Nghê - linh vật thuần Việt bị bỏ quên

(ĐTTCO) - Nghê là linh vật phổ biến ở đền, đình, miếu mạo của người Việt, nhất là ở vùng châu thổ Bắc bộ. Là linh vật được được sinh ra trong dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc, nghê mang những nét đặc trưng của người Việt: dân dã, gần gũi, hiền lành… Khác xa với những linh vật có tính huyền bí, phô trương sức mạnh, cao sang trong văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.

Gã linh vật bên rìa
Đó là cách nói, góc nhìn về nghê của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế trong công trình biên khảo “Phác họa nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền vua Đinh, vua Lê)” xuất bản cuối năm 2017. Bởi, được xem là một linh vật quan trọng bậc nhất của người Việt, nhưng cho đến nay vẫn thiếu những công trình nghiên cứu đúng mức, cũng như sự nhìn nhận thấu đáo về nghê trong đời sống văn hóa người Việt hiện nay.
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, sở dĩ có điều đó là do việc phân định đâu là nghê, đâu là sư tử khá phức tạp trong mỹ thuật Việt Nam. Sự nhầm lẫn giữa 2 linh vật này kéo dài khiến nhiều người nhầm tưởng đó chỉ là một. Trong khi linh vật sư tử luôn có minh văn (lời nói rõ) ở các tượng, hình ảnh, còn nghê lại không có. Cho tới nay, vẫn chưa tìm thấy được con nghê nào có minh văn khẳng định chắc chắn là nghê hay linh vật nào khác. Hiện tượng này có nguyên do ở yếu tố dân gian. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định, nghê là một linh vật khác hoàn toàn sư tử và chỉ có ở Việt Nam, mang những yếu tố văn hóa đặc trưng dân tộc Việt.
Nghê - linh vật thuần Việt bị bỏ quên ảnh 1 Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc đang hoàn thành đôi nghê gỗ cỡ lớn trong xưởng của mình ở “Không gian văn hóa Hoa Lư”. Ảnh T.B
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, hình thức tạo hình, giá trị biểu tượng của nghê là sự pha trộn giữa sư tử (của Ấn Độ), long, kỳ lân, dê (của Trung Hoa) và chó (của Đông Nam Á). Theo đó, những tinh hoa của kiểu thức Ấn Độ - Trung Hoa là một thành tựu đáng tự hào của hình tượng nghê trong nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.
Hình tượng nghê chính là một kiểu lựa chọn, sáng tạo văn hóa rất thành công của ông cha ta, trong vô vàn sự dung hòa, tiếp biến văn hóa theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt, giữa 2 nền văn hóa đồ sộ, lâu đời là Ấn Độ và Trung Hoa. Từ thực tế hình điêu khắc, tượng, tranh vẽ về nghê, dáng vóc, tư thế luôn có hình ảnh chó, một con vật hết sức gắn bó với người Việt từ ngàn xưa đến nay. Chính điều đó đã mang lại sự gần gũi, thân thiện của nghê. Rất khác với những linh vật sư tử, rồng, kỳ lân… 
Những văn thư cổ cũng như các nghiên cứu gần đấy cho thấy, hình ảnh nghê có từ trong từng gia đình đến làng xóm, từ thôn quê đến thị thành, từ dinh quan đến cung vua, phủ chúa. Từ các kèo gác mái đình làng hay chốn hậu cung tế lễ, bia đá, tượng thờ… của người Việt, đâu cũng có thể bắt gặp hình tượng nghê. Hình ảnh nghê “khoe của quý”, ghê trêu gẹo trai gái, nghê đánh đàn… ở một số đình làng vùng Bắc bộ cũng nói lên sự đa dạng, thân thiện của linh vật nghê, trong tư duy và cách thức thể hiện của người Việt.
Nghê - linh vật thuần Việt bị bỏ quên ảnh 2 Những du khách nước ngoài rất thú vị khi nghe giới thiệu về linh vật nghê của người Việt 
ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh T.B 
Các nghiên cứu cho thấy, hình ảnh linh vật nghê bắt đầu được dùng nhiều, phổ biến thời Lê Trung Hưng, cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Quần thể đền vua Đinh ở Hoa Lư (Ninh Bình), nơi xuất hiện rất nhiều hình tượng nghê đã được trùng tu lớn, xây dựng lại chính vào thời điểm đó và bảo tồn gần như toàn vẹn đến nay. Tại đây, nghê có mặt ở họa tiết trang trí, tượng chầu, chạm trổ vì kèo, bệ đá đỡ cột... đến cả chân đế thắp nến và đèn tại gian thờ chính.
Cũng tại đền vua Đinh Tiên Hoàng, người đã mở đầu nền quân chủ Việt Nam với quốc gia Đại Cồ Việt cách đây 1.050 năm, nghê đã thay thế lân đứng vào hàng tứ linh. Phải chăng, từ xa xưa, nghê đã trở thành biểu tượng cho tư duy độc lập, tự chủ của văn hóa Việt. Việt Nam là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn, đó là cơ may để nghê trở thành một lựa chọn sáng tạo văn hóa rất thành công trong nền nghệ thuật cổ truyền. 

Nỗi trăn trở “Ngọc nghê”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ từng đặt một vấn đề rất thú vị: Tại sao chỉ nói cười như nghê mà không nói cười như rồng hay như phượng? Có lẽ bởi chỉ có nghê mới được nhân cách hóa gần với con người nhất, khác những với linh vật như “Long - Lân - Quy - Phượng”. Ở một góc khác, theo nghệ nhân điêu khắc Phạm Bá Ngọc, trong hình tượng nghê có bóng dáng chó, con vật hết sức trung thành, gần gũi với con người và người nông dân Việt.
Từ cách ngồi, kiểu nằm, cách thè lưỡi rất giống chó, dù trên “mình nghê” có những chi tiết của rồng, sư tử, kỳ lân, rắn, dê… Nói cách khác, vì nghê quá gần gũi với con người, là sản phẩm văn hóa tâm linh của người Việt, nên “kiểu cười” người Việt cũng dùng nghê để minh họa, chứ không mượn hình ảnh linh vật của dân tộc khác. 
Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc, sinh ra trên mảnh đất Hoa Lư, nên anh phải lòng với văn hóa, lịch sử vùng cố đô Hoa Lư. “Không gian văn hóa Hoa Lư” được Phạm Bá Ngọc xây dựng với mục tiêu lưu giữ, phát huy các di sản văn hóa vùng cố đô Hoa Lư nói riêng và văn hóa Việt nói chung. Nhưng việc anh yêu nghê, đắm đuối với nghê đến mức được gọi là “Ngọc nghê” lại là chuyện khác.
Phạm Bá Ngọc cho biết, cách đây khoảng 3 năm, với sự hỗ trợ, động viên của các nhà nghiên cứu như Trần Hậu Yên Thế, Dương Trung Quốc, Vũ Minh Giang... anh “toàn tâm, toàn ý” tìm hiểu về nghê. Đền vua Đinh là nơi nghệ nhân Phạm Bá Ngọc tìm đến rất nhiều trong hành trình tìm hiểu về nghê. Với con mắt một nhà điêu khắc, anh bị đôi nghê đá đền vua Đinh hớp hồn. Đôi nghê một đực một cái được tạo hình uy nghiêm mà gần gũi, linh thiêng mà thân thuộc, không quá bé nhỏ nhưng cũng chẳng to lớn kềnh càng, rất Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu xem đây là mẫu mực của tạo hình nghê chầu ở Việt Nam. Phạm Bá Ngọc xem đó là mẫu để nhân bản ra nhiều kích thước, kiểu khác nhau, với mong muốn người Việt sẽ dùng nghê thay thế cho những con sư tử đá đang đặt ở nhiều đền, chùa, công trình kiến trúc… Từ đôi nghê to, anh thu nhỏ lại, biến thành vật phẩm phong thủy, trang trí, đốt trầm, trang trí, lưu niệm... để đưa nghê đến gần hơn với cuộc sống. 
Người nghệ nhân đau lòng khi thấy những sản phẩm văn hóa ngoại lai như cơn bão tràn vào khắp thị thành đến nông thôn, những người nghệ nhân với các làng nghề ngày càng phải thu mình. Đó là câu hỏi lớn mà Phạm Bá Ngọc đang tìm lời giải, bắt đầu bằng tình yêu với nghê. Mong muốn lớn nhất của anh là linh vật nghê được người Việt biết đến nhiều, thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Qua đó khẳng định, nghê là linh vật quan trọng bậc nhất, thể hiện sự dung hòa, tiếp biến văn hóa, sức sáng tạo vô cùng lớn, trường tồn của dân tộc Việt.

Các tin khác