Hào hứng lăn theo trái bóng

Không phải chờ đến mùa hè nóng bỏng không khí Euro 2012 đồng diễn ra ở Ba Lan và Ukraine, nhân loại mới thừa nhận sức hấp dẫn của bóng đá. Từ rất lâu, sự thăng hoa trên sân cỏ đã góp phần thăng hoa cho hàng triệu trái tim trên thế giới. Và tất nhiên, giới nghệ thuật nhiều mơ lắm mộng cũng không đứng ngoài nỗi hân hoan vô tận của các tín đồ túc cầu giáo.

Không phải chờ đến mùa hè nóng bỏng không khí Euro 2012 đồng diễn ra ở Ba Lan và Ukraine, nhân loại mới thừa nhận sức hấp dẫn của bóng đá. Từ rất lâu, sự thăng hoa trên sân cỏ đã góp phần thăng hoa cho hàng triệu trái tim trên thế giới. Và tất nhiên, giới nghệ thuật nhiều mơ lắm mộng cũng không đứng ngoài nỗi hân hoan vô tận của các tín đồ túc cầu giáo.

1. Nhiều ca khúc về môn thể thao vua ra đời, mang theo giai điệu rộn ràng đến với mỗi trận tranh tài sôi động. Ca khúc bóng đá không chỉ dành cho các cầu thủ, mà lan tỏa trong đời sống các cổ động viên. Ca khúc được nhiều cổ động viên yêu thích nhất trên hành tinh là “You’ll never walk alone” thường hát vang trên các khán đài khắp 5 châu.

Ý niệm “bạn không bao giờ độc hành” được danh ca John Farnham biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp lần đầu tiên năm 1972, sau đó gần như trở thành “bóng đá ca” của người hâm mộ các câu lạc bộ nổi tiếng như Livepool, Bayern Munich, AS Roma, AC Milan và gần đây có cả phiên bản tiếng Nhật theo chân các cổ động viên câu lạc bộ FC Tokyo ở xứ sở mặt trời mọc.

Không chỉ quyến rũ bằng tiết tấu, ca khúc “You’ll never walk alone” còn truyền tải nhiều ý niệm thú vị rằng “có những chuyến đi dịu dàng và có những chuyến đi sóng dậy, tôi vẫn muốn bạn nhớ một điều và tôi vẫn muốn bạn biết một điều, đó là bạn sẽ không lẻ loi đâu”.

Ca khúc trên được 3 giọng opera tenor lừng danh Jose Carreras, Placido Domingo, Luciano Pavarotti trình bày năm 1998 và đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh. Cuối năm 2001, nữ danh ca Barbara Streisand hát bài bất hủ này ở lễ trao giải Emmy nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11-9.

Và hiện nay, ca khúc “You’ll never walk alone” luôn được nhiều thí sinh chọn để khoe chất giọng tại các cuộc thi Thần tượng âm nhạc ở châu Âu và châu Mỹ.

Nói đến chuyện bóng đá nước nhà, có một cuộc vận động sáng tác về bóng đá khá quy mô đã thu hút nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tham gia, đã cho ra đời những ca khúc như “Chỉ có một con đường”, “Vùng lên Việt Nam”, “Quyết chiến trận này”, “Sút sút sút”…

Và ca khúc được ưa chuộng nhất có lẽ là “Tôi yêu bóng đá” của nhạc sĩ Trần Tiến với lời ca: “Tôi yêu bóng đá khi tôi còn đang bé thơ. Tôi mơ trong giấc mơ những khung thành tan vỡ. Ra sân tôi đã quên chính tôi rồi bạn ơi. Quả bóng bay lên trái tim tôi không nằm yên”.

Đặc biệt, ca khúc “Tôi yêu bóng đá” do chính Trần Tiến thể hiện bằng động tác nhăn trán nhíu mày hoặc vung tay vung chân lúc ngân nga những từ đệm “ồ ố ô… í a í a í à” lôi cuốn nhiều khán giả.

2. Bóng đá được coi là môn thể thao vua. Trong nghệ thuật, điện ảnh là bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa bóng đá và điện ảnh rất đáng để chờ đợi và hy vọng. Vua bóng đá Pele năm 1981 được mời sang Hoa Kỳ tham gia bộ phim “Chiến thắng”.

Dù được đóng chung với tài tử lừng danh thời điểm ấy là Sylvester Stallone, huyền thoại bóng đá vẫn khẳng khái: “Không có tác phẩm nghệ thuật nào có thể phản ánh hết những nghịch lý kỳ thú và những xúc động mãnh liệt của sân cỏ”.

Vẫn biết vậy, nhưng những nhà điện ảnh thiện chí với cuộc đời đâu cho phép màn bạc thờ ơ với nhịp điệu sân cỏ vốn đã trở thành một phần vui buồn nhân loại. Vốn sẵn niềm tự hào là cái nôi của bóng đá, người Anh có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật hướng đến sân cỏ.

Từ cuốn tiểu thuyết của Leonard Gribble, bộ phim “Bí ẩn trên sân vận động Arsenal” đã ra đời vào năm 1939, đánh dấu sức hấp dẫn của túc cầu giáo không chỉ mở đầu và kết thúc ở tiếng còi trọng tài. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, điện ảnh Xô Viết hùng mạnh cũng xuất hiện 2 bộ phim về bóng đá lôi cuốn người xem là “Đội bóng phố tôi” và “Hiệp ba”.

Cổ động viên hào hứng trước trận khai mạc Euro 2012.

Cổ động viên hào hứng trước trận khai mạc Euro 2012. 

FIFA từng dự kiến tổ chức một hội thảo về những bộ phim liên quan đến sân cỏ, nhằm thành lập một trung tâm lưu trữ những tác phẩm nghệ thuật thứ bảy trứ danh dành cho người hâm mộ bóng đá.

Rất tiếc đến nay dự án ấy vẫn chưa thực hiện được và tạm thời mỗi quốc gia đều có bảng xếp hạng riêng đối với những bộ phim về bóng đá.

Thí dụ, các cổ động viên bóng đá Pháp hãnh diện giới thiệu 3 bộ phim “Nỗi kinh hoàng của thủ môn trước cú phạt đền” sản xuất năm 1971, “Cú đánh đầu” sản xuất năm 1979 và “Giết chết trọng tài đi” sản xuất năm 1990. Ngược lại, người Anh cho rằng bộ phim “Thẻ vàng” sản xuất năm 1997, chuyển thể từ tiểu thuyết của Nick Hornby là bộ phim hay nhất hành tinh nói về bóng đá.

Còn người Đức có bộ phim “Điều kỳ diệu ở Bern” sản xuất năm 2003, thu hút hơn 3 triệu khán giả ngay tháng đầu tiên trình chiếu.

Tuy nhiên, muốn hiểu sức mạnh của điện ảnh phải ngước mắt nhìn về Hollywood. Đành rằng, bóng đá Hoa Kỳ chưa vượt trội, nhưng công nghệ làm phim của Hoa Kỳ đã đạt đến mức chuyên nghiệp. Muốn có một bộ phim kinh điển về bóng đá, cách duy nhất là khơi dậy tình yêu sân cỏ từ những nhà làm phim Hoa Kỳ.

Sau bộ phim “Người anh hùng của ngày hôm qua” sản xuất năm 1980 với ngôi sao điện ảnh Adam Faith và bộ phim “Ngày thứ bảy đã đến” sản xuất năm 1995 với ngôi sao Sean Bean, đến nay Holywood vẫn chưa hứng thú tiếp tục đầu tư thêm một bộ phim nào về bóng đá.

Nền điện ảnh của chúng ta dù chưa nhiều nhưng cũng đã có 3 bộ phim đáng nhớ về bóng đá. Đầu tiên là bộ phim “Phút 89” dựa theo kịch bản của nhà văn Vũ Bão, sản xuất năm 1982.

Đến thời tư nhân làm phim có thêm “Cô thủ môn tội nghiệp” do Thanh Mai đóng vai chính. Kế tiếp, bộ phim “Sút, sút dzô” quy tụ mỹ nhân Y Phụng, danh hài Bảo Quốc lẫn cầu thủ Lê Huỳnh Đức.

3. Phàm thứ gì quen thuộc với đời sống đều không bao giờ xa lạ với văn chương. Bóng đá cũng vậy. Sức cám dỗ của túc cầu giáo đã khiến một nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh là Alber Camus cũng nhảy bổ ra sân cỏ với tư cách một… thủ môn.

Thời gian tác giả những danh tác “Người xa lạ”, “Dịch hạch” và “Sa đọa” gắn bó cùng đội tuyển Algeria không dài, nhưng cũng đủ để những người hâm mộ bóng đá xứ sở này tự hào rằng họ từng có một cầu thủ đoạt giải Nobel Văn học năm 1957.

Ở nước ta, có rất nhiều cây bút bình luận bóng đá cấp quốc gia. Không chỉ có những nhận định hoa mỹ như các huấn luyện viên thứ thiệt, nhiều thi sĩ còn ngày đêm mơ màng sinh khí cầu trường để mỗi tiếng reo hò bỗng hóa thành một câu thơ run lẩy bẩy như mảnh lưới hứng trọn cú sút quỷ khóc thần sầu.

 Khi trái bóng bắt đầu lăn tại các giải đấu quốc tế thì các thi sĩ Việt Nam cũng ngả nghiêng vần điệu đong đưa theo những đường chuyền, lắc lư theo những quả phạt góc, hồi hộp như trái tim sắp rớt bịch xuống chấm phạt đền.

Tóm lại, thứ vần vè viết cho kịp tiếng còi kết thúc mỗi trận đấu thì bao giờ cũng phô bày đầy đủ sự ngây dại của ngôn ngữ đối lập với hào hứng cầu trường.

Các tin khác