Ngôi đền lặng lẽ

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

 Ảnh minh họa.

Tuổi thơ con gái của tôi lớn lên bên dòng sông Cái êm đềm. Cái tên xóm Nam nghèo đã thấm vào đời tôi đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng nhưng tràn đầy niềm tin tuyệt đối vào tất cả mọi chuyện.

Kể cả những câu chuyện mộng mị hoang đường, chuyện huyền thoại hay chuyện ma mãnh mà người dân xóm Nam thêu dệt từ đời này qua đời khác. Từ ba ba, thuồng luồng bơi trên sông Cái hay bắt trẻ con, đến chuyện mả ông hủi đầu cánh đồng Tranh. Vào những đêm trái gió trở trời từng đàn hủi bay lượn sáng rực như sao sa.

Xóm Nam tôi xưa có ngôi đền rất linh thiêng. Sự linh thiêng huyền thoại lan truyền rộng khắp thế gian và lưu truyền mãi hết đời này sang đời khác. Cho dù ngôi đền đã sụp đổ từ bao giờ tôi không biết, nhưng nền móng ngôi đền còn nguyên vẹn không ai dám động đến.

Nghe nói ngôi đền sụp đổ do một cơn bão lớn, tâm bão tràn vào xóm Nam giữa kỳ nước biển dâng cao cuốn phăng cả nhà cửa, thóc lúa ngô khoai. Đồng đất thấm mặn, cây cối hoa màu chết rụi, mùa màng thất bát. Dân tình điêu đứng đói rét mất cả mấy năm trời mới hồi phục được sự sống bình thường.

Qua trận lụt, dân xóm Nam chỉ lo cấy trồng, dựng xây nhà cửa, không ai dám nghĩ đến dựng lại ngôi đền thiêng đó. Mà có nghĩ đến cũng không đủ sức để làm lại. Thời gian trôi đi, mảnh đất linh thiêng cỏ cây mọc um tùm thâm u khiển cảnh vật nơi đây càng tăng thêm vẻ thần bí ma mị từ trẻ con đến người già không ai dám bước chân vào.

Dấu tích ngôi đền thiêng duy nhất chỉ còn lại cụ rùa đá khổng lồ nằm trơ trọi cạnh cây đa cổ thụ trên nền ngôi đền. Ngày còn bé có lần hứng chí, tôi theo thằng Tèo chơi trò trận giả vô tình cưỡi lên lưng cụ rùa quên béng rằng nơi đây là chốn linh thiêng.

Tối về bị lũ trẻ mách bố mẹ, khiến tôi bị trận đòn nhớ đời. Cụ rùa đá và cây đa cổ thụ vừa linh thiêng vừa là nỗi sợ hãi ăn sâu vào tâm não tuổi thơ tôi.

Thời gian trôi đi và thời gian cứ bồi đắp, thêu dệt mãi vào sự linh thiêng bí ẩn quanh ngôi đền thiêng xóm Nam quê tôi. Niềm tin tuyệt đối của người dân trong vùng vào ngôi đền thiêng xóm Nam đến nỗi mọi chuyện làm ăn cấy cày bội thu, thất bát, hay chiến tranh hòa bình đều có sự phán truyền từ ngôi đền linh thiêng có cụ rùa, cây đa cổ thụ.

Mùa xuân đến nhìn cây đa tốt tươi họ bảo năm nay sẽ được mùa to. Có năm họ kháo nhau sẽ sắp có chiến tranh loạn lạc. Đêm đến nghe âm binh rậm rịch trong khu vườn thiêng. Dưới ánh trăng nhìn rõ có người ngồi dưới gốc đa. Họ đoán đấy là các tướng lĩnh về tụ họp bàn tính chuyện quân cơ.

Có dạo quê tôi mở đại chiến dịch toàn quân toàn dân ra quân đắp đê lấn biển (huy động cả lực lượng xe cơ giới quân đội) suốt mấy năm quân dân háo hức đoàn kết một lòng rầm rầm đào đất đắp một con đê vĩ đại lấn ra biển hàng chục cây số.

Suốt quá trình đắp đê khẩu hiệu, băng rôn, cờ sao bay phấp phới cổ vũ khí thế tiến công khiến thần biển cũng phải hãi hùng khiếp sợ trước sức mạnh dời non lấp biển của dân quê tôi. Ai ngờ đến ngày hạp long mới chỉ qua một cơn bão, toàn bộ con đê vĩ đại của quê tôi bị nước biển cuốn phăng thành bình địa không còn dấu tích.

Ngay lập tức có tin đồn lan truyền rằng tại cái ngày khai trương lãnh đạo huyện không chịu làm lễ xin phép cụ rùa và thần cây đa. Qua sự kiện này dân xóm Nam quê tôi càng tăng thêm lòng tin vào sự linh thiêng của ngôi đền.

Dân vùng khác lại tung tin mỉa mai nói xấu chính quyền ngông cuồng mắc căn bệnh hoành tráng thích thành tích, coi rẻ sức dân -  công lính nên mới mở đại chiến dịch đắp đê trên cát, một công trình phản khoa học. Rõ là công dã tràng xe cát biển đông...

Năm tôi mười sáu tuổi, cái tuổi dậy thì chẳng hiểu sao lại lú lẫn quên béng trận đòn ngày bé. Nghe lời thằng Tèo, vào một buổi tối đi họp đội về ngang qua ngôi đền thiêng, nó bất ngờ tóm cổ tay ghé vào tai tôi bảo: “Vào đây cho xem cái này hay lắm”.

Tôi như bị thôi miên bước theo thằng Tèo. Nó vừa khích lệ vừa trấn an: “Đi theo thằng này còn sợ gì”. Thằng Tèo là chúa thằn lằn không biết sợ cả ma quỷ rắn rết, không coi cả trời đất là gì. Nó có biệt tài bắt chuột, bắt rắn, từ chuột đồng chuột cống, từ hổ mang bành đến cạp nong vằn. Loài nào vào tay nó đều chịu khuất phục, cứ như thể nó có bùa mê thuốc lú khiến lũ chuột, lũ rắn phải khiếp sợ.

Tới gốc cây đa cổ thụ nó bất ngờ ấn tôi vào thân cây đa hôn tới tấp khiến tôi hoảng sợ vùng vẫy định bỏ chạy nhưng những ngón tay thằng Tèo cứng như sắt, tóm chặt cổ tay tôi miệng đánh tiếng “xuỵt” ra lệnh tôi phải im lặng đứng yên tại chỗ.

Giọng nó nghiêm trọng đầy ma lực, có sức lôi cuốn lạ kỳ khiến tôi lạnh người run lên bần bật ôm ghì lấy thằng Tèo. Nó dọa nếu tôi rời xa nó lập tức những con rắn hổ mang bành sẽ lao vào cắn nát bắp chân non nõn con gái của tôi.

Lời nó nói khiến tôi càng tin vào sự thần bí của thằng Tèo có tài sai khiến lũ rắn. Thằng Tèo đã thành công dụ dỗ tôi ngoan ngoãn trong vòng tay nó xiết chặt. Đến như loài rắn còn bị nó khuất phục thì tôi nó coi là chuyện nhỏ.

Sau này tôi tự bằng lòng buông xuôi mỗi khi nghĩ đến cái đêm ma quái dưới tán cây đa cổ thụ có sự chứng giám của cụ rùa đá khổng lồ trên nền ngôi đền linh thiêng xóm Nam quê tôi.

Đêm ấy sau phút giây lấy đi đời con gái của tôi, nó nằm lăn dưới tán cây đa nhăn răng ra cười. Tôi nhìn rõ cả nụ cười mãn nguyện và bộ mặt rắn rết của thằng Tèo dưới ánh trăng chiếu nghiêng qua vòm lá. Và cũng không còn thấy sự linh thiêng của thần rùa và cây đa cổ thụ nữa.

Chính thằng Tèo là loài rắn rết, chuột bọ, còn tôi đã ngủ với nó và tôi cảm thấy mình cũng nhơ bẩn như nó, nhơ bẩn như loài rắn rết, chuột bọ. Thằng Tèo bảo nó thường xuyên lẻn vào đây xâm phạm sự linh thiêng của ngôi đền mà chả làm sao cả. Nó vẫn khỏe, vẫn ăn no ngủ say.

Chẳng trời đất thần thánh nào trừng phạt nó. Nó bảo chính loài rắn rết, chuột đồng, chuột cống đã cho nó sức khỏe phi thường. Thảo nào lúc nó ấn tôi vào cây đa, người tôi tưởng tan rữa ra trước sức mạnh của nó. Nó bảo những con rắn hổ mang bành, cạp nong vằn và những xâu chuột cống nó bắt được hàng ngày là chính từ trong những hang hốc dưới bụng cụ rùa và dưới gốc đa cổ thụ này.

Không tin dám đi theo, nó chỉ cho mà xem. Lúc này tôi mới bừng tỉnh nhìn xung quanh lờ mờ dưới bóng trăng là những hang hốc mà loài rắn, loài chuột rõ khéo đào, chúng biết lấy thân cụ rùa và gốc đa thiêng che chắn. Được cụ rùa và cây đa cổ thụ bảo hộ thì an toàn tuyệt đối, đố ai dám động tới chúng.

Chính loài rắn rết, chuột bọ đã núp dưới bóng cụ rùa thiêng và thần đa cổ thụ để phá hoại mùa màng làm dân làng đói rách vì chúng. Vô tình cụ rùa, thần đa đã nuôi béo lũ rắn rết, chuột bọ, và loài chuột bọ, rắn rết lại nuôi béo thằng Tèo.

Tèo hồi này không còn là thằng Tèo nhem nhuốc của ngày xưa. Hắn đổi tên là Tòng - Hoàng Đình Tòng. Tòng đi đứng ra dáng ông chủ oách nhất vùng này. Nhờ vào sự tinh quái lõi đời, Tòng đã ăn nên làm ra vẫn từ loài rắn rết chuột bọ và biết lựa thời để sống.

Ban đầu hắn nghĩ ra trò đào hầm nuôi rắn để cung cấp cho các nhà hàng cao cấp ngoài thành phố có nhiều đại gia thích tẩm bổ bằng những loài động vật tươi sống. Hắn tán dương công hiệu của tiết rắn. Hắn bảo uống tiết tươi động vật cường dương tráng khí.

Hắn giỏi làm trò thủ thuật tuyên truyền dựa vào những bài thuốc Bắc chả biết học được từ đâu mà viện dẫn ra tên tuổi của những danh y xưa nổi tiếng Trung Quốc, khiến các đại gia trọc phú cứ há miệng bái phục. Hắn tuyên bố tìm khắp nước Nam cũng không đâu có món đặc sản rắn của hắn.

Cũng là loài rắn, nhưng những con rắn của Hoàng Đình Tòng nom dị dạng khác thường. Những con hổ mang mập ú bụng phình ra to hơn cả đầu. Những con cạp nong vằn óng ánh sắc mầu vàng đỏ nom quái dị. Mỗi lần Hoàng Đình Tòng mang rắn đi quảng bá các đại gia, quan chức lại đặt hàng với giá cao ngất trời.

Hoàng Đình Tòng giàu lên từ đó. Nhưng nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân quan trọng nhất mà anh chàng Tèo của tôi giàu lên thì không ai biết ngoài tôi, đứa con gái đã bị anh cu Tèo dụ dỗ. Cái tài siêu phàm giúp anh cu Tèo xưa và Hoàng Đình Tòng nay giàu lên nhanh chính là nhờ vào lòng tin tuyệt đối về sự linh thiêng của những người dân bị lừa mị.

Hoàng Đình Tòng đào hầm nuôi rắn chỉ để che mắt thiên hạ, thực chất những con rắn, con rết khổng lồ mập ú dị dạng đó hắn móc ra từ chính những hang hốc dưới bụng cụ rùa và cây đa cổ thụ. Từ cái lần ngủ với Tèo, cụ rùa và thần đa cổ thụ đối với tôi không còn linh thiêng nữa.

Tôi trở thành kẻ lỳ lợm lặng câm mất hết niềm tin. Lòng tin đổ vỡ, lại nhiều lần tôi tự nguyện đi theo Tèo ra cái nơi mà Tèo bảo có cụ rùa và thần đa che chở. Đang lúc hưng phấn tôi buột miệng bảo: “Ước gì lại có cơn bão lớn như năm nào vỡ đê nước dâng tiêu diệt hết lũ rắn rết chuột bọ dưới thân cụ rùa kia”.

Lời tôi vừa dứt, giọng Tèo gay gắt: “Sao ngu thế, ước gì không ước lại ước bão vỡ đê để mà chết chìm cả lũ à. Rõ là tư tưởng đàn bà”. Tèo nói sáng nay anh đã làm việc chính thức với chính quyền rồi, giọng Tèo đầy phấn khích, chính quyền đã đồng ý cho phép anh liên doanh với một đối tác nước ngoài được quyền xây dựng lại ngôi đền này rõ hoành tráng nhất vùng.

Em không biết đấy thôi, dựa vào sự linh thiêng của ngôi đền xóm Nam ta, nơi đây sẽ trở thành điểm thu hút khách thập phương ùn ùn kéo về như trẩy hội. Rồi mình sẽ thu lời to, hai ta sẽ được sung sướng.

Đêm xóm Nam trăng vàng rực, tôi lặng lẽ đi bên Hoàng Đình Tòng mà chẳng biết vui hay buồn. Chỉ biết rằng cái thai trong bụng tôi đang lớn dần là của Tòng mà tôi chưa kịp nói ra. Chỉ lo sau này đứa con tôi nó cũng lại giỏi nghề rắn rết, chuột bọ như bố nó.

Các tin khác