Nghệ nhân... làng “âm phủ”

Ít ai ngờ trong thời buổi nhiều người quen ngủ máy lạnh, kê salon, treo tranh sơn dầu trong phòng khách và lãng quên chuyện khói hương theo phong tục, giữa Sài Gòn vẫn tồn tại một làng nghề truyền thống chuyên đúc lư đồng. Cái xóm nhỏ ấy nằm nép mình trong những con hẻm sâu thuộc khu phố 6, 7, đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM.

Ít ai ngờ trong thời buổi nhiều người quen ngủ máy lạnh, kê salon, treo tranh sơn dầu trong phòng khách và lãng quên chuyện khói hương theo phong tục, giữa Sài Gòn vẫn tồn tại một làng nghề truyền thống chuyên đúc lư đồng. Cái xóm nhỏ ấy nằm nép mình trong những con hẻm sâu thuộc khu phố 6, 7, đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM.

Giữ lửa cho nghề truyền thống

Bước chân vào xóm lư đồng, mọi người đều bất ngờ trước những chế tác độc đáo và không khí làm việc như “hợp tác xã” thu nhỏ ngay giữa thành phố ồn ào.

Ánh bập bùng của ngọn lửa lò nung, tiếng khò phù phù của máy hàn, tiếng búa lách cách của thợ chạm trổ xen lẫn tiếng cười nói của cánh thợ, những mặt hàng mang dáng dấp cổ xưa… tạo nên quang cảnh như trong những bộ phim kiếm hiệp thời trung cổ.

Nghề đúc lư đồng có lẽ đã xuất hiện ở Sài Gòn ngót nghét 1 thế kỷ, trong những gia đình người Hoa. Đầu tiên “đại bản doanh” của nghề là khu Chợ Lớn với quy mô và tốc độ phát triển khá lớn. Mỗi gia đình phụ trách một lò nung kiêm luôn việc chào hàng, bày bán...

Thời kinh tế thị trường, sự chiếm lĩnh ồ ạt của các loại hàng hóa hiện đại đã đẩy làng nghề nép mình vào những con hẻm nhỏ của xóm nghèo thuộc địa phận quận Gò Vấp. Nhiều người đã phải đóng cửa lò vì không đủ sống do khách mua ngày càng ít, mà nồi cơm gia đình ngày nào cũng phải bén lửa.

Từ con số hàng trăm trước kia, giờ chỉ còn lại hơn chục lò hoạt động. Rồi người dân cũng không còn cái thú săn tìm đồ thờ cúng bằng đồng nữa, thay vào đó là đồ gốm sứ, vừa rẻ tiền lại vừa hợp mốt.

Giai đoạn 1982-1983 có lẽ là thời gian khó khăn nhất, nhiều nghệ nhân hàng đầu rục rịch bỏ nghề vì không còn đồng nguyên liệu. Đời sống gia đình họ vốn khó khăn lại ngày càng sa sút, nguy cơ thất truyền nghề treo lơ lững trước mặt.

Ông Vương Hữu Phách, một nghệ nhân cao tuổi bùi ngùi kể lại: “Ngày đó, tôi nhớ cả khu này chỉ còn đúng 3 lò (nhà tôi, nhà ông Thắng, ông Toàn) hoạt động.

Xót xa như đứt từng khúc ruột khi lò nhà mình cũng sắp phải đóng cửa. Sau nhiều lần bàn tính, cuối cùng tôi và hai chủ lò nữa quyết định góp tiền lặn lội lên tận Tây nguyên để mua đồng phế liệu, cố gắng giữ nghề”.  

 Ông Trần Văn Thắng đang hướng dẫn con trai làm nghề. Ảnh: L.G

Ông Trần Văn Thắng đang hướng dẫn con trai làm nghề. Ảnh: L.G

Không thể “lực bất tòng tâm” ngày ngày nhìn đám con cháu lần lượt xách túi đồ nghề cuối cùng mang bán kiếm chút tiền còm cõi đong gạo nuôi thân, những người có tâm huyết đã quyết tâm vực dậy làng nghề. 3 chủ lò cuối cùng đó đã thay nhau vận động bà con mở cửa sản xuất lại.

Chính quyền cũng tạo điều kiện bằng cách cho vay vốn và mua sách kỹ thuật cho bà con. Những cửa lò một thời nguội lạnh, trống hơ trống hoác trong xóm lại rực lửa. Khó khăn nhất trôi qua, làng nghề bước sang giai đoạn phát triển mới mà vẫn không mất đi những nét truyền thống vốn có. Giờ đây các sản phẩm lư đồng được nhiều chủ hàng ở tận miền Tây, miền Bắc và Trung Quốc đặt hàng với số lượng lớn.

Thị trường địa phương cũng sôi động không kém, nhất là vào dịp tết. Những người khách Tây, ngoài mục đích tìm hiểu đất nước, con người, còn có một thú vui khác là tìm mua cho bằng được một bộ lư đồng như quà tặng đặc biệt kỷ niệm một lần đến Việt Nam.

Linh hồn của làng nghề

Không giống như nghề làm vàng mã, ai cũng có thể thành thợ, người đúc lư đồng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao hơn về tuổi đời, tay nghề và kinh nghiệm. Vì thế, có khi chỉ cần 1 hoặc 2 người đạt tới mức nghệ nhân đã có thể coi là linh hồn của làng nghề và tạo dựng được tiếng tăm.

Mặc dù sống ngay giữa thành phố náo nhiệt nhưng phong thái họ vẫn nho nhã, bình dị. Nghệ nhân làng nghề thâm trầm nhưng trung thực, thủng thẳng và rất tỉ mỉ.

“Cái hay, cái đẹp của nghề đúc lư đồng không nghề nào có được là tất cả công đoạn đều được làm thủ công. Một sản phẩm hoàn tất trải qua nhiều bước, từ khâu làm khuôn mẫu, bịt sáp, làm khuôn nguội cho đến việc nấu đồng, đổ khuôn, dũa, hàn, đánh bóng và cuối cùng là chạm khắc…

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Một bộ lư đồng đẹp cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc chọn màu đồng, sự kỳ công của người làm và kinh nghiệm dân gian” - ông Huỳnh Toàn, chủ cơ sở Năm Toàn ở địa chỉ 26/5, khu phố 7, bộc bạch.

Trong làng nghề, có lẽ cái tên được truyền tụng nhiều nhất là nghệ nhân Trần Văn Thắng (Hai Thắng), chủ cơ sở sản xuất tại số 52/1, khu phố 7. Ông Hai Thắng là hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ. Với gần 40 năm trải nghề, ông nổi tiếng là người có tay nghề lão luyện và nhiều kinh nghiệm nhất trong việc chọn màu đồng để làm ra những sản phẩm tinh xảo.

Có những người gắn bó với nghề vì nó nuôi sống họ, còn có những người sống chết với nghề chỉ đơn giản để thỏa mãn niềm đam mê, Hai Thắng là một người như vậy.

Ông chia sẻ: “Tôi yêu nghề đúc đồng từ nhỏ nên dù có khó khăn mấy cũng không bỏ được. Lư đồng là đồ thờ cúng, thuộc về cõi tâm linh của con người, đòi hỏi người làm ra chúng phải có cái tâm và sự tâm huyết với nghề, vừa làm vừa cố gắng duy trì nghề truyền thống của ông cha”.

Kết quả mấy chục năm miệt mài phấn đấu của ông Hai Thắng là một nhà xưởng lớn nhất khu vực. Ngôi nhà 3 tầng nền gạch bông sáng loáng nằm vững chãi kế bên của ông được xây bằng tiền lời tích góp từ những hợp đồng bán lư suốt từ ngày lập nghiệp.

Ngoài 8 người chính trong gia đình, hiện ông Thắng còn thuê thêm 3 người làm, mỗi tháng cho ra lò khoảng 250 sản phẩm lớn nhỏ. Ông cho hay, thời gian tới sẽ bỏ ra 40 triệu đồng đầu tư 1 hệ thống xử lý nước thải quy mô,  nhằm bảo vệ môi trường.

Bộ lư hoàn chỉnh gồm 1 lư chính và 2 chân đèn. Khả năng chạm khắc và đường nét hoa văn được thể hiện trên chiếc lư chính. Vì thế, vai trò của nghệ nhân quyết định sự thành bại của sản phẩm.

Anh Trần Văn Hoàng, con trai ông Thắng, tâm sự: “Chạm khắc giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, có giá trị phục vụ mọi người. Tôi muốn đem kiến thức, kinh nghiệm 15 năm của mình truyền cho lớp trẻ để giữ nghề truyền thống này”.

Các tin khác