Những ngày lịch sử hào hùng

37 năm trước tôi là Phó Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 7, Quân đoàn 4. Trong Chiến dịch đường 14 Phước Long, sư đoàn tôi là đơn vị đảm nhiệm hướng tiến công chủ lực của quân đoàn, đã tiêu diệt 3/4 chi khu, cùng các đơn vị tiến công giải phóng tiểu khu (thị xã Phước Long). Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Đông Nam bộ được hoàn toàn giải phóng.

37 năm trước tôi là Phó Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 7, Quân đoàn 4. Trong Chiến dịch đường 14 Phước Long, sư đoàn tôi là đơn vị đảm nhiệm hướng tiến công chủ lực của quân đoàn, đã tiêu diệt 3/4 chi khu, cùng các đơn vị tiến công giải phóng tiểu khu (thị xã Phước Long). Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Đông Nam bộ được hoàn toàn giải phóng.

Mở cánh cửa thép tiến vào Sài Gòn

Đó là tỉnh ở phía Bắc - Đông Bắc cách Sài Gòn hơn 100km, một địa bàn rộng lớn, rất quan trọng tạo bàn đạp trực tiếp uy hiếp Sài Gòn, nối liền với hành lang chiến lược thông suốt từ Bắc đến miền Đông Nam bộ (Lộc Ninh).

Giải phóng Phước Long là đòn choáng váng về quân sự và chính trị, làm rúng động tinh thần. Nó đã chứng tỏ những khả năng, sức mạnh của quân và dân ta ở miền Nam về quy mô tác chiến, hợp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực.

Đông đảo người dân Sài Gòn-Gia Định chào đón đoàn quân tiến về giải phóng thành phố trong ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).

Đông đảo người dân Sài Gòn-Gia Định chào đón đoàn quân tiến về
giải phóng thành phố trong ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).

Tháng 3-1975, Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc tổng tiến công, nổi dậy ở miền Nam, mở đầu là Chiến dịch Buôn Ma Thuột và giải phóng toàn bộ Tây nguyên. Để phối hợp chiến trường, sư đoàn của chúng tôi được lệnh từ Phước Long xuống giải phóng đường 20 từ Định Quán đến Lâm Đồng.

Ngày 19-3 sư đoàn của chúng tôi đã giải phóng Định Quán, đến ngày 28-3 tiêu diệt chi khu Đa Oai. Đêm 28-3 giải phóng tỉnh Lâm Đồng.

Đầu tháng 4 sư đoàn của chúng tôi nhận được lệnh trở về trong đội hình của quân đoàn tiến công thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh - cánh cửa thép của cuối cùng của quân ngụy bảo vệ Sài Gòn, nơi Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ đi kiểm tra đã nói với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Bằng mọi cách phải giữ bằng được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Ngày 9-4, Quân đoàn 4 thực hiện tiến công tiểu khu Xuân Lộc, Long Khánh.

Sư đoàn chúng tôi được lệnh đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy ở thị xã Long Khánh. Địch tăng cường mọi khả năng để đối phó, chúng ta thay đổi cách đánh, giãn ra bao vây và đánh địch ở bên ngoài. Đến ngày 15, chiến đoàn 52 bị tiêu diệt. Ta tiếp tục bao vây, áp sát thị xã Long Khánh. Đêm 21-4, lợi dụng trời mưa đêm tối, địch rút khỏi Long Khánh bỏ chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh được giải phóng, cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn đã bị đập tan. Cánh quân Duyên Hải (Quân đoàn 2) tiếp tục tiến công và ngày 24-4 đã tới Long Thành. Các lực lượng thần tốc tiến vào thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Quân đoàn 1 ngày 18-3 nhận lệnh từ Ninh Bình, hành quân 1.800km, ngày 24-4 đã đến Đồng Xoài (Phước Long). Quân đoàn 3 sau khi giải phóng Tây nguyên và một phần cực Nam Trung bộ ngày 20-4 cũng tập kết về Dầu Tiếng (Bình Long). 5 cánh quân tương đương 5 quân đoàn với 25 vạn quân chủ lực gồm 15 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn xe tăng, 20 lữ đoàn, trung đoàn và 5 tiểu đoàn pháo binh, 10 lữ đoàn trung đoàn đặc công, 1 trung đoàn tên lửa.

Tất cả đã bao vây, tiến công vòng ngoài. Ngoài ra còn nhiều đơn vị địa phương và các đội biệt động cùng tham gia với bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là một chiến dịch tác chiến hợp đồng quân binh chủng lớn nhất của quân đội ta từ trước đến nay.

Niềm vui toàn thắng và đoàn tụ

Từ tối 26-4, sau khi tiêu diệt và đánh tan rã các sư đoàn chủ lực vòng ngoài, các đơn vị bắt đầu tiến công vào nội đô. Đêm 29 rạng ngày 30, các đơn vị đặc công đã đánh chiếm các cầu để bảo vệ các đội hình tiến vào và từ sáng sớm ngày 30 cả 5 cánh quân đồng loạt đánh thẳng vào nội đô.

Quân đoàn 2 lúc 11 giờ 30 đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập và bắt toàn bộ Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện. Theo kế hoạch chiến dịch thì sau khi đánh chiếm Sài Gòn, Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ quân quản phần nội đô, riêng Sư đoàn 7 chúng tôi thực hiện quân quản ở các quận 1 (trong đó có Dinh Độc Lập), 2 (cũ), 4 và Bình Thạnh kể từ 16 giờ ngày 30-4-1975.

Ngay sau ngày giải phóng có một nhà báo Đức đã hỏi tôi: “Cảm tưởng của ông như thế nào?”. Tôi trả lời: “Cái vui sướng nhất của người lính là chiến thắng và chúng tôi đã toàn thắng. Trong cuộc tiến công này cả nước Việt Nam ra trận và cả nước Việt Nam đều vui mừng với chiến thắng vĩ đại này”.

Hôm đó, nhân dân Sài Gòn đã ùa ra đường phố hân hoan vẫy chào quân giải phóng. Những giọt nước mắt, những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt của quân và dân đã xóa tan những rào cản dựng lên trước đó. Sau ngày giải phóng, bộ đội cùng cán bộ cơ sở giúp dân ổn định đời sống. Những việc làm ấy càng khiến nhân dân thêm yên mến, kính trọng anh bộ đội cụ Hồ.

Với riêng tôi, sau 10 năm vào chiến trường miền Nam không về thăm nhà, lúc này rất nhớ gia đình, nhớ người vợ tảo tần, nhớ những đứa con thơ mà chúng tôi vẫn hay đùa vui là “chỉ được tôi nuôi bằng thư” bỗng trào dâng mãnh liệt. Đất nước giải phóng, tôi và nhiều anh em còn sống sẽ được về thăm nhà nhưng rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm xuống.

37 năm trước và cho tới tận bây giờ những đồng chí ấy vẫn là nỗi khắc khoải trong tôi. Một số còn chưa tìm được hài cốt để đưa vào nghĩa trang hoặc về quê hương. Ngày ấy trong ký ức của mỗi người lính chúng tôi là những trang sử hào hùng nhất và dù 37 năm hay nhiều hơn nữa thì những “cuốn phim tư liệu” trong ký ức mỗi chúng tôi sẽ luôn còn nguyên vẹn.

-------- 

(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 7, Quân đoàn 4)

Các tin khác