Người Cor cầu mưa giải hạn

(ĐTTCO) - Ngót nghét hơn 10 năm nay, người Cor (đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã không lập đàn cầu mưa. Nhưng năm rồi hầu như không có mùa mưa, con nước ở các khe suối đã dần cạn, báo hiệu một mùa hạn hán có thể kéo dài. Những già làng họp nhau, cùng lập đàn cầu mưa như truyền thống của người Cor lâu nay.

Khô hạn bên lòng thủy điện
Theo anh Hồ Văn Doan (xã Trà Đốc), năm 2018 hầu như không có mùa mưa. Lượng mưa rót xuống không đủ bổ sung cho những con suối vắt ngang trên các đỉnh đồi, báo hiệu một mùa hạn hán có thể kéo dài. “Trước đây, người dân chủ yếu làm lúa rẫy nên không phụ thuộc nhiều vào lượng nước. Nhưng những năm gần đây, chúng tôi đã chuyển qua làm lúa nước nên lượng nước tưới tiêu rất quan trọng. Vì vậy, nếu không có mùa mưa, đồng nghĩa với năm nay sẽ khô hạn, lúa sẽ mất mùa. Chúng tôi trình ý kiến lên các già làng để họ cầu mưa, mong một năm mưa thuận gió hòa” - anh Doan cho hay.
Già làng Trần Văn Nghĩa (72 tuổi, thôn 3, xã Trà Kót) cho biết, thường sau khi ra giêng ở vùng núi này sẽ có mưa rất nhiều. Qua đó, nguồn nước tại dòng suối sẽ được bổ sung để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. “Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một trận mưa nào. Thay vào đó là thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với việc mùa mưa năm trước không có, nên chắc chắn sẽ thiếu nước trầm trọng” - già Nghĩa nhận định.
Người Cor cầu mưa giải hạn ảnh 1 Vũ điệu cồng chiêng của người Cor sau khi hoàn thành lễ cúng. 
Thực tế, những người dân ở quanh khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 không phụ thuộc vào nguồn nước từ công trình này. Bởi phần lớn, nương rẫy của họ ở xa dòng sông Tranh. Nguồn nước họ sử dụng thường từ các dòng suối tự nhiên chảy vắt vẻo qua những ngọn đồi. “Giờ suối đang trơ đáy, khó có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tưới tiêu của các gia đình, nhất là khi người dân đã chuyển sang làm lúa nước. Đã có nhiều cây cối chết vì thiếu nước rồi, mình phải cầu mưa thôi” - già Nghĩa nói thêm.

Dâng gà cầu mưa
Già làng Trần Văn Tân (thôn 2A, xã Trà Kót) từ đêm hôm trước đã cùng với các bậc cao niên của các nóc (thôn, bản làng) trong xã cùng ngồi lại để sửa soạn những lễ vật để chuẩn bị cho buổi lễ sáng sớm hôm sau. Lễ vật gồm 2 con gà sống, những chiếc mo cau được cắt tròn như mặt những chiếc trống, một miếng sáp ong cùng bộ trống, chiêng đã được cất kỹ.
“Gà là lễ vật dâng lên các thần Đinh (thần ở trên đỉnh núi), cùng với sáp ong, tượng trưng cho loài ong cần mẫn, đi khắp nơi rồi báo với trời rằng dưới mình đang khô hạn. Những chiếc trống đất (được làm bằng cách đào những cái lỗ sâu ở mặt đất, lấy những miếng mo cau được cắt tròn vừa đặt trên mặt) là chiếc cầu nối giữa trời với đất, dâng ý nguyện lên với thần linh cho được một mùa mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”- già Tân giải thích.
Người Cor cầu mưa giải hạn ảnh 2 Các già làng cùng khẩn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 
Phải lâu lắm rồi những vật dụng này mới lại được đem ra sử dụng. Anh Võ Văn Hùng (41 tuổi, thôn 3, xã Trà Kót) cho biết, đây là lần thứ 2 anh được tham dự một lễ cầu mưa truyền thống của dân tộc mình.
“Hồi đó cách đây khoảng 10 năm rồi, khi đó trời cũng nắng lắm, kéo dài cả mấy tháng trời. Các già làng họp nhau rồi lập đàn cầu mưa. Chỉ mấy hôm sau, mưa như trút. Người dân ai cũng mừng. Năm nay, cũng giống như thời điểm đó. Nắng kéo dài, ít mưa nên mình lại phải nhờ các già làng cầu mưa thuận gió hòa”-  anh Hùng cho hay. Khi các ngọn đèn ở đàn cầu mưa được thắp lên, những con gà được dâng lên thần linh. Già làng đại diện cho toàn thể người dân đưa những mong muốn đến với trời đất cùng với tiếng trống được gõ liên hồi. “Mình chỉ xin thần linh cho mưa xuống, trời bớt khô hạn và luôn bảo vệ người dân có được một mùa màng bội thu. Những lần trước, thần linh đã ủng hộ. Hy vọng lần này cũng thế” - già Nghĩa nói.
Sau phần cúng, các thanh niên, thiếu nữ trong nóc sẽ cùng hòa mình trong điệu múa cồng chiêng, tiếng trống truyền thống của mình, tạo thành một vòng tròn quanh đàn cầu mưa, như thể hiện lòng thành kính đối với trời đất. Đó cũng là nét văn hóa rất riêng của người Cor trên địa bàn huyện Bắc Trà My.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: “Ngoài việc cầu mưa thuận gió hòa, đây là nét văn hóa đặc trưng của người Cor cần được lưu giữ, có thể phát triển du lịch cộng đồng thông qua việc tái hiện lễ hội này ở các chương trình lễ hội văn hóa. Hiện nay, huyện đang có hướng phát triển du lịch cộng đồng với những sản vật, tập tục của địa phương. Thông qua đó có thể quảng bá hình ảnh của địa phương, đồng thời góp phần lưu giữ những tập tục xưa cũ để cho lớp trẻ sau này kế thừa, không bị mai một”.

Các tin khác