Họ cần một nụ hoa

Taxi do những người phụ nữ ngồi sau vô lăng không còn là một hình ảnh lạ lẫm ở TPHCM những năm gần đây. Họ đến với nghề lái taxi theo nhiều cách khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh và trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc trước, trong và sau những quãng đường phục vụ khách.

Taxi do những người phụ nữ ngồi sau vô lăng không còn là một hình ảnh lạ lẫm ở TPHCM những năm gần đây. Họ đến với nghề lái taxi theo nhiều cách khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh và trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc trước, trong và sau những quãng đường phục vụ khách.

Nam cực một, nữ cực mười

Nguyễn Văn Trung, người có thâm niên 14 năm lái taxi giờ đang làm một chủ doanh nghiệp dịch vụ vận tải hành khách đã tổng kết trong lúc trà dư tửu hậu: “Ai cũng nghĩ nghề taxi ngồi trong xe bật máy lạnh, đưa khách chạy lòng vòng thành phố là sướng. Vào làm mới thấy “khoai” lắm, cực lắm. Mà nam giới còn đỡ chứ chị em phụ nữ còn nhiều thứ phải lo hơn. Họ cực gấp mười lần chúng tôi”.

Đường thành phố đông đúc, nhất là giờ cao điểm xe cộ đông nghịt đòi hỏi người lái phải có “thần kinh thép”. Với những người phụ nữ lái taxi, sự tập trung của họ được đặt lên hàng đầu vì nếu tính trung bình nam tài xế luôn có tuổi nghề cao hơn và xử lý tình huống cũng tốt hơn. Chị Mỹ Dung, tài xế của hãng S.Taxi, cho biết: “Phương châm của tôi là chậm mà chắc, nhất là lái xe vào giờ cao điểm vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn”. Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, tài xế hãng M.Taxi, kể lại kỷ niệm khi mới vào nghề: “Mới được giao xe tôi run lắm. Chạy Biên Hòa - TPHCM hay ngược lại cũng không dám tự tin. Tháng đầu tiên phải móc tiền túi ra bù lỗ tiền xăng 500.000 đồng vì không đến điểm đón khách kịp các đồng nghiệp khác. Bây giờ quen rồi, tôi có thể tự tin xử lý nhanh tình huống không kém đồng nghiệp nam”.

Phụ nữ ngồi sau vô lăng xe taxi cũng có những nỗi niềm sâu kín. 

 Phụ nữ ngồi sau vô lăng xe taxi cũng có những nỗi niềm sâu kín.

Với nữ lái taxi, trường hợp gặp khách nam say xỉn và có hành động chọc ghẹo, thậm chí thô tục không phải là không có. Chị Thanh Lan kể: “Có một lần tôi chở hai khách say xỉn đi không xa lắm trong nội thành. Đến một nơi vắng vẻ khách đòi xuống nhưng không trả tiền mà còn có biểu hiện trổ mòi… dê xồm. Tôi nghiêm mặt nói: “Nếu các anh không đàng hoàng lỡ có chuyện gì xảy ra nguy hiểm tới tính mạng tôi không chịu trách nhiệm”. 2 người đàn ông nọ nghe vậy mới dừng hành động suồng sã, nhưng khi xe vừa dừng họ lại tiếp tục những hành vi khiếm nhã. Chị Lan vội mở nhanh cửa xe và tri hô lớn. Một số người đi ngang nghe thấy chạy đến can thiệp khiến 2 ông khách có máu dê hốt hoảng bỏ chạy thục mạng và quên luôn cả việc trả tiền cuốc xe vừa đi. “Vừa sợ vì gặp người xấu, vừa tức vì bị quỵt tiền nhưng tôi thấy còn may vì có người đến cứu. Nếu không thì chẳng biết họ còn làm chuyện gì nữa...” - chị Lan nói

Kim Kiều, một nhân viên mới đang ăn lương thử việc của hãng V.Taxi, cho biết vào dịp Tết cô xung phong trực để được hưởng thu nhập gấp 3 lần thu nhập thường ngày. Trong những cơn gió lạnh thổi từ sông Sài Gòn khiến đội ngũ bảo vệ phải khoác thêm áo, Kim Kiều vẫn nhanh nhẹn liên lạc bộ đàm, dẫn khách ra điểm điều phối xe trước tòa nhà The Manor. Vào TPHCM để tìm một cơ hội việc làm và cơ duyên đưa đẩy để Kim Kiều đến với một lĩnh vực mà mình chưa hề nghĩ đến - dịch vụ taxi. Cô nói một cách hạnh phúc: “Có việc để làm là mừng rồi, vì có việc làm còn tốt hơn nhiều so với thất nghiệp, đúng không anh?”.

Đâu chỉ cực khổ, những người phụ nữ ngồi sau vô lăng xe taxi cũng có những nỗi niềm sâu kín mà ở đó mỗi thân phận người còn có những uẩn ức đặc biệt…

 Sau vô lăng là thân phận

Tôi không tiện nêu ra những cái tên thật trong bài viết này, bởi một trong các nhân vật mà người viết tiếp xúc đã tâm sự trong nước mắt: ‘‘Đâu người phụ nữ nào muốn làm công việc nặng nhọc như lái xe mà do hoàn cảnh bắt buộc. Vì sự học của con cái, vì cơm áo gia đình nên có những phụ nữ lái taxi anh à’’.

Người phụ nữ đã có thâm niên 3 năm ngồi sau vô lăng này từng có 2 đời chồng nhưng đều không đăng ký kết hôn. Cả 2 người đàn ông đều bỏ chị đi không lời từ biệt. 2 đứa con cùng mẹ khác cha đều trông vào chị mà không có một khoản trợ cấp nào, không một lời thăm hỏi của người chồng, người cha lý ra phải có trách nhiệm suốt 12 năm nay. Thậm chí, người đàn ông đầu tiên nhận được cuộc gọi của chị chỉ lạnh lùng: “Tôi đã có vợ, đừng làm phiền nữa!”. Anh ta cũng quên luôn món nợ 20 triệu đồng lúc hai vợ chồng vay vốn nuôi bò sữa và bị lỗ...

Chị nói như muốn khóc: “Khi tôi mới vào nghề, người ta soi mói ghê lắm. Họ nghĩ tôi cần việc làm như là cái cớ để tìm một người đàn ông để nương nhờ. Nhưng tôi cũng mặc kệ, vì 2 đứa con nên tôi cứ chú tâm vào công việc”. Suốt 3 năm ròng chị như con chim mẹ tha mồi về tổ nuôi con. Cứ mỗi tối về nhà, 3 mẹ con lại quây quần bên mâm cơm nhỏ mà ấm cúng. Gia đình chị không nghèo, nếu không muốn nói là thuộc dạng có điều kiện nhưng chị chưa một lần ngửa tay xin tiền dù có lúc nhà không còn hạt gạo nào. Chị nói: ‘‘Ba mẹ tôi buồn vì 2 lần ‘‘lầm đò’’ của tôi, còn tôi thì luôn tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. 2 đứa con của tôi không có lỗi nên bằng mọi cách tôi phải nuôi chúng nên người”.

Chị tổng kết bằng những câu hỏi: ‘‘Đâu có người đàn bà nào lái xe hơi mà là xe taxi lại giàu? Đâu có người đàn bà nào lái taxi thấy vợ chồng con cái người khác đi xe mình cười đùa hạnh phúc, tặng hoa tặng quà cho nhau mà không chạnh lòng?...’’. Dịp 8-3 năm nay, nếu đi chuyến taxi nào đấy do một ‘‘cô lái taxi’’ ngồi sau vô lăng tôi sẽ tặng một bông hoa để người phụ nữ ấy không bị lãng quên trong cái ngày mà thế giới  tôn vinh họ.

Các tin khác