Không trao quyền khó bảo tồn di sản

(ĐTTCO) - Mặc dù có chủ trương “bảo tồn vì phát triển và phát triển để bảo tồn”, nhưng áp lực của việc phát triển du lịch vẫn trút lên vai các di sản ở Việt Nam, trong đó có cả các di sản thế giới với nhiều quy định nghiêm ngặt. Ngành du lịch luôn cam kết mục tiêu bảo vệ di sản, nhưng chính cơ quan quản lý lại chưa được trao quyền đầy đủ, khiến cho di sản luôn đặt trong những mối nguy bị xâm hại từ nhiều phía.    

Tăng lượng khách, tăng sức ép
So với các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái thường mang tính mùa vụ cao do ảnh hưởng của thời tiết; du lịch văn hóa, du lịch di sản là những dòng sản phẩm có thể duy trì ổn định và khai thác đều đặn trong suốt năm. Bởi vậy, với sự tăng trưởng lượng khách đều đặn trong vài năm gần đây, tác động của du lịch tới các khu, điểm di sản của Việt Nam không hề nhỏ, trong đó có cả yếu tố tích cực và tiêu cực. 
Mặc dù lượng khách tham quan nhiều sẽ kéo theo nguồn thu từ du lịch tăng cao, tạo cơ hội tái đầu tư cho di sản, hỗ trợ công tác quảng bá, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch một cách mạnh mẽ trong khi tại các điểm di sản, di tích chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan đã làm cho di sản có nguy cơ bị xâm hại hoặc chịu hậu quả do ô nhiễm, do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
Có thể thấy tại nhiều khu vực di sản trong thành thị, những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát. Tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi, chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn, phản cảm... làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích.
Không trao quyền khó bảo tồn di sản ảnh 1 Di sản thế giới Mỹ Sơn  đang xuống cấp. 
Đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh, hàng năm UNESCO vẫn có những kiến nghị về công tác bảo tồn, liên quan đến vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An. Cụ thể, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, cho rằng ở Việt Nam, việc định nghĩa và phân loại các di sản đặc biệt, thủ tục phê duyệt và quy trình thực hiện một dự án khôi phục hay xây dựng bất kể quy mô của dự án còn phức tạp, trong khi việc quản lý vùng đệm vẫn còn rất lỏng lẻo và gây áp lực ngày càng tăng trên vùng lõi. Ông Croft đưa ra các thí dụ điển hình như khu hạ tầng giải trí lớn ở vịnh Hạ Long và xây dựng các hạng mục bê tông ở trên cồn đất hạ lưu sông Thu Bồn bên cạnh phố cổ Hội An… 
Một trong những lý do được cơ quan quản lý đưa ra bởi tình trạng “xã hội hóa các di sản”. Báo cáo thực trạng quản lý di sản do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cũng phải thừa nhận: “Trên thực tế, hiện nay còn nhiều di tích bị sửa chữa sai quy cách, nhất là các di tích được sửa chữa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Một phần do sự thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân ở các địa phương. Một phần do những người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công muốn di tích được “xứng tầm”, hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến làm mới di tích”. 
Điều đáng nói, sau khi bị phanh phui, yếu tố “xã hội hóa” trở thành một nguyên nhân để cơ quan quản lý vin vào khiến di sản bị xâm hại, trong khi địa bàn quản lý và chế tài xử phạt nằm trong chức năng quản lý của chính họ. Điều này cho thấy việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng, dù đó là di sản của thế giới, quốc gia hay từng địa phương. 
Không trao quyền khó bảo tồn di sản ảnh 2 Dinh thự 100 tuổi của vua Mèo đang tranh chấp quyền sở hữu. 
Quy hoạch chồng quy hoạch
Không chỉ chịu áp lực môi trường, do việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, các nút thắt trong cơ chế quản lý hiện tại gây khó khăn cho sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chính phủ, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và thực thi pháp luật. Trong đó, ở cấp Trung ương, quyền lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý di sản thế giới được thể hiện trong rất nhiều luật, như Luật Di sản văn hóa và các nghị định về quản lý Di sản văn hóa và Di sản Thế giới, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Du lịch… Tuy nhiên, các luật này có không ít chồng chéo. 
Chẳng hạn, các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới thực hiện theo quy trình thẩm tra, thẩm định của “cơ quan chuyên môn về xây dựng” trực thuộc Bộ Xây dựng, gây ra sự chồng chéo với thẩm quyền của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, làm cho các dự án tu bổ di tích thường bị kéo dài tiến độ so với kế hoạch, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án.
Đã từng có hiện tượng trong cùng một di tích phải lập nhiều quy hoạch dẫn tới chồng chéo trong quản lý, lãng phí nguồn lực không cần thiết, như Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hiện có tới 4 quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 209/QĐ-TTg ngày 8-2-2015; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2128/QĐ-TTg ngày 29-12-2017; Quy hoạch phát triển du lịch bền vững khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2010-2020 được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định 2822/QĐ-UBND ngày 1-11-2010 và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 đang thực hiện. 
Những sự chồng chéo trong các quy định này cũng làm khó cho các hoạt động bảo tồn di sản tại địa phương. Khi chính quyền, sở ban ngành và các ban quản lý khu di tích phân quyền chồng chéo, hoặc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khiến di sản rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Hoặc có những quyết định vượt quá thẩm quyền của Ban quản lý Di sản, nhưng khi kiến nghị vượt cấp lại vướng nhiều rào cản.
Chẳng hạn như khu di tích Mỹ Sơn, nhiệm vụ của Ban quản lý Di sản Thế giới Mỹ Sơn tập trung vào việc bảo vệ di sản và hoạt động kiểm tra giám sát hàng ngày, nhưng hạn chế về khả năng và đầu tư vào nguồn nhân lực bảo tồn kỹ thuật. Trong khi đó, cơ quan được ủy thác về bảo tồn là Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, lại có trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, cách xa khu di tích. 
Một trong những mối quan tâm của các chuyên gia với di sản này là khả năng đảm bảo quy trình phục hồi di tích Chăm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn, luật pháp và quy định quốc gia. Tuy nhiên trong những năm qua, việc sử dụng các tài liệu phục hồi không thích hợp và quá trình khảo cổ trái với luật pháp và quy định quốc gia, đã tác động đối với tính xác thực di sản.  Chính rào cản cho sự thống nhất quản lý của nhà nước đã tạo kẽ hở cho quy trình thực thi và cản trở những hoạt động đầu tư, tu bổ dài hạn, có chất lượng.

Các tin khác