Người đẹp trong tranh Trịnh Công Sơn

Thoắt cái, Trịnh Công Sơn đã rời xa trần gian 11 năm. Di sản để lại của Trịnh Công Sơn ngoài hàng trăm ca khúc vẫn hát trên môi người Việt thế kỷ 21, còn có những bức vẽ mang dấu vết riêng tư. Những bóng hồng lướt qua âm nhạc Trịnh Công Sơn bãng lãng và day dứt, nhưng các mỹ nhân trong tranh Trịnh Công Sơn thường u uẩn buồn.

Thoắt cái, Trịnh Công Sơn đã rời xa trần gian 11 năm. Di sản để lại của Trịnh Công Sơn ngoài hàng trăm ca khúc vẫn hát trên môi người Việt thế kỷ 21, còn có những bức vẽ mang dấu vết riêng tư. Những bóng hồng lướt qua âm nhạc Trịnh Công Sơn bãng lãng và day dứt, nhưng các mỹ nhân trong tranh Trịnh Công Sơn thường u uẩn buồn.

Thử kiểm kê những tác phẩm sơn dầu của Trịnh Công Sơn đang được nhiều nhà sưu tập xem như báu vật, phần lớn đều vẽ chân dung thiếu nữ. Bức vẽ đầu tiên của Trịnh Công Sơn có lẽ là chân dung “Diễm xưa”, thực hiện tại Huế năm 1963.

Xem tranh “Diễm xưa” ít nhiều cũng cảm nhận được không khí “mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ, buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”.

Mỗi bức họa của Trịnh Công Sơn gần như một món quà ân tình mà ông dành cho người mẫu. Hoa hậu Giáng My, Hoa hậu Hà Kiều Anh, người mẫu Thủy Hương, ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Trần Thu Hà, ca sĩ Hiền Thục… đều có cơ duyên trở thành nhân vật trong tranh Trịnh Công Sơn.

Có thể những mỹ nhân từng làm mẫu vẽ cho Trịnh Công Sơn không hề cân đong được trình độ mỹ thuật của người đang cầm cọ như thế nào. Đơn giản, họ ngồi trước giá vẽ như đang phiêu bồng dạo chơi trong một không gian âm nhạc khác của Trịnh Công Sơn.

Rất có thể, họ không chú ý đến màu sắc của Trịnh Công Sơn mà họ mường tượng chân dung mình xa vắng “ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn” hoặc “ôi áo xưa lồng lộng đã trôi dạt trời chiều, như từng con nước rộng xóa một ngày đìu hiu”. Bao giờ khi ngừng tay cọ, quyền sở hữu bức tranh lập tức được Trịnh Công Sơn trao lại cho người mẫu trong tâm niệm “em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió, em cứ bay nhưng đừng bỏ lại tôi một mình”.

Trịnh Công Sơn vẽ tranh cũng nhẹ nhàng như ông viết nhạc hoặc làm thơ. Đối với ông “thông điệp mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không đều nhau. Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau.

Và làm sao có thể giống nhau khi bản chất của nghệ thuật là đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng. Từ đó hình thành tính cách của mỗi con người muốn lân la kết tình bằng hữu với nghệ thuật”.

Trịnh Công Sơn vẽ bức “Diễm xưa” cho người đẹp Bích Diễm, hoặc vẽ chân dung Dao Ánh là đích thực phác họa người trong mộng. Còn những bức chân dung mỹ nhân khác thì vẽ theo mối quan hệ gì, tình bạn hay tình yêu? Hãy nghe Trịnh Công Sơn lý giải: “May thay trong đời vừa có tình yêu vừa có tình bạn.

Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu, vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa”.

Trịnh Công Sơn vẽ người đẹp để bày tỏ một thái độ rung động trước nhan sắc, nhưng ở đó vẫn lẩn khuất những chấm phá hắt hiu và xao xác. Hiện tại những mỹ nhân đang treo các bức tranh chân dung do Trịnh Công Sơn vẽ ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của họ, và họ thầm biết ơn khoảnh khắc ngắn ngủi đã ngồi làm mẫu trước giá vẽ Trịnh Công Sơn.

Còn người cầm cọ hôm nào đã vắng mặt trên cõi đời trong niềm lặng lẽ “dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người”.

Diễm xưa 

Diễm xưa 

Hồng Nhung 

Hồng Nhung 

Hà Kiều Anh 

Hà Kiều Anh

Thủy Hương 

Thủy Hương

 Trần Thu Hà

Trần Thu Hà

Các tin khác