Làng Nhân ái

Tôi đã từng chứng kiến bao nỗi bất hạnh của con người. Nhưng có lẽ, nỗi khổ đau, cô đơn và cả sự tủi nhục bị kỳ thị ở làng phong Chí Linh là cùng cực, triền miên, rất đỗi thương tâm của một đời người...

Tôi đã từng chứng kiến bao nỗi bất hạnh của con người. Nhưng có lẽ, nỗi khổ đau, cô đơn và cả sự tủi nhục bị kỳ thị ở làng phong Chí Linh là cùng cực, triền miên, rất đỗi thương tâm của một đời người... 

Đồi trọc hoang vu

Vào một ngày cuối tháng 11-1969, trên khu đồi thuộc xã Hoàng Tiến (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), mấy căn nhà cấp 4 được dựng vội. Cả thẩy 13 thầy thuốc có tấm lòng nhân ái đã tình nguyện về đây để đón nhận mấy chục người mắc phải căn bệnh phong (bệnh hủi) quái ác từ nhiều nơi đưa về. Khu điều trị phong (Bệnh viện Phong Chí Linh) ra đời từ đó.

Hơn 40 năm trôi qua, trong đó có tới 20 năm ngập chìm trong gian khó - bây giờ khu điều trị được gọi cái tên trìu mến: làng Nhân ái - mỗi ngày thêm trù phú, sâu nặng nghĩa tình.      

Một cụ bà năm nay đã ngoài 80, tàn phế nặng, gắn bó với nơi này từ những ngày đầu tiên, kể lại: “Ngày chúng tôi mới đến, nơi đây tịnh không một bóng người. Lừng lững những quả đồi trọc, ảm đạm, hoang vu. Ngay đến một số cán bộ còn tỏ ra ái ngại, sợ sệt, xa lánh bệnh nhân”.

Ở vào thời điểm đó, không ít bác sĩ, y sĩ có cơ may kiếm tìm cho mình “mảnh đất thơm” nơi có những bệnh viện, trung tâm y tế chốn thị thành thuận lợi hơn, con đường công danh vinh hoa, xán lạn hơn. Nhưng họ đã tình nguyện về nơi chồng chất khó khăn, gian khổ với suy nghĩ “giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời éo le, bất hạnh”.

Cũng có cán bộ khi mới bước chân tới đây đã tỏ ra ái ngại, thậm chí sợ sệt, rùng mình. Tâm lý ấy, hẳn do nhìn và tiếp xúc với những khuôn hình dị dạng. Nhưng rồi dần dần các cán bộ, nhân viên hiểu hơn về những thân hình dị dạng kia, những mảnh đời éo le khác nhau, đã thôi thúc họ xóa cái sợ, nỗi ngăn cách ban đầu, để hướng tới cái tâm - dành hết tình cảm, tình thương cho người bệnh.

Chính điều này đã tác động ngược giúp bệnh nhân mau chóng xóa đi sự mặc cảm - vốn dễ nảy sinh do cảnh ngộ bệnh tật.

Bác  sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Tầm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh người được coi là “linh hồn” của làng Nhân ái, tâm sự: “Những người bệnh đói nghèo cơ cực, thân thể tàn tạ, bệnh tật đang gặm nhấm dần cơ thể. Nhiều người mãi mãi trở thành tàn phế, điên dại. Mùa đông, họ không có mảnh chăn đơn, manh áo ấm che thân. Bữa ăn là thứ cơm gạo mục với muối trắng mà vẫn không đủ no; lại còn phải chống đỡ với bệnh tật…

Vậy mà họ vẫn khao khát sống, vẫn thiết tha yêu đời. Đói khát, bệnh tật, nhưng những người bệnh vẫn không hề nản lòng, gắn bó cuộc đời mình với nơi này”.

Những năm đầu, các ô ruộng trũng quanh năm ngập nước, nham nhở đất với đá, bùn lầy, cỏ hoang được các bệnh nhân cùng nhau gieo mạ, trồng lúa. Người bệnh nặng nằm nhà, người bệnh nhẹ ra đồng. Cơ cực đủ điều, phân gio không có, giống cũng không ngoài ít mạ xấu tự gieo lấy.

Các mợ, các chị cùi cụt chân tay, khiếm thị lội bì bõm dưới ruộng bùn buốt giá, vất vả khổ sở cắm những cây mạ già khẳng khiu vẹo vọ. Công sức, mồ hôi đổ ra lớn như nước biển nhưng hạt thóc, hạt gạo thu về nhỏ nhoi như hạt muối. Đói vẫn hoàn đói. Kiếp sống của mấy chục con người không may mắn nơi đây cứ mỏi mòn theo năm tháng…

Mái nhà nhân ái

Nhưng chính trong lúc “họa vô đơn chí” đó, xã hội, cộng đồng và mái nhà nhân ái - nơi có những người thầy thuốc với tấm lòng rộng mở của cái tâm, cái đức - đã dang tay ôm ấp, nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh.

Trách nhiệm đặt lên vai những người thầy thuốc và cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phong Chí Linh thật nặng nề, nhằm điều trị, khôi phục chức năng cơ học - trí tuệ và tạo dựng cuộc sống cho bệnh nhân.

 “Có thực mới vực được đạo. Thôi thì từ giám đốc cho tới các nhân viên ngày ngày phơi mặt “gõ cửa” các cơ quan tỉnh, huyện, hết khối nhà nước lại chuyển sang khối đoàn thể, tổ chức, hội, hợp tác xã… để xin, vay, mượn những thứ gì gọi là vật chất, đồ nghề phục vụ cuộc sống mưu sinh thường nhật cho hàng trăm con người” - bác sĩ Tầm nhớ lại quãng ngày cơ cực đi xoay xở kiếm miếng cơm manh áo về cho đơn vị.

Mấy chục năm qua, cuộc sống của những người bệnh, từ chỗ quạnh hiu, đói rách đến nay trở thành tổ ấm, no đủ, chứa chan tình người. Đó là cả một quá trình lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, không ngại khó, ngại khổ của những con người nơi đây.

Bệnh nhân tại Bệnh viện Phong Chí Linh được nhiều tổ chức xã hội quan tâm, thăm hỏi. 

Bệnh nhân tại Bệnh viện Phong Chí Linh được nhiều tổ chức xã hội quan tâm, thăm hỏi. 

Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh Nguyễn Quang Cương cho biết bệnh viện đang có trên 200 bệnh nhân, trong đó phần lớn là những người tàn phế nặng, phải điều trị tại nhà do cụt, rụt chân tay, mù mắt… Toàn bộ khu điều trị gồm: khu điều trị tích cực, khu điều trị bệnh nhân tàn phế nặng, khu bệnh nhân nhẹ - độc thân, khu gia đình bệnh nhân và khu các công trình công cộng.

Đặc biệt, làng Nhân ái hiện đang có trên 70 cặp vợ chồng là bệnh nhân. Họ đến với nhau tự nhiên và tự nguyện bằng tình thương đồng cảm: trai bị vợ con, gia đình hắt hủi, gái bị chồng ruồng bỏ… khi đến đây điều trị, sinh sống rồi dần dần nên vợ nên chồng. Mỗi cặp vợ chồng được cấp 200m2 đất, một khoản kinh phí để làm nhà, tăng gia sản xuất.

Hầu hết hộ gia đình có nhà cửa tươm tất, công trình phụ gọn gàng sạch sẽ, trong nhà có giường, tủ, bàn ghế, tivi, tủ lạnh… Gia đình nào cũng có vườn cây ăn quả trồng các loại vải, nhãn, na, cam, chanh, bích đào… đang cho thu hoạch. Và nhiều hộ xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ lâu, làng phong đã xây dựng “Bản nội quy tự quản” gồm 55 điều, là cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho từng bước đi của tập thể, mỗi con người nơi đây. Bản “Hương ước” giúp bà con gần gũi, gắn liền với nhau, mọi người tự lấy đó làm thước đo, phấn đấu vươn lên hoàn thiện chính mình, góp phần xây dựng làng phong thành nông thôn mới giàu đẹp, có văn hóa.

Những lớp học tình thương được mở đều đặn do các thầy cô giáo của xã, huyện về dạy. Làng có nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ thể dục thể thao, đồng thời có cả chùa, miếu, nhà thờ phục vụ tự do tín ngưỡng. Nhiều đội thợ mộc, xây dựng, may, điện nước… được thành lập  mà thợ đều là những bệnh nhân tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm.

Toàn khu có 4 hồ với tổng diện tích trên 10.000m2 để nuôi cá, mỗi năm thu hoạch hàng tấn cá. Một giàn máy xay xát nghiền thức ăn gia súc đủ cung cấp thức ăn cho hàng tấn thịt lợn, gà xuất chuồng mỗi năm.

Đồi hoang đất đỏ một thời toàn cỏ lau, bùn nước, ruộng lúa nham nhở nay đã trở thành rừng vải hơn 4.000 cây cho thu hoạch vài trăm triệu đồng/năm…

Làng phong Chí Linh không biết tự bao giờ có tên Nhân ái. Lòng nhân ái của tập thể cán bộ, y - bác sĩ , nhân viên khu điều trị phong thật đáng trân trọng.

Các tin khác