Khát vọng Lý Sơn

1. Những bậc cao niên ở Lý Sơn bảo rằng, hòn đảo này là nơi hội tụ của văn hóa tâm linh vùng biển độc đáo với nhiều nghi lễ truyền thống có từ ngày khai lập và đồng hành với cuộc sống của cư dân. Nơi ấy, các phong tục, tín ngưỡng cũng hiền hòa, gần gũi như những người dân miền biển chất phác, thật thà. Hầu hết các cư dân đảo đều chọn cho mình một hoặc nhiều tôn giáo nhưng sự lựa chọn ấy đơn thuần chỉ là tìm một điểm tựa tinh thần để có thể chống chọi với thiên tai, bão tố. Lý Sơn là nơi có rất nhiều công trình tôn giáo nhưng tất thảy gần như chỉ là nơi thờ cúng, tri ân tổ tiên; nơi nương tựa của những tâm hồn đã khuất của người con giữ đảo, giữ biển. Đặc biệt, ở Lý Sơn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa bi tráng và vô cùng thành kính, thiêng liêng được tổ chức vào tháng 3 hằng năm, để tri ân các hùng binh đã không ngại hy sinh giương buồm ra khơi, dựng bia, cắm mốc chủ quyền Hoàng Sa, khẳng định cột mốc chủ quyền ngàn đời của nước Việt trên Biển Đông. Phong tục tốt đẹp và giàu ý nghĩa lịc

(ĐTTCO) - Từ đảo tiền tiêu Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người dân đang mong đợi và đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội lần thứ XII của Đảng. Với niềm tin son sắt, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện đảo mong mỏi Đại hội lần này sẽ đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời để đưa kinh tế các vùng biển đảo, trong đó có Lý Sơn phát triển hơn nữa, nâng cao đời sống ngư dân đang đêm ngày bám biển làm giàu và bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Những bậc cao niên ở Lý Sơn bảo rằng, hòn đảo này là nơi hội tụ của văn hóa tâm linh vùng biển độc đáo với nhiều nghi lễ truyền thống có từ ngày khai lập và đồng hành với cuộc sống của cư dân. Nơi ấy, các phong tục, tín ngưỡng cũng hiền hòa, gần gũi như những người dân miền biển chất phác, thật thà. Hầu hết các cư dân đảo đều chọn cho mình một hoặc nhiều tôn giáo nhưng sự lựa chọn ấy đơn thuần chỉ là tìm một điểm tựa tinh thần để có thể chống chọi với thiên tai, bão tố. Lý Sơn là nơi có rất nhiều công trình tôn giáo nhưng tất thảy gần như chỉ là nơi thờ cúng, tri ân tổ tiên; nơi nương tựa của những tâm hồn đã khuất của người con giữ đảo, giữ biển. Đặc biệt, ở Lý Sơn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa bi tráng và vô cùng thành kính, thiêng liêng được tổ chức vào tháng 3 hằng năm, để tri ân các hùng binh đã không ngại hy sinh giương buồm ra khơi, dựng bia, cắm mốc chủ quyền Hoàng Sa, khẳng định cột mốc chủ quyền ngàn đời của nước Việt trên Biển Đông. Phong tục tốt đẹp và giàu ý nghĩa lịch sử, xã hội này đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2013.

 Thu hoạch hành trên đảo Lý Sơn.

Thu hoạch hành trên đảo Lý Sơn.  

Tuy đã được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo nhưng trước tiến trình đô thị hóa, các di sản văn hóa ở Lý Sơn không thể tránh khỏi bị mai một. Ông Lê To, ở Thôn Đông, xã An Hải cho biết: Tại Đại hội lần này, tôi hy vọng Đảng sẽ đề ra những phương hướng, nhiệm vụ mới trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cả nước nói chung, văn hóa vùng biển Lý Sơn nói riêng, trong đó có những phong tục tốt đẹp như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tôi cho rằng, có quyết tâm làm tốt việc này thì các thế hệ con cháu mai sau mới có cái để tự hào, học hỏi và kế thừa nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đó cũng là cách làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng biển, đáp ứng yêu cầu của xây dựng và bảo vệ nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

2. Cư dân Lý Sơn sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Với hơn 400 chiếc tàu công suất lớn và hàng nghìn lao động, sản lượng đánh bắt của Lý Sơn chiếm khoảng 40% sản lượng khai thác thủy sản của cả tỉnh Quảng Ngãi. Quan trọng hơn là đảo tiền tiêu đã phát triển, duy trì đội tàu đánh bắt xa bờ kiên định bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách phát triển thủy sản nhưng với đặc thù của nghề biển ở Lý Sơn, nhiều ngư dân đảo mong mỏi tại Đại hội lần này, Đảng đề ra chủ trương quan tâm đặc biệt đến nghề khai thác biển trên cả nước, trong đó có Lý Sơn.

Ông Dương Minh Thạnh (62 tuổi), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ mang số hiệu QNg 96509 TS gửi gắm: Tôi mong Nhà nước sớm có cơ chế tín dụng đặc thù cho ngư dân Lý Sơn vay vốn đóng tàu cá công suất lớn bảo đảm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa dài ngày. Với kinh nghiệm khai thác hải sản ở hai ngư trường truyền thống này, đội tàu Lý Sơn sẽ vừa đánh bắt hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ biển đảo. Hiện tại, nhiều ngư dân Lý Sơn đã được vay vốn đóng tàu công suất lớn nhưng thủ tục vay còn rườm rà, thời gian kéo dài. Với chủ trương và mong muốn không ngừng bám biển; tôi mong rằng đối với ngư dân Lý Sơn, các khâu thực hiện thủ tục vay được giảm bớt; điều kiện vay cũng nên dễ dàng hơn; hạn mức vay tăng hơn hiện tại để ngư dân có thể nhanh chóng đóng được tàu lớn, hạ thủy, vươn khơi.

Ở Lý Sơn, người dân sống chủ yếu vào hai nghề chính là đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Nghề biển thì chỉ có đàn ông tham gia, phụ nữ ở nhà chăm lo gia đình, phụ giúp những việc vặt. Nghề nông với hai cây trồng truyền thống là hành, tỏi nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do phải nhường đất cho các công trình, dự án. Vì vậy, nhiều gia đình ở đảo bị thu hồi đất, không còn đất để trồng hành, tỏi dẫn đến mất việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tình trạng phụ nữ thiếu việc làm ngày càng tăng cao, nhất là phụ nữ ở đảo Bé - xã đảo An Bình. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, mỗi năm đảo Bé chỉ sản xuất được một vụ hành, tỏi trong khoảng thời gian 4 - 6 tháng cuối năm. Vì thế, thời gian còn lại trong năm phụ nữ ở đây không có việc làm.

Chị Nguyễn Thị Lý Lệ, Thôn Đông, xã An Vĩnh mong rằng, thời gian tới chính quyền và ngành chức năng cần tìm giải pháp tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là việc làm cho phụ nữ vùng biển, đảo, trong đó có Lý Sơn. Mong có sự quan tâm thỏa đáng để có những quyết sách hợp lý, kịp thời giải quyết việc làm, để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách mọi mặt của phụ nữ giữa các đối tượng, vùng miền trong cả nước.

Đảo Lý Sơn đổi thay nhiều kể từ khi có điện lưới quốc gia. Từ ngày có điện, hoạt động thu hút du lịch ở đây có nhiều khởi sắc. Lượng khách du lịch ra tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch còn chưa bền vững vì nhiều lý do. Theo thống kê của các nhà hàng, khách sạn và các tour du lịch biển đảo Lý Sơn, trong vòng 3-5 năm, rất hiếm khách du lịch quay trở lại Lý Sơn lần hai. Hầu hết khách đều cho rằng, Lý Sơn chưa níu giữ được chân họ, vì sản phẩm du lịch còn đơn điệu, giao thông chưa thuận lợi. Đặc trưng của Lý Sơn để lại trong lòng du khách là sự thân thiện, mến khách của người dân bản địa. Giọng nói tuy mang đậm âm sắc địa phương hơi khó nghe với nhiều người nhưng lối ứng xử chân tình, cởi mở, thật thà, tạo cảm giác an toàn cho khách. Vì thế, du lịch cộng đồng vẫn là điểm nhấn trong phát triển du lịch Lý Sơn.

Anh Bùi Minh ở đảo Bé - một hướng dẫn viên du lịch mong rằng, sau Đại hội lần này, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi sẽ có nhiều quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn, đặc biệt là kinh tế du lịch. Lý Sơn là điểm đến đầy tiềm năng, nhất là đảo Bé nhưng kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch của người dân đảo chưa nhiều. Nếu có quan tâm đầu tư, hỗ trợ, người dân đảo có thể tự tin để giới thiệu, mời gọi khách du lịch về với đảo Lý Sơn có lẽ hiệu quả của thu hút du lịch sẽ tăng cao. Tôi rất mong được học những lớp kỹ năng làm du lịch của các vùng miền khác, từ cách tổ chức tour đến hướng dẫn du lịch, tổ chức ăn, ngủ cho khách. Bởi khách đến Lý Sơn không chỉ để thưởng lãm cảnh đẹp mà còn có cơ hội hiểu, quảng bá tinh thần kiên trung bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Các tin khác