đãng, rộng rãi nhờ các hạng mục bê tông hóa bờ kè, mở rộng đường giao thông và hành lang đi bộ. Tuy nhiên đó chỉ là giai đoạn 1 - tạo ra lớp vỏ bọc bề ngoài, đem lại vẻ đẹp cho dòng kênh này, còn phần ruột là giai đoạn 2 - dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xử lý nguồn nước đen ngòm, hôi thối vẫn nằm chờ.

Người dân ai cũng phấn khởi vì hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NLTN) bây giờ đã thoáng đãng, rộng rãi nhờ các hạng mục bê tông hóa bờ kè, mở rộng đường giao thông và hành lang đi bộ. Tuy nhiên đó chỉ là giai đoạn 1 - tạo ra lớp vỏ bọc bề ngoài, đem lại vẻ đẹp cho dòng kênh này, còn phần ruột là giai đoạn 2 - dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xử lý nguồn nước đen ngòm, hôi thối vẫn nằm chờ.

> Kênh NLTN (bài 1): Thay da đổi thịt

Nguồn nước tiếp tục ô nhiễm nếu...

Kênh NLTN từ lâu vốn là hồ chứa nước thải sinh hoạt bất đắc dĩ của một lưu vực rộng lớn 3.320ha với gần 1,5 triệu dân thuộc 7 quận, huyện TPHCM. Đây cũng là tình trạng của các dòng kênh đang kêu cứu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do hầu hết người dân sống ở khu vực này đều là dân lao động, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao.

Hơn nữa, lưu vực NLTN chưa có hệ thống thoát nước nên nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng xuống kênh. Nhằm giảm thiểu nạn ngập úng và ô nhiễm, lãnh đạo TP đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh NLTN với kỳ vọng sẽ đem lại cho người dân TP một dòng kênh xanh - đẹp - an toàn.

Và để chặn nguồn nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra kênh, dọc kênh NLTN được xây dựng tuyến cống bao có đường kính 3m và lắp đặt ở độ sâu 7-20m dưới lòng đất. Đồng thời có các công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn nước phân bố dọc bờ kênh để nối hệ thống thu gom vào tuyến cống bao.

Nước thải sinh hoạt sẽ chảy vào tuyến cống bao đưa về trạm bơm (có công suất 64.000m3/giờ) để bơm ra sông Sài Gòn. Khi có Nhà máy xử lý nước thải NLTN (NMXLNT NLTN), nước “thối” từ kênh NLTN sau khi được lược rác tại trạm bơm sẽ tiếp tục xử lý trước khi bơm ra sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, ghi nhận tại kênh NLTN sáng 10-2, nước trên kênh NLTN vẫn một màu đen ngòm, nhiều khu vực nước sủi bọt trắng từng mảng lớn. Từ các cửa xả, nước thải sinh hoạt đầy dầu mỡ, túi nilon, chai lọ vẫn đổ thẳng ra kênh.

Đơn cử, đoạn kênh đi qua khu vực cầu số 4 và 5 quận Tân Bình, lòng kênh rác thải nổi lềnh bềnh trắng xóa hàng km. Một người dân cho biết, từ khi hành lang kênh được bê tông hóa, trồng cây xanh, nhiều hàng quán ban đêm tận dụng làm bãi đỗ xe, kinh doanh quán nhậu, xả rác và nước bẩn xuống kênh làm nguồn nước tiếp tục ô nhiễm.

Đoạn kênh NLTN khu vực cầu số 4 - quận Tân Bình dưới lòng kênh vẫn còn ô nhiễm. Ảnh: LÃ ANH

Đoạn kênh NLTN khu vực cầu số 4 - quận Tân Bình dưới lòng kênh vẫn còn ô nhiễm. Ảnh: LÃ ANH 

Trao đổi với ĐTTC, GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường TPHCM, chia sẻ: “Vấn đề xử lý môi trường đã được bàn đến và triển khai nhiều năm qua, số tiền vài trăm triệu USD bỏ ra quá lớn nhưng tính hiệu quả đem lại chưa cao.

Bởi kênh vẫn đầy rác, nước đen kịt bốc mùi hôi thối và không có sinh vật nào có thể sống được. Hiện nay, chúng ta chỉ mới đầu tư hệ thống cống bao gom nước thải về trạm bơm để lược rác, xử lý mùi. Với giải pháp này, chúng ta chỉ mới cào được rác ra khỏi nước mà chưa giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm”.

Nhà máy xử lý nước thải... còn chờ

Hiện nay, nguồn nước trên sông Sài Gòn đang ô nhiễm nghiêm trọng do hàng ngày phải tiếp nhận hàng trăm ngàn m3 nước sinh hoạt lẫn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý. Vì vậy, cho dù giai đoạn 1 của dự án vệ sinh môi trường NLTN cơ bản hoàn thành, nhưng việc xây dựng NMXLNT NLTN (giai đoạn 2) là rất quan trọng và cấp bách.

Được biết, Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 hiện TP giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM làm chủ đầu tư. Theo đó, sẽ có hai hạng mục chính trong dự án này là xây dựng tuyến cống bao chuyển nước thải từ trạm bơm lược rác (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) đến NMXLNT NLTN ở Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 nhằm xử lý triệt để nước thải từ lưu vực NLTN và một phần ở quận 2 trước khi đổ ra sông Sài Gòn.

Công suất xử lý nhà máy giai đoạn 1 khoảng 400.000m3/ngày đêm (chủ yếu xử lý lượng nước thải bơm ra từ kênh NLTN) và giai đoạn 2 tiếp nhận thêm lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn quận 2.

Như vậy, có thể nói để nguồn nước lưu vực NLTN trở lại trạng thái tự nhiên phải chờ dự án NMXLNT ở quận 2 đi vào hoạt động. Nhiều người đặt vấn đề, tại sao khi thực hiện giai đoạn 1, TP không thực hiện đồng thời giai đoạn 2 để giải quyết kịp thời vấn đề ô nhiễm, đồng thời nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư?

Bởi xây dựng một NMXLNT tập trung mất nhiều thời gian, cần 5-10 năm mới hoàn thành. Đó là chưa kể chủ đầu tư còn bị động trong khâu tìm nguồn vốn, mặt bằng, công nghệ xử lý.

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, chủ đầu tư dự án NMXLNT NLTN cho biết: “Dự án đã lên kế hoạch từ lâu, song theo lộ trình sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chúng tôi mới tiếp tục thực hiện giai đoạn 2.

Việc thực hiện hai dự án song song, trước hay sau không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu tiến hành đo đạc khu đất xây dựng nhà máy quy mô 38-40ha tại Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 để giao ranh cho UBND quận 2 tiến hành công tác đền bù trong quý I-2012”.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo ông Công, dự kiến tổng mức đầu tư NMXLNT NLTN vào khoảng 470 triệu USD. Nguồn vốn này TP đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) và đạt được thỏa thuận ban đầu.

Theo đó, WB sẽ tài trợ cho dự án khoảng 275 triệu USD bằng nguồn vốn ODA, số tiền còn lại sẽ kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác như PPP, BT hay B.O.T. Nếu thuận lợi, đến năm 2014 mới bắt đầu khởi công và thời gian thi công cũng mất 5-7 năm.

Nói đến dự án kênh NLTN, nhiều chuyên gia đánh giá đây là một trong những dự án tiêu tiền, chậm tiến độ hàng đầu của TPHCM. Với tiến độ triển khai “lai rai” của dự án NMXLNT NLTN, không ai có thể hình dung được nước kênh NLTN bao giờ mới hết đen, hôi để xanh trong trở lại.

Hàng trăm triệu USD đầu tư giai đoạn 1 để mất 5-10 năm nữa nằm chờ giai đoạn 2 phải chăng là một sự lãng phí lớn?

Các tin khác