Nhà đá trên cao nguyên đá

Những ngày này, miền cực Bắc của tỉnh Hà Giang trời trong xanh vời vợi ôm ấp một vùng cao nguyên đá mênh mông. Trên cao nguyên đang mọc lên những ngôi nhà được làm bằng đá: vững chãi, đẹp và thoáng mát. Phong trào “đá hóa” các bản, làng đã tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương - những thanh niên lúc nông nhàn thường rủ nhau uống rượu.

Những ngày này, miền cực Bắc của tỉnh Hà Giang trời trong xanh vời vợi ôm ấp một vùng cao nguyên đá mênh mông. Trên cao nguyên đang mọc lên những ngôi nhà được làm bằng đá: vững chãi, đẹp và thoáng mát. Phong trào “đá hóa” các bản, làng đã tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương - những thanh niên lúc nông nhàn thường rủ nhau uống rượu. 

Nơi thiên nhiên khắc nghiệt

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà làm bằng đá, anh Chẻo Chín Tờ - cán bộ xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang - lên tiếng, giọng chậm rãi: "Phú Lũng có thừa đá, sức lao động... Nhưng đằng sau những cái "thừa" ấy  là thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cả đất làm tường nhà".

Nói rồi, anh phá lên cười. Tôi chợt nghĩ, ở cái nơi đất trời như giao nhau này, quả là có biết bao bài toán chứa nhiều ẩn số.

Không biết đã bấy nhiêu đời nay, cái sự an cư luôn là nỗi truân chuyên, khó nhọc đối với mỗi gia đình bà con các dân tộc ở tận vùng cực Bắc của Tổ quốc.

 Hàng rao xây bằng đá chống lũ quét ở Phú Lũng.

Hàng rao xây bằng đá chống lũ quét
ở Phú Lũng. 

Anh cán bộ xã nâng đôi tay chai sạn nhẩm tính: Phú Lũng có diện tích đất tự nhiên 1.240ha, nhưng chỉ có vỏn vẹn 40ha đất canh tác lúa 1 vụ, 20ha lúa cạn và chừng 180ha nương rẫy trồng ngô, sắn, còn lại là núi đá.

Có tới 9 trong 13 thôn, bản của xã vùng cao biên giới này nằm trên đường biên giới với Trung Quốc, hơn 530 hộ dân gồm nhiều dân tộc Dao, Clao, Mông, Pu Péo...  chung lưng đấu cật xây dựng cuộc sống trong vùng thiên nhiên khắc nghiệt. Đời sống của bà con các dân tộc do trình độ dân trí chưa cao nên còn lưu truyền không ít tập tục lạc hậu.

Trên đường vào bản, tôi đã chứng kiến cảnh thiếu nước sinh hoạt của người dân tại đây. Nước vô cùng hiếm hoi và được người dân nâng niu trong từng ống bương, vỏ bầu. Bà con bảo chốn này tìm nước còn khó hơn tìm nấm linh chi trong rừng thẳm. Chỉ mới chuyện nước sinh hoạt thôi đã đủ thấy đời sống của bà con vùng cao vất vả, cực nhọc tới mức nào.

“Đó là chưa kể thiên nhiên lắm khi trở chứng trút tai ương xuống vùng núi cao này. Thiên nhiên nơi đây dường như quanh năm có "thù oán" con người nên gieo bao nỗi khắc nghiệt: thời tiết khô hạn, năm nào cũng chiếm già nửa số tháng không có lấy một hạt mưa” - anh Chẻo Chín Tờ diễn tả một cách nôm na về thiên nhiên ở cao nguyên đá.

Sức sống ở cao nguyên đá

Trong điều kiện cuộc sống còn chật vật, thiên nhiên khắc nghiệt, việc dựng nhà của bà con các dân tộc miền núi không đơn giản. Để có được ngôi nhà tử tế, mùa này thanh niên cả trai lẫn gái trong bản phải kéo nhau ra núi đục đá làm vật liệu xây nhà. Tại bãi đá, tiếng búa, cuốc chim, dao, đục… vang cả góc núi.

Những phiến đá to, nặng được vần xuôi theo từng con dốc; những đôi tay chai lì, đen sạm vung lên bổ xuống không ngớt. Từng đống đá xếp ngổn ngang dọc con đường về xóm A1. Tôi thấy thấp thoáng bên sườn núi, dưới những vạt ngô xanh những ngôi nhà đá.

Gặp một cô sơn nữ mặc váy màu, vai đeo gùi bắp đi ngang qua, tôi đùa: “Cây ngô mọc được trên đá à?”. Cô cười rất tươi và giải thích: “Bà con phải gùi đất từ những nơi khác đổ vào các hốc đá để trồng ngô”. 

Phú Lũng là xã đặc biệt khó khăn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: trợ giá giống cây trồng và vật tư nông nghiệp, trợ giúp xi măng và tiền xây bể lớn chứa nước sinh hoạt. Nhưng để xây nhà người dân vẫn phải chắt chiu từng đồng.

Ở Phú Lũng những gia đình có điều kiện thì xây nhà và công trình phụ bằng đá chắc chắn. Những gia đình chưa có điều kiện phải chờ mấy vụ ngô, sắn được mùa và đợi đàn trâu, bò lớn để bán lấy tiền mua vật liệu xây nhà kiên cố. Những nhà như vậy phải xếp tạm đá thành tường để chống chọi với mưa nguồn, lũ quét.

Phong trào đục đá xây nhà ở Phú Lũng đang phát triển rầm rộ nhất huyện Yên Minh. Người dân các xã Sủng Cháng, Thắng Mố, Hữu Vinh... cũng sang đây học hỏi nghề đào và đẽo gọt đá núi xây nhà.

Tôi gặp Tần Cù Lờ, một thanh niên trẻ mới 20 tuổi đã là chủ nhân của ngôi nhà bằng đá to cỡ nhất nhì bản. Khao khát có một ngôi nhà, Cù Lờ bỏ ra hàng trăm ngày công đục đá lấy vật liệu xây nhà 3 gian rộng.

Tần Cù Lờ cho biết khi điều kiện kinh tế khá hơn sẽ xây thêm bể chứa nước, sân và công trình phụ khép kín toàn bằng đá. Hiện nay ở Phú Lũng có hàng trăm căn nhà làm bằng đá, trên 500 bể đá. Có hộ xây 2-3 bể, mỗi bể có thể chứa hàng chục mét khối nước.

Có chứng kiến tận mắt công việc đẽo đá, cất nhà của bà con vùng cao Phú Lũng, mới thấy được kỳ công của con người trong việc xây dựng cuộc sống nơi thiên nhiên không ưu đãi. Nhiều nơi trên miền cao nguyên cực Bắc này, đồng bào các dân tộc miền núi đang cải tạo môi trường sống của mình bắt đầu từ ngôi nhà để được an cư.

Các tin khác