Người ở rừng

(ĐTTCO) - Người làm công tác quản giáo phải xa phố thị, xa gia đình, sống nơi rừng thiêng nước độc, cuộc sống kham khổ. Có người bạn nói đùa: “Tù nhân hết hạn thì về, còn người quản giáo mãi ở lại!”. Tuy nói đùa, nhưng tôi nghe câu này mà thấy xót xa.

(ĐTTCO) - Người làm công tác quản giáo phải xa phố thị, xa gia đình, sống nơi rừng thiêng nước độc, cuộc sống kham khổ. Có người bạn nói đùa: “Tù nhân hết hạn thì về, còn người quản giáo mãi ở lại!”. Tuy nói đùa, nhưng tôi nghe câu này mà thấy xót xa.

 Giờ nghỉ trưa của ông Nguyễn Yết

Giờ nghỉ trưa của ông Nguyễn Yết

Bỏ phố về rừng

Tôi chạy xe máy lên Trại giam A2 để viết về người làm công tác quản giáo. Khổ nỗi, từ xưa đến giờ tôi chỉ biết sơ qua Trại giam A2 ở Đồng Găng (Khánh Hòa) qua người khác kể lại, đó là một vùng đất rừng rú. Từ Nha Trang, chạy vô Thành, đi lên hướng Đất Sét. Đi được một đoạn, tôi dừng hỏi thăm người đi đường cho chắc ăn. Có người chỉ đường này, có người chỉ đường kia. Tôi hoang mang, điện thoại hỏi đồng nghiệp đã từng lên đây công tác. Người bạn chỉ đường và khuyên: “Nếu viết về quản giáo trại giam nên viết về đại tá Nguyễn Yết. Ông ấy có mấy chục năm làm quản giáo nên dày dạn kinh nghiệm. Có thể nói cả cuộc đời ông sinh ra, lớn lên chỉ làm mỗi công tác quản giáo, gắn liền với núi rừng”. 

Cuối cùng, sau khi lặn lội quanh co mấy chục cây số đường rừng, tôi cũng tìm ra nhà ông Nguyễn Yết. Đó là ngôi nhà cấp 4, nằm vắt vẻo trên sườn đồi gần Trại giam A2, xung quanh bao bọc những cây xoài, mận, mít… lá xanh mướt. Ở dưới gốc cây mít có đàn gà đang tìm mồi. Một ông già mặc bộ đồ nông dân, vác cây cuốc từ dưới suối chậm chạp bước lên. Ông hỏi nhát gừng: “Tìm ai?”. Tôi nói: “Cháu muốn tìm bác Nguyễn Yết”. Ông nói: “Mình là Nguyễn Yết đây”, rồi chỉ tay bảo tôi đến cái lán nhỏ bên hông nhà ngồi đợi, trong khi ông chậm rãi đi vào nhà.

Cái lán bên trên lợp ngói, bên dưới trụ cột làm bằng gỗ. Tôi ngồi trong lán, gió hiu hiu, không khí mát rượi trong lành của núi rừng. Trong thời gian chờ đợi, tôi nhìn xung quanh vườn và đoán rằng, có thể lúc ra vườn chăm con gà, con vịt, hoặc những khi làm việc ngoài đồng mệt, ông lên cái lán này ngồi hóng mát uống trà, nghĩ ngợi về quê hương, về một thời hào hùng của mình đây. Tôi lại thấy chạnh lòng, một đời làm công tác với hàm đại tá, vậy mà về hưu ông sống đơn sơ và đạm bạc quá! Thật lâu sau, ông chậm chạp bước ra với trang phục quần tây, áo trắng bỏ “đóng thùng”, tay cầm bình nước trà, lịch sự giống như khi còn thực thi công vụ hoặc đi ăn cỗ. Ông đến gần chỗ tôi ngồi, đặt bình trà lên bàn, hồ hởi: “Cậu chờ có lâu không? Hồi nãy làm vườn nên mình mẩy đầy mồ hôi, phải tắm cho sạch sẽ. Bà nhà đi vắng, mình nấu nước pha trà nên hơi lâu, cậu thông cảm nhé!”. Thì ra nãy giờ ông lục đục nấu nước, pha trà đãi khách. 

Theo lời kể vắn tắt của đồng nghiệp, khi về hưu, ông từng được Công an tỉnh Khánh Hòa cấp nhà ở TP Nha Trang. Song ở được một hai hôm, ông lại khăn gói trở về núi rừng, xin chút đất gần trại giam cất ngôi nhà cấp 4 ở tạm. Đó là một con người có tính cách lạ lẫm, một nhân vật có nhiều thành tích đóng góp lớn cho xã hội.

“Bệnh” nghề nghiệp

Đã hơn 11 giờ trưa. Bây giờ ngồi đối diện tôi là cựu quản giáo Nguyễn Yết. Tôi được nhìn rõ ông hơn. Ông có khuôn mặt chữ điền, góc cạnh rõ ràng, phúc hậu với nước da đen pha chút vàng, đó là di chứng của người mắc bệnh sốt rét rừng. Ông nói: “Bây giờ mình già rồi, mang đủ thứ bệnh trong người. Trí nhớ không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên. Tai nặng, khó nghe. Đã vậy, cứ nửa đêm còn hay giật mình, tỉnh dậy không ngủ lại được”. Tôi hỏi: “Bác có đi khám bệnh?”. Ông bảo: “Bệnh nghề nghiệp làm sao điều trị được. Hồi trước, lúc còn làm quản giáo, mình luôn lo lắng tội phạm trốn trại. Nửa đêm, mình thường thức dậy đến từng trại, kiểm tra tình hình. Dần dần mấy chục năm, giờ giấc sinh học trong người trở thành quen. Lúc trẻ có sức thì không sao, bây giờ già thì khó ngủ lại được. Có đêm ngủ, nghe tiếng động của con chuột hoặc cành cây rơi nhẹ ngoài sân, cứ ngỡ tội phạm nổi loạn trốn trại. Thế là mình thức luôn đến sáng”. 

Nguyễn Yết quê ở Yên Bái. Trong giấy tờ, ông sinh năm 1939 nhưng sự thật ông sinh năm 1942. Sở dĩ ông khai như thế là để tăng tuổi được đi lính. Thời điểm đó, đối với ông cũng như các thanh niên trong làng được vào chiến trường miền Nam chiến đấu giải phóng đất nước là một hoài bão lớn. Ông kể thế này: Đến đợt tuyển quân, cha dẫn đến xã đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Cán bộ xem giấy tờ xong bảo còn thiếu một tuổi, không được đi. Mình năn nỉ: “Cán bộ đồng ý đi. Thời gian huấn luyện và đi bộ vào chiến trường miền Nam là lớn vừa đủ tuổi rồi…”.

Chợt nghĩ, thế hệ thanh niên của ông sao mà đầy nhiệt huyết, lý tưởng, thật đáng ngưỡng mộ.

Trúng tuyển, ông được đưa đi học ở Trường Cán bộ an ninh. Học vội 3 tháng, chủ yếu là nghe tình hình chính sự miền Nam và tập kỹ năng chiến trường. Ví như ban đầu tập mang trên ba lô một cục đá, sau dần nâng lên cho đến khi có thể mang vác vật nặng hơn. Tháng 8-1972, ông bắt đầu vào chiến trường miền Nam.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tưởng hòa bình nhưng ở chiến trường miền Nam lại càng ác liệt hơn. Ông được tổ chức phân công làm Trưởng trại giam ở huyện Khánh Sơn, trực thuộc Ban An ninh tỉnh Khánh Hòa. Làm được 2 năm thì đất nước thống nhất. Tổ chức lại đưa ông làm giám thị Trại giam Đồng Găng. Ngày đầu thành lập, khu trại giam thiếu thốn đủ thứ, khó khăn trăm bề. Khu vực Đồng Găng là cánh rừng già, có nhiều cây cổ thụ to, rậm rạp và chằng chịt. Ông tổ chức, bố trí công việc cho từng phạm nhân bắt tay xây dựng trại. Từ quản giáo đến phạm nhân, ai cũng ra sức lao động như nhau, cùng chịu cảnh đói khát, bệnh tật như nhau. Ông làm giám thị ở Đồng Găng mấy chục năm, ở trại không có cuộc biến động nào lớn. Tôi hỏi: “Bác thuyết phục thế nào mà phạm nhân nghe răm rắp như thế?”. Ông khiêm tốn nói: “Đối với phạm nhân đang thi hành án, tùy vào từng đối tượng mà đi vào nguyên tắc, chế độ, nội quy đối xử đàng hoàng, rõ ràng. Đối với tội phạm hình sự, cần mềm mỏng. Cái quan trọng là mình coi phạm nhân như người nhà nên động viên, khuyến khích họ cải tạo tốt. Giải quyết sự việc gì luôn phải có chữ tình, cái tâm”.

Niềm vui và hạnh phúc

2 giờ chiều, cơm nước xong, tôi và ông lại ra lán ngồi uống trà trò chuyện. Nơi đây, sáng chiều đều rất mát, nghe cả tiếng gió xào xạc của núi rừng, tiếng  cu cườm, cu đất gáy. Ông lại rót nước trà mời tôi uống. Nhìn ly nước trong xanh, tôi nâng lên uống một ngụm, chắp miệng thấy ở cổ họng có vị ngọt ngọt, rất ngon. Vậy mà nãy giờ lo trò chuyện với ông, tôi không để ý đến. Tôi hỏi: “Trà bác mua ở đâu mà ngon thế?”. Ông nói: “Một phạm nhân cũ ở Hà Nội trên đường vào TPHCM, khi xe đi ngang qua tỉnh Khánh Hòa, tranh thủ lên đây ghé thăm và tặng mình đấy mà”.  Rồi ông kể tiếp: “Hiện nay, nhiều phạm nhân cũ khi ra xã hội, hòa nhập với cộng đồng, họ thành đạt nhưng luôn nhớ đến mình và coi mình như người cha, người thầy, người anh. Thỉnh thoảng, ngày lễ tết hoặc đi đâu ngang qua đất Khánh Hòa, họ đều lặn lội lên đây hỏi thăm sức khỏe và tặng ít cà phê, trà… Với mình, được thấy những phạm nhân thụ án xong, ra ngoài xã hội thành đạt trong cuộc sống, đó là niềm vui, là hạnh phúc khi cuối đời rồi”.

Ông nói đến hai chữ “niềm vui”, “hạnh phúc”, tôi chợt nhớ ông có căn nhà ở TP Nha Trang, nhưng ở được vài hôm lại khăn gói trở về núi rừng, sống cuộc đời đạm bạc với cây xanh, muông thú. Tôi tranh thủ hỏi: “Cháu nghe nói bác được cơ quan cấp cho căn nhà ở phố, sao không ở?”. Ông nói: “Từ trẻ đến giờ mình sống nhiều ở rừng. Quen nghe tiếng gió rừng xào xạc, tiếng cu cườm, cu đất gáy rồi. Ở thành phố ồn ào, náo nhiệt, ra vô chỉ thấy người, nhìn đâu cũng bê tông cốt thép. Mình thấy đau đầu, hoa mắt lắm, ở không được”. “Vài năm tới, nếu sức khỏe kém đi, bác có xuống phố ở?”, tôi hỏi tiếp. Ông lắc đầu, dứt khoát: “ Không! Mình sống ở rừng núi quen rồi”.

 Niềm vui bên luống rau, đàn gà của ông Nguyễn Yết

 Niềm vui bên luống rau, đàn gà của ông Nguyễn Yết

Ông nói làm tôi xúc động! Đã hơn 4 giờ chiều, tôi và ông bịn rịn chia tay nhau. Trên đường về TP Nha Trang, không hiểu sao trong lòng tôi đau đáu suy nghĩ về niềm vui, về hạnh phúc của một con người. Bỗng dưng đó đây trong đầu tôi bỗng vang lên lời bài hát mà tôi rất thích: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”

Các tin khác