Nghệ nhân lề đường

Đã 29 năm nay, hầu như ngày nào trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) cũng có một người đàn ông ngồi hành nghề khắc chữ trên bút máy.

Đã 29 năm nay, hầu như ngày nào trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) cũng có một người đàn ông ngồi hành nghề khắc chữ trên bút máy.

Trải nhiều gian truân

Ông Nguyễn Thắng là “nghệ nhân lề đường” hiếm hoi còn gắn bó với nghề này. Mới cách nay không lâu, chiếc bút máy vẫn còn là vật bất ly thân của nhiều người, lúc bấy giờ nghề khắc bút vẫn còn thịnh hành do việc khắc tên hoặc vài chữ lưu niệm lên bút là sở thích của nhiều người. Nhưng đến bây giờ, khi máy tính xách tay đang dần thay thế cây bút máy và sổ tay, nhu cầu trang trí, khắc chữ lưu niệm trên cây bút máy chỉ còn ở những người hoài cổ. Vậy mà hàng ngày ông Nguyễn Thắng vẫn có khách hàng tìm đến đặt khắc chữ trên bút để làm quà tặng. Với tay nghề thành thạo, ông chỉ mất từ 10 giây đến 2 phút để hoàn thành tác phẩm của mình.

Năm nay ông Nguyễn Thắng đã gần 60 tuổi, cuộc đời trải nhiều gian truân. Từ bé việc học hành của ông đã dang dở do phải phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Mặc dù vậy, ông lại có đam mê và năng khiếu vẽ tranh. Ngôi nhà của ông đầy những hình vẽ bằng than đen nhẻm. Nhiều lần ông bị đòn roi của bố vì cái tật hay vẽ trên vách. Không ngờ chính cái tài lẻ ấy cũng là cái nghiệp cả đời của ông sau này. Năm 1980 ông theo gia đình vào Nam kiếm sống. Công việc đầu tiên của ông ở đây là vá xe, rồi làm nhân viên bốc vác ở cảng Sài Gòn. Sau ông chuyển qua lĩnh vực sở trường của mình: vẽ tranh sơn dầu, rồi khắc tranh trên ngà, sừng... Công việc này cho ông thu nhập cao, song cũng vì đòi hỏi công việc phải tỉ mỉ, chi tiết, nên mắt ông kém dần và phải trải qua 2 lần phẫu thuật mắt.

Cùng với việc bươn chải kiếm sống, niềm đam mê được thể hiện những nét chữ bay bướm, có hồn đã thôi thúc ông chọn nghề khắc chữ. “Mình học qua những người quen biết thôi, vì không đủ tiền học trong trường, với lại học qua bạn bè biết được nhanh hơn và vui hơn” - ông kể. Vốn yêu thích việc viết chữ đẹp, ông nhận thấy cách khắc chữ bằng máy không đẹp, tinh xảo và bay bướm bằng cách khắc tay. Sẵn có năng khiếu, ông mày mò học cách khắc chữ lên đồ vật bằng gỗ, nhựa, và cuối cùng là khắc trên bút.

Niềm vui bên góc phố

Ông Nguyễn Thắng là “nghệ nhân lề đường” hiếm hoi còn gắn bó với nghề khắc chữ trên bút máy. Ảnh: LÃ ANH

Ông Nguyễn Thắng là “nghệ nhân lề đường” hiếm hoi còn gắn bó với nghề khắc chữ trên bút máy. Ảnh: LÃ ANH

Năm 1982 ông bắt đầu cầm bút khắc chữ kiếm sống trên vỉa hè đường Lê Lợi, trước cửa nhà sách Sài Gòn - đúng góc phố ông đã từng vá xe đạp hồi mới chân ướt chân ráo đến TPHCM. Hồi ấy nơi đây là khu phố chuyên kinh doanh văn phòng phẩm nên rất phù hợp cho ông chọn làm nơi hành nghề khắc chữ trên bút máy. Chỗ làm việc của ông chỉ có một cục gạch để ngồi. Đồ nghề suốt bao nhiêu năm nay vẫn không thay đổi: chiếc bút khắc tự chế, cây tuốc-nơ-vít và vài chiếc bút mực.

29 năm ngồi khắc chữ ở vỉa hè, ông không thể nhớ mình đã khắc lên bao nhiêu sản phẩm. Không chỉ khắc chữ trên bút máy, ông còn khắc trên nhiều chất liệu khác như thủy tinh, sứ, gỗ… theo mẫu yêu cầu của khách hàng. Từ những chiếc bút của học trò, quà tặng của nghệ sĩ, hàng lưu niệm cho khách nước ngoài… đến nhẫn cưới của đôi uyên ương. Mỗi nét chữ, hoa văn, đường nét, ông đều tỉ mỉ chăm chút thổi hồn vào đó.

Ông diễn giải: “Nghề khắc chữ đòi hỏi tính kiên nhẫn của người khắc và quan trọng nhất là phải thể hiện được cái hồn, sự mềm mại của nét khắc hoặc bức tranh cần khắc”. Với ông, mỗi sản phẩm làm ra đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, cần có năng khiếu nghệ thuật, có trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, khéo tay, bay bổng và cũng phải kiên trì. Khắc những nét mềm mại trên bề mặt cứng không dễ, cũng phải luyện rất kỳ công.

Dù nhiều thâm niên trong nghề nhưng ông vẫn chưa thấy hài lòng, đến bây giờ vẫn phải vừa làm vừa tập thêm. Công việc khắc chữ đòi hỏi những yếu tố không phải ai cũng có thể đáp ứng được: khéo léo, tỉ mỉ, viết chữ đẹp, đặc biệt là không được phép sai sót - vì không thể làm lại bởi sản phẩm khách hàng đặt khắc chữ thường rất có ý nghĩa với họ.

Ông Thắng cho biết mỗi lần khắc bút ông tính công 5.000 đồng, phức tạp hơn một chút công 10.000 đồng. Với những chữ hay hình khó, phức tạp..., tiền công cao nhất cũng chỉ 50.000 đồng. Tổng thu nhập hàng tháng từ tiền công khắc chữ chưa đến 2 triệu đồng, đủ để ông lo cho hai con đang học đại học. Nhưng ông thực sự tìm thấy niềm vui và đam mê trong công việc bên góc phố đông người.

Các tin khác