LỄ TỔNG KẾT CUỘC THI PHÓNG SỰ - KÝ SỰ VÀ PHÓNG SỰ ẢNH BÁO CHÍ 2015-2016 “ẤN TƯỢNG ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI VIỆT NAM”

Nhân rộng nhân tố tích cực trong đời sống xã hội

Cộng hưởng tích cực, yếu tố thành công

(ĐTTCO) -  LTS: Ngày 15-6, tại trụ sở Hội Nhà báo TPHCM, Báo SGGP và Hội Nhà báo TP đã tổ chức buổi Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Phóng sự - Ký sự  và Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016 với chủ đề “Ấn tượng Đất nước - Con người Việt Nam”. Đến tham dự buổi lễ có bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP; ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP… cùng nhiều đại diện các sở ngành TP, hội nghệ sĩ nhiếp ảnh, các cơ quan truyền thông báo chí cùng đông đảo nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh gia các tỉnh thành trong cả nước.

Cộng hưởng tích cực, yếu tố thành công

Báo cáo tại Lễ Tổng kết, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Sau hơn 8 tháng kể từ khi phát động, riêng cuộc thi, Phóng sự - Ký sự, Ban Tổ chức đã nhận hơn 250 tác phẩm dự thi của các nhà văn, nhà báo và giới cầm bút trên mọi miền đất nước. Với cuộc thi Phóng sự ảnh báo chí, Ban Tổ chức đã nhận gần 200 tác phẩm của các tay máy chuyên và không chuyên nghiệp với những góc ảnh thể hiện các chủ đề rất sinh động.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP, Trưởng Ban Tổ chức, nhận xét tổng kết 2 cuộc thi Phóng sự - Ký sự và Phóng sự ảnh.
Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP,
Trưởng Ban Tổ chức, nhận xét tổng kết 2 cuộc thi Phóng sự - Ký sự và Phóng sự ảnh.

Ngay sau lễ phát động (tháng 9-2015), Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm tham gia cả 2 cuộc thi và chọn đăng liên tục trên báo SGGP (thể loại ký sự - ghi chép) và Ấn phẩm SGGP - Đầu tư Tài chính (thể loại phóng sự ảnh báo chí). Tính đến cuối tháng 5-2016, có 106 tác phẩm Ký sự - Ghi chép đã được đăng tải trên báo SGGP. Với cuộc thi Phóng sự ảnh, Ấn phẩm SGGP - Đầu tư Tài chính và báo SGGP số Chủ nhật đã đăng 73 tác phẩm. Đến nay, Ban Tổ chức không ghi nhận bất cứ thắc mắc, phản ánh hoặc kiện cáo của tác giả nào hoặc bạn đọc về tác quyền, nhuận bút, tính chân thật báo chí… các tác phẩm được đăng của cả 2 cuộc thi.

 “Thật khó cho Hội đồng Giám khảo tuyển chọn các tác phẩm đoạt giải, bởi lẽ các bài viết có đề tài đa dạng, phản ảnh nhiều góc độ cuộc sống phong phú với bút pháp, góc ảnh đậm nhạt khác nhau, cách thể hiện sâu sắc, ấn tượng, gây nhiều cảm xúc đối với bạn đọc. Và điều lệ quy định giải thưởng có hạn, nên có thể nói, chúng ta đều là người thắng cuộc trong hai cuộc thi mặc dù có hoặc không có giải thưởng” - ông Lê Tiền Tuyến chia sẻ.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa của cuộc thi năm nay, ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, đã không giấu được niềm xúc động khi nói về những tác phẩm dự thi với những chủ đề sinh động, bút pháp và góc ảnh công phu, tâm huyết thể hiện qua các bài ghi chép, phóng sự ảnh. Ông cho rằng đây là thể loại khó của báo chí, nhưng các tác giả đã thể hiện thành công nhiều tác phẩm có chất lượng, gây xúc động lòng người… Và cuộc thi càng trở nên ý nghĩa hơn khi buổi lễ tổng kết và trao giải diễn ra ngay trong những ngày tiến tới Lễ Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. “Chúng tôi gửi lời cảm ơn đến Báo SGGP đã luôn phối hợp cùng Hội Nhà báo TP tổ chức những cuộc thi ý nghĩa như vậy. Cảm ơn các tác giả đã tham dự cuộc thi, có nhiều tác phẩm có giá trị, tạo nên sự thành công của giải và các doanh nghiệp đã đồng hành mang đến sự thành công cho cuộc thi” - ông Cương bày tỏ.

Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM (phải) và ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng đại diện VietinBank tại TPHCM (trái), trao giải Nhì cuộc thi Phóng sự - Ký sự cho tác giả Lê Bình và Khuynh Diệp.

Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM (phải)
và ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng đại diện VietinBank tại TPHCM (trái),
trao giải Nhì cuộc thi Phóng sự - Ký sự cho tác giả Lê Bình và Khuynh Diệp.

Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, khẳng định đây là hoạt động rất có ý nghĩa của Báo SGGP và Hội Nhà báo TPHCM. “Cuộc thi Phóng sự - Ký sự này là việc làm kịp thời, đúng lúc; không chỉ là hoạt động thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp thời gian qua, mà còn góp phần đưa Nghị quyết lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn và sinh động, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, thông qua hình ảnh và sự kiện chắt lọc độc đáo của người cầm bút, cầm máy. Kết quả cuộc thi thể hiện sự năng động, tích cực, sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, cùng với đó là sự cộng hưởng của giới cầm bút, cầm máy chuyên và không chuyên đã tạo nên chất lượng cao cho cuộc thi này” - bà Thân Thị Thư nhấn mạnh.

"Sân chơi" giàu ý nghĩa

 Nhận xét về các tác phẩm dự thi lần này, cảm nhận chung qua báo cáo tổng kết giải, các đại biểu cho rằng chủ đề cuộc thi có độ mở rộng và các tác giả đã thể hiện nhiều đề tài đa dạng, phản ảnh nhiều góc độ cuộc sống phong phú với bút pháp, góc ảnh đậm nhạt khác nhau; cách thể hiện sâu sắc, ấn tượng gây nhiều cảm xúc đối với bạn đọc. “Hai cuộc thi Phóng sự-ký sự và Phóng sự ảnh là cơ hội để các tay bút, người cầm máy thể hiện tấm lòng, sự chia sẻ của mình đối với sự nghiệp to lớn của dân tộc, cùng góp sức trong sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên giàu mạnh, phồn vinh” - ông Lê Tiền Tuyến phát biểu.

Để làm nên thành công của cuộc thi không thể thiếu những tác giả đầy tâm huyết. Họ đã gửi cả tâm tư, tình cảm, công sức, sự dấn thân của mình vào các bài viết, ảnh chụp khắc họa vẻ đẹp những con người, những thắng cảnh của thiên nhiên, đất nước Việt Nam. Nhiều tác giả đồng tình với nhận định đề tài cuộc thi năm nay khá rộng, chính vì thế họ có thể thoải mái vẫy vùng, tìm kiếm những cái hay, cái đẹp ngay từ những điều tưởng như rất đỗi bình dị xung quanh. Các tác giả cảm ơn vì Ban Tổ chức đã tạo ra “sân chơi” giàu ý nghĩa.

Nhiếp ảnh gia Vũ Đức Lợi, người đoạt giải Nhất cuộc thi Phóng sự ảnh với tác phẩm Vũ điệu Tràm Chim, bồi hồi kể lại: “Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) là bạn tôi, nên khi tôi ngỏ ý được chụp ảnh tại đây, ông nhiệt tình giúp đỡ. Đợt đó tôi vào rừng mai phục trong đó suốt 7 ngày. Ông giám đốc không thấy tôi trở ra, phát hoảng cho người đi kiếm. Thấy tôi đang trầm mình trong một vũng lầy, tưởng tôi bị đuối, mọi người lao xuống cứu làm bầy chim trên cây bay tứ tung, khiến tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ”. Còn anh Nguyễn Gia Chính, người đạt giải Nhì cuộc thi Phóng sự ảnh, chia sẻ niềm vui và sự xúc động khi anh là một trong những người đoạt giải. Theo anh Chính cuộc thi có cái dễ là đề tài rộng nhưng đó cũng là cái khó, bởi trong muôn vàn cái hay làm sao chọn ra cái hay nhất làm xúc động người xem, người đọc là thách thức không nhỏ đối với người tham gia.

 Nhà văn, nhà báo Khuynh Diệp, một trong hai tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Phóng sự - Ký sự với ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười, xúc động bày tỏ: “Thú thật tôi không có ý nghĩ viết để đạt giải cao hay thấp mà viết để góp phần cùng với Báo SGGP và Hội Nhà báo TPHCM hoàn thành mục đích chính trị của cuộc thi. Mặt khác qua bài viết của mình về Đồng Tháp Mười, tôi muốn cổ vũ, ca ngợi những con người, việc làm cụ thể để có sức lan tỏa rộng rãi, động viên cộng đồng hãy chung sức cùng nhau bảo vệ môi trường tốt đẹp và bền vững hơn”.

Buổi lễ tổng kết đã khép lại cuộc thi của Báo SGGP, nhưng nhiều người tham dự đã nán lại tham quan triển lãm ảnh, để một lần nữa được ngắm nhìn những tác phẩm rất đời nhưng qua ống kính của những tay máy chuyên và không chuyên đã mang đến những câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn và dấy lên trong lòng người xem một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt.

Các tin khác