Nghề chép tranh

Theo anh bạn họa sĩ ở TPHCM, tôi lang thang khắp các phòng tranh từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Phú... Đó là những phố bán tranh, với những bức tranh đủ chất liệu, mới có, cũ có và nhiều bức quen quen của các họa sĩ nổi tiếng. Thấy tôi say sưa thưởng ngoạn thế giới đầy màu sắc tại một phòng tranh trên đường Nguyễn Huệ, anh bạn cười mỉm về sự “ngố” của tôi và nói nhỏ: “Chỉ toàn tranh chép đó! Lâu nay các phòng tranh sống được đều nhờ vào tranh chép và những nơi này cần thợ vẽ hơn họa sĩ sáng tác”.

Theo anh bạn họa sĩ ở TPHCM, tôi lang thang khắp các phòng tranh từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Phú... Đó là những phố bán tranh, với những bức tranh đủ chất liệu, mới có, cũ có và nhiều bức quen quen của các họa sĩ nổi tiếng. Thấy tôi say sưa thưởng ngoạn thế giới đầy màu sắc tại một phòng tranh trên đường Nguyễn Huệ, anh bạn cười mỉm về sự “ngố” của tôi và nói nhỏ: “Chỉ toàn tranh chép đó! Lâu nay các phòng tranh sống được đều nhờ vào tranh chép và những nơi này cần thợ vẽ hơn họa sĩ sáng tác”.

Đất sống của thợ vẽ

Anh Dũng - người làm nghề chép tranh lâu năm, đang làm việc cho một phòng tranh tại quận 1, TPHCM - không ngại nói về nghề của mình: "Nghề này sống được!".

Anh cũng như nhiều bạn vẽ khác, không được học hành bài bản ở trường lớp, chỉ có chút năng khiếu vẽ rồi theo học những người đi trước, được chỉ dạy và ra nghề. Thấy các họa sĩ thực thụ không thể kiếm sống bằng việc sáng tác, do tranh vẽ ra không bán được, khách hàng lại chuộng tranh chép hơn do giá cả hợp lý, bố cục và chủ đề “chuẩn”, nên anh chọn nghề chép tranh thuê. “Chỉ thỉnh thoảng “ngứa tay” lắm, tôi mới dành thời gian sáng tác.

Nhưng do đã quen "copy", nên dù cố gắng thế nào tranh sáng tác xong vẫn “lai” nhiều trường phái, phong cách, chi tiết, bố cục... Những bức tranh như vậy được liệt vào nhóm “tranh bờ hồ” không mấy giá trị. Tôi từng thử bán, nhưng khách sành về tranh không mua, nên chỉ để treo ở nhà hoặc tặng bạn bè trang trí phòng ngủ” - anh nói.

 Thợ đang chép tranh Làng quê theo mẫu của khách hàng.

 Thợ đang chép tranh Làng quê theo mẫu của khách hàng.

Đến một phòng tranh khác, tôi bỏ ra hết buổi sáng xem anh thợ tên Linh đang vẽ (thực ra là chép) bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam. Bức vẽ dang dở từ hôm trước, so với bức ảnh chụp lại tranh gốc, bức vẽ này đã được tái hiện theo trường phái ấn tượng và gam màu đã thay đổi hoàn toàn.

Anh cho biết, màu sắc này do một khách hàng hiểu biết về hội họa yêu cầu. Khách thường đem đến mẫu bức tranh muốn vẽ, rồi đưa ra các yêu cầu về màu sắc, bố cục, phong cách vẽ. Như bức tranh này, anh mất hơn một ngày để hoàn thành.

Chủ phòng tranh là người đánh giá mức độ hoàn thiện, độ khó, kích thước… của tranh để trả tiền thù lao cho thợ chép tranh.

Anh Linh nhẩm tính, bức vẽ kích thước 100x75cm này có thể sẽ nhận được khoảng 400.000 đồng. Với thu nhập này, nếu chăm chỉ làm việc, anh Linh cũng kiếm được đủ tiền chi tiêu trong gia đình, không phải vay mượn nhưng cũng không có tích lũy.

"Còn bám trụ được với nghề đã mừng rồi. Chứ làm nghề này, nếu bị đào thải, không biết làm gì khác, vì tay quen vẽ, không dễ gì thích nghi với công việc khác" - anh Dũng chia sẻ. Chính vì vậy nhiều năm nay, dù mong muốn mở một phòng tranh do chính mình làm chủ, anh Dũng không làm sao có đủ tiền thực hiện.

Đó là với thợ chép tranh có thâm niên, làm việc trong phòng tranh khu trung tâm thành phố, còn mức thù lao của thợ vẽ mới vào nghề thấp và đời sống bấp bênh hơn nhiều. Minh - thợ vẽ mới toanh của một phòng tranh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đang chăm chỉ chép những bức tranh đơn giản.

Minh bảo thù lao của anh mỗi tháng chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, sống khá chật vật. Tuy nhiên vì niềm đam mê vẽ tranh, Minh vẫn đang cố gắng hàng ngày để nuôi “lửa” nghề. Những người chịu sống với nghề vẽ, các chủ phòng tranh mới nhận và đào tạo thành nghề.

Nỗi niềm họa sĩ

Nhiều người thường nghĩ các phòng tranh trong thời buổi suy thoái kinh tế sẽ tìm cách chuyển đổi kinh doanh, vì đến ăn người ta còn cắt giảm chi tiêu, đâu ai dư tiền mua tranh về thưởng thức. Nhưng hóa ra các phòng tranh vẫn duy trì ở mức khá tốt, thậm chí còn đua nhau mọc lên khắp nơi. Đơn giản vì tranh chép có giá mềm, phù hợp với nhiều người, nhất là gần đây nở rộ nhà xây mới, nhiều gia đình mua tranh chép về trang trí tạo sự sang trọng cho không gian sống.

Nghề buôn bán tranh chép “sống khỏe” nhờ bán chạy và lợi nhuận khá cao. Anh Hải, chủ phòng tranh trên đường Đồng Khởi, cho biết bức tranh Phật vẽ theo phong cách hiện đại khổ 80x110cm bán được đến 250USD. Trong khi đó, thù lao trả cho hơn một ngày công hoàn thành bức tranh của thợ khoảng 350.000 đồng; tiền sơn dầu, toan (thường có xuất xứ từ Trung Quốc), khung tranh mất khoảng 600.000 đồng.

Như vậy một ngày, phòng tranh chỉ cần bán được 2 bức tranh đã thu lời kha khá. Ở những phòng tranh lớn, mỗi ngày mức bán ra trung bình khoảng 8-10 bức tranh chép.

Thị trường tranh chép ở TPHCM cũng có những phân khúc khách hàng và giá cả rất chênh lệch. Ở khu trung tâm thành phố như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Phạm Ngũ Lão, giá tranh tương đối cao và thường bán cho khách nước ngoài.

Trong khi ở những con đường như Trần Phú hay Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giá tranh lại khá mềm. Giá cao nhất ở khu trung tâm quận 1 và rẻ nhất ở Trần Phú (nơi được gọi là chợ tranh), tranh ở đây có giá bằng 2/3 khu Nam Kỳ Khởi Nghĩa, và tranh ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa có khi chỉ bằng 1/2 giá tranh ở Nguyễn Huệ. Nhiều chủ phòng tranh vẫn than tranh ế ẩm, không có khách, nhưng thực ra, họ vẫn có những lý do để tiếp tục tồn tại.

Có nơi bán tranh lẻ chỉ để cho vui, còn phần lớn họ có đơn hàng của những khách hàng riêng hàng năm như các công ty nội thất, nhà hàng, khách sạn, kiều bào... Thậm chí chỉ vài đơn hàng trong một năm là đã sống khỏe.

Tranh nào cũng là tranh, đó là quan niệm sai lầm, nhất là với những người thực sự sống chết với nghề cầm cọ. Ngay cả tranh chép cũng vậy, có nhiều loại tranh chép và người làm nghề chép tranh cũng phải có những nguyên tắc nhất định để được bạn nghề tôn trọng và được người thưởng tranh đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiện nay, những người chép tranh thường chỉ được gọi là thợ vẽ, bởi họ chỉ biết chép lại hàng loạt một cách vô hồn. Họ chỉ cần vẽ lại cho thật giống bản gốc, không cần nghiên cứu về tác phẩm để tìm ra bút pháp vẽ hợp lý.

Có rất nhiều tranh được chép lại từ những bức vẽ tìm thấy trên Google, không cần biết kích thước thực tế, chất liệu ra sao, tên tranh là gì và tác giả là ai..., miễn sao thấy bắt mắt. Điều đó khiến nhiều họa sĩ sáng tác thực thụ cảm thấy đau đớn.

Những tác phẩm hội họa nổi tiếng của nước ngoài như Hoa hướng dương của Van Gogh hay Mona Lisa của Leonardo de Vinci đã "bị" vẽ lại không biết bao nhiêu lần nhưng hầu hết chỉ là vẽ cho có mà thôi.

Khang Minh - anh bạn họa sĩ - ngậm ngùi tâm sự: Việc sao chép tranh ở Việt Nam chưa có một quy định xử phạt nào, nên nhiều họa sĩ bị “ăn cắp” tranh chỉ biết “kêu trời” rồi bỏ qua cho xong.

Buồn nhất là thấy tranh của mình vẫn đang trong xưởng, chưa giới thiệu ra công chúng nhưng ở phòng tranh khác đã có bức sao chép y chang.

Các tin khác