Lan tỏa giá trị nhân văn, bản sắc dân tộc

Ghi nhận nét độc đáo qua ống kính

Ghi nhận nét độc đáo qua ống kính

(ĐTTCO) - … So với 2 cuộc thi trước: “Những khoảnh khắc của cuộc sống” (2013-2014) và “Thành tựu 40 năm thống nhất đất nước” (2014-2015), cuộc thi Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016 “Ấn tượng Đất nước - Con người Việt Nam” có đề tài rộng hơn, tác phẩm gửi về nhiều hơn. Các tác phẩm dự thi đã khắc họa sự thay đổi, “lột xác” của các địa phương sau hơn 40 năm đất nước thống nhất; những nét đặc sắc và độc đáo ở các vùng miền gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng; hình ảnh con người Việt Nam với các nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.

Mảng đề tài phản ánh về cảnh quan, thiên nhiên của đất nước chiếm phần lớn các tác phẩm tham gia cuộc thi. Đó là chùm ảnh Kiệt tác non nước Tràng An của Vũ Đức Phương khắc họa về quần thể Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, một danh thắng với các dải núi đá vôi, các hang động kỳ ảo, những khu rừng đặc dụng, những thung lũng, sông ngòi uốn lượn, hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy.

Ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM (bìa phải) và ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP, Trưởng Ban Tổ chức (thứ 3 từ trái qua) trao kỷ niệm chương và hoa cho các đơn vị đồng hành cùng cuộc thi. Ảnh LONG THANH

Ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM (bìa phải)
và ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP,
Trưởng Ban Tổ chức (thứ 3 từ trái qua)
trao kỷ niệm chương và hoa cho các đơn vị đồng hành cùng cuộc thi. Ảnh LONG THANH

Để có được những bức ảnh độc đáo trong Vũ điệu Tràm Chim, tác giả Vũ Đức Lợi đã “mai phục” trong Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) trong một thời gian khá dài, công phu, ghi lại những khoảnh khắc kỳ thú, sinh động và ấn tượng về các loài chim quý hiếm và sinh hoạt đời thường của chúng. Tác giả Vũ Minh Đức vác máy ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), săn tìm những dấu tích độc nhất vô nhị được tạo nên bởi các lớp dung nham phun trào của núi lửa cách đây khoảng 10-30 triệu năm, qua tác phẩm Độc đáo trầm tích núi lửa.

Để có phóng sự ảnh Bức họa tuyệt sắc, tác giả Lã Anh đã dùng chiếc mô tô 250 phân khối, “phượt” lên Hoàng Su Phì, một huyện vùng cao biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang - cực Bắc của Tổ quốc, ghi lại những hình ảnh khiến người đọc không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thiên nhiên và sự khéo léo của con người tạo nên lớp lớp ruộng bậc thang trên những núi đồi mờ sương. Từ vùng cao trở về đồng bằng, người đọc sẽ được thưởng lãm nét độc đáo qua tác phẩm Làng kho cá Đại Hoàng. Đặc sản này của quê hương nhà văn nổi tiếng Nam Cao, không chỉ là món ẩm thực ưa chuộng của thực khách sành ăn trong nước, mà còn xuất khẩu sang Nga, Đức, Italia… Cũng giới thiệu về ẩm thực còn có Hấp dẫn chợ đêm Bến Thành của tác giả Minh Trí. Đây là địa chỉ quen thuộc du khách trong và ngoài nước khó có thể bỏ qua khi đến TPHCM. Mỗi đêm, chợ đón khoảng gần 1.000 lượt khách tham quan, mua sắm hay đơn giản chỉ để hiểu thêm về một nét văn hóa của Sài Gòn - TPHCM, nơi lưu dấu nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP, Trưởng Ban Tổ chức (phải) và bà Dương Thị Hằng, đại diện Tập đoàn Vingroup, trao giải Ba cuộc thi Phóng sự - Ký sự cho các tác giả.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP,
Trưởng Ban Tổ chức (phải) và bà Dương Thị Hằng, đại diện Tập đoàn Vingroup,
trao giải Ba cuộc thi Phóng sự - Ký sự cho các tác giả.

Nhắc đến những nét riêng, đặc sắc không thể không nói đến phố cổ Hội An hàng trăm năm tuổi. Với con mắt của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tác giả Văn Khánh đã lưu lại những nét rêu phong, cổ kính của đô thị cổ này trong tác phẩm Thâm nghiêm Hội An. Từ các góc phố, con hẻm nhỏ đến hội quán xưa, giếng nước cổ, mái ngói rêu phong… đã được tác giả ghi lại một cách sinh động và có phần hoài cổ.

Mảng đề tài khác cũng được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác, là chủ quyền biển đảo quê hương. Tác phẩm Đạp sóng đi tới của Nguyễn Khánh, là một người không chịu được sóng to, nhưng vì đam mê nghề nghiệp, anh đã không ngại ra đảo để ghi lại hình ảnh sinh hoạt thường ngày các cán bộ, chiến sĩ và công nhân ở các nhà giàn. Và cũng vượt qua nỗi sợ hãi sóng to gió lớn, tác giả Nguyên Khôi đã theo tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II ra Hoàng Sa cứu ngư dân gặp nạn. Nguy hiểm hơn, khu vực này luôn bị tàu Trung Quốc quấy phá, nhưng các thuyền viên tàu SAR 412 vẫn bình tĩnh, khôn khéo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những hình ảnh đẹp này đã được  Nguyên Khôi ghi lại trong tác phẩm Biệt đội cứu ngư dân.

Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP (thứ 2 phải qua) và đại diện Tập đoàn Sungroup (trái) trao giải cho các tác giả đoạt giải Tư cuộc thi Phóng sự ảnh.

Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP (thứ 2 phải qua)
và đại diện Tập đoàn Sungroup (trái) trao giải cho các tác giả đoạt giải Tư cuộc thi Phóng sự ảnh.

Những tấm gương lay động lòng người

Các bài dự thi thể loại Ký sự - Ghi chép có số lượng gửi về tham gia rất phong phú. Vùng đất mới phương Nam với trọng điểm là Đồng Tháp Mười, từ một chiến trường ác liệt nay đã hoàn toàn thay đổi, khi trở thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển. Ước mơ của nhà cách mạng Chín Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, cũng là mơ ước của bao con người gắn bó vùng đất giàu tiềm năng, bây giờ đã thành hiện thực. Đó là “biến khu đất trũng Láng Sen thành hồ chứa lũ để giữ lại nguồn nước cùng các nguồn lợi quý hiếm, đặc trưng của Đồng Tháp Mười”. Ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười của nhà báo Khuynh Diệp đã khắc họa điều ấy bằng bút pháp tinh tế lôi cuốn bạn đọc. Cuộc sống hôm nay có những con người xả thân vì cộng đồng, không cam chịu đói nghèo, thể hiện qua bài viết Khát vọng tìm “đường sống” đổi đời nông dân của nhà báo Lê Bình. Ông Lâm Văn Hộ, Chủ nhiệm HTX Lâm Phát Hưng đã lặn lội ra nước ngoài tìm hiểu mô hình sản xuất mới, về nước thuê đất nông trường trồng chuối cấy mô, thuê nông dân làm “công nhân nông nghiệp” mở ra một hướng đi mới, hiệu quả cho cả vùng. Sản phẩm không đủ xuất khẩu theo đơn hàng các nước.

Kênh đào chiến lược Võ Văn Kiệt mang lại nhiều lợi ích cho cả một vùng rộng lớn Tứ giác Long Xuyên qua bài viết Đổi thay trên dòng kênh “Ông Kiệt” của tác giả Vĩnh Thuận. Việc con kênh được đặt tên người đưa ra ý tưởng đào kênh cũng là một nghĩa cử tốt đẹp của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. ĐBSCL còn gây ấn tượng về sự đổi mới không ngừng qua những trang viết, như: Bạc Liêu thời để nhớ của Sáu Nghệ; Về với U Minh Thượng của Đặng Hoàng Thám…

Ngược về Sài Gòn - TPHCM và miền Đông Nam bộ, chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh ấn tượng. Bài viết Nhân nghĩa Đồng Ông Cộ của Nguyễn Tường Lộc, bằng những cứ liệu từ thời chiến đến thời bình, tác giả đã gây ngạc nhiên về một vùng ruộng vườn ngoại ô Sài Gòn trước đây với những dấu ấn lịch sử đấu tranh cứu nước, bây giờ đã thành vùng nội thành với phố xá sầm uất. Điều đáng nói là nơi đây vẫn tiếp nối mạch sống sâu nặng tình làng nghĩa xóm dù cảnh vật có đổi thay.

Có những điển hình quen thuộc như GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, 71 tuổi và gần 50 năm theo ngành y, được biết đến là thầy thuốc, nhà quản lý dày công trong việc xây dựng ngành ung bướu học và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư ở TPHCM và khắp cả nước. Ông ví cuộc đời mình như khóm lục bình, lặng lẽ trổ bông dâng tặng cho đời: “Cuộc đời như lục bình trôi. Nước chảy, chảy theo nước. Nước trở lại, quay theo dòng. Cuộc đời vốn không suôn sẻ, không phải mọi việc đều theo ý mình. Cứ trôi nổi, bồng bềnh… dặt dìu đủ thứ chuyện, tưởng trôi lè phè vậy thôi nhưng lại vừa trôi, vừa trổ bông. Chỉ cần một chút nắng, chút mưa, chút khí trời, một chút phù sa của đời… không đòi hỏi gì nhiều”.

Để có cuộc sống hôm nay, thế hệ sau không quên trách nhiệm đối với người đã ngã xuống. Bài viết Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội của Thượng tá Lê Huy Chung thật cảm động. Hơn 15 năm, Đội K72 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã lặn lội sang đất bạn Campuchia quy tập được 2.376 hài cốt liệt sĩ các thời kỳ chiến tranh đưa về Tổ quốc, và tìm mọi cách để xác định danh tính những người bị mất dấu tên tuổi. Một hành trình gian khó và đáng trân trọng xiết bao. Tác giả Mai Thắng với ký sự công phu Những cột mốc sống trên biển: Hải trình đầu tiên tái hiện hình ảnh những chiến sĩ tiên phong vượt qua sóng gió hiểm nguy để cắm những cột mốc chủ quyền bằng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Gian khổ và hy sinh, đau đớn và tự hào, những con người một thời thầm lặng ấy xứng đáng được tôn vinh.

Miền Trung cũng là vùng đất có nhiều bài dự thi đề cập đến. Ngoài những đổi thay của miền nắng lửa mưa dầu luôn hứng chịu thiên tai, ở đây luôn xuất hiện những con người kỳ lạ. Đó là hai trí thức dân tộc thiểu số Ka Sô Liễng người Chăm H’roi và Y Điêng người Êđê qua sự tái hiện chân dung của cây bút Đào Tấn Trực. Cả hai ông sau khi bôn ba từ Nam chí Bắc, hoàn thành trách nhiệm người lính thời chiến, đã quay trở về núi rừng quen thuộc ở miền Tây tỉnh Phú Yên để sống, sáng tác, sưu tầm lưu giữ những di sản văn hóa đặc sắc quý giá của tổ tiên.

Nhìn chung, các bài thi đều được đầu tư kỹ càng, từ cách chọn đề tài điển hình, đến diễn đạt, bút pháp khá độc đáo. Qua đó, những tấm gương, con người cao đẹp, những công trình ý nghĩa hay những vùng đất đổi thay cho thấy sức sống mới của đất nước ta hôm nay, đã được phản ánh sinh động trên 107 số báo, góp phần tạo nên thành công của cuộc thi.

Thay mặt Ban Tổ chức tôi trân trọng cảm ơn các tác giả mọi miền đất nước đã nhiệt tình gửi tác phẩm tham dự, góp phần tạo sự thành công cuộc thi; cảm ơn các thành viên Hội đồng Giám khảo đã làm việc nhiệt tình, công tâm thể hiện ở điểm số các tác phẩm giải cao rất sít sao, bình chọn các tác phẩm đoạt giải mang tính đồng thuận cao.

Các tin khác