Hàng hiệu

Trước đây, chỉ những người nhiều tiền mới dám xài "hàng hiệu". Cùng với mức sống ngày càng tăng, nhiều người bắt đầu quan tâm đến loại hàng này.

Trước đây, chỉ những người nhiều tiền mới dám xài "hàng hiệu". Cùng với mức sống ngày càng tăng, nhiều người bắt đầu quan tâm đến loại hàng này.

“Hàng hiệu” được hiểu là những sản phẩm thời trang có thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền, sản xuất với một số lượng nhỏ, chỉ nhằm phục vụ tầng lớp thượng lưu hoặc những người có ảnh hưởng với công chúng và có phong cách sống riêng.

Do những thương hiệu này đều mang tính toàn cầu, đã được khẳng định về chất lượng sản phẩm, chủ yếu phục vụ nhu cầu về tinh thần, cảm giác thỏa mãn, sự khẳng định đẳng cấp và vị thế của người sở hữu, nên cho dù kinh tế suy giảm và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang diễn ra, vẫn không tác động tới sức mua hàng hiệu.

Hàng hiệu không chỉ là sành điệu

Sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton, Gucci, Hermes, Burberry, Versace… đều có mặt trong các trung tâm thương mại lớn và các phố thời trang tại TPHCM, Hà Nội và các đô thị lớn trong cả nước, tạo thành một xu hướng tiêu dùng mới. Trong tủ áo quần của anh giám đốc trẻ Nguyễn Quân có đến vài chục chiếc áo sơ mi Valentino. Chẳng phải vì Quân tiền bạc dư dả nên sắm hàng hiệu, anh cho hay: “Tôi dùng hàng hiệu không phải để chứng tỏ sự sành điệu, mà hàng hiệu thực sự tốt và bền. Một chiếc áo hàng hiệu được cắt may rất đẹp, đặc biệt là giặt nhiều lần trông vẫn như mới”.

Sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton đã có mặt tại Việt Nam. Nguồn: internet

Sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton đã có mặt tại Việt Nam. Nguồn: internet

Ngày nay, không ít nhân viên văn phòng cũng có xu hướng sử dụng hàng hiệu, bởi chất lượng “chuẩn không cần chỉnh” của những thương hiệu đã có hàng trăm năm nay trên thế giới. Hoàng Yến, nhân viên tại một công ty liên doanh, cho biết cách nay 4-5 năm chị thường tranh thủ những chuyến công tác sang Singapore, Thái Lan để săn túi xách Louis Vuitton.

Nay ở Việt Nam cái gì cũng có mà giá cả cũng không cao hơn. Khi nói về mức giá “khủng” của những chiếc túi xách này, chị chia sẻ: “Mình không kiếm được quá nhiều tiền nên không thể thường xuyên mạnh tay sắm hàng hiệu. Nhưng thực ra hàng hiệu cũng không phải quá đắt, vì độ bền của các sản phẩm hàng hiệu gấp 5-7 lần so với sản phẩm cùng loại. Hầu hết sản phẩm hàng hiệu thường được sản xuất bởi các nguyên phụ liệu tốt nhất”.

Đúng như Hoàng Yến nói, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay không cần phải ra nước ngoài mới săn được hàng hiệu. Các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Paskson, Diamond… đầy ắp sản phẩm hàng hiệu, thu hút đông người đến mua sắm. Hàng hiệu không còn là thứ quá xa xỉ mà số đông chỉ dám ngắm nhìn chứ chưa dám sở hữu. Theo chia sẻ của Thu Hương, nhân viên bán hàng của Gucci, ngày cuối tuần lượng khách mua hàng rất đông, những dịp lễ tết nhiều khi không đủ hàng bán.

Có thể đúc kết: Hàng hiệu giá rất cao nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng do nhiều yếu tố: chất lượng cao, hiếm, thương hiệu nổi tiếng, nhà sản xuất uy tín… Trong đó, thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất. Chiếm phần lớn trong số tiền mua hàng hiệu chính là tiền “mua giá trị thương hiệu”. Giá trị thương hiệu, có thể bao gồm tất cả chi phí xây dựng thương hiệu.

Nhiều cách săn hàng hiệu

Để sở hữu chiếc túi xách Louis Vuitton, áo thun Lacoste, đôi giày Clarks… yêu thích, dân săn hàng có nhiều chiêu. Ngoài cách mạnh tay chi một khoản tiền từ vài triệu đến cả chục triệu đồng để mua, dân chuyên săn hàng hiệu cũng tìm ra nhiều cách khác. Cách đầu tiên là chờ mùa bán hàng đại hạ giá để có thể mua được những chiếc áo hàng hiệu với mức giảm từ 30-50% thậm chí 70%.

Tuy nhiên nhiều hãng hàng hiệu, tiêu biểu như Louis Vuittion, luôn cố gắng giữ gìn danh tiếng, không bao giờ giảm giá. Cách thứ hai cũng được giới văn phòng khá ưa chuộng là dùng hàng hiệu “second hand”. Cách này thường là mua hàng trực tuyến. Nhiều người sau khi mua hàng hiệu, dùng một thời gian ngắn sẽ bán lại với giá còn một nửa hoặc rẻ hơn cho những người ít tiền. Chị Thủy Tiên - một nhân viên văn phòng chuyên xài hàng hiệu - chia sẻ kinh nghiệm: “Có một điều phải lưu ý là muốn bán lại hàng hiệu, khi xài phải chú ý giữ gìn cẩn thận, vì chẳng ai muốn mua lại chiếc túi hàng hiệu đã trầy xước”.

Cũng cần phải lưu ý thêm với những ai muốn mua hàng kiểu này: Mua bán trực tuyến thật giả lẫn lộn, nên người mua thiếu kinh nghiệm rất dễ “ôm” phải hàng giả, hàng nhái. Có khi phải yêu cầu người bán cho xem hóa đơn mua hàng, hoặc cùng mang hàng ra những tiệm bán hàng hiệu nhờ kiểm tra giúp.

Có một cách khác đang khá phổ biến là tìm đến các cửa hàng outlet (cửa hàng tiêu thụ hàng tồn kho). Đây là một loại hình mua sắm rất phổ biến trên thế giới, nhằm giải quyết nhanh lượng hàng qua mùa của những nhãn hiệu tên tuổi với giá rất mềm. Nơi đây không chỉ tạo thêm cơ hội mua sắm hàng hiệu cho nhiều tầng lớp mà phần nào còn giúp các cửa hàng thu hồi vốn kinh doanh. Hiện số lượng cửa hàng outlet đang ngày một nhiều, giá cả thường giảm từ 30-70%.

Hàng hiệu hay hàng Việt giá cao?

Thị trường Việt Nam không chỉ xuất hiện những thương hiệu hàng hiệu đến từ châu Âu, mà đang bắt đầu xuất hiện những thương hiệu thời trang hàng hiệu đến từ những nước láng giềng như Singapore, Malaysia… như Charles & Keith, Nose… Nói chuyện hàng hiệu, cũng nên nhìn lại các thương hiệu thời trang Việt Nam. Vì sao cho đến nay chúng ta vẫn đang mỏi mắt đi tìm những thương hiệu Việt cao cấp. Không ít doanh nghiệp đang nỗ lực làm mới hình ảnh của mình, mang đến nhiều sản phẩm chất lượng cao với những cái tên ngoại. Nhưng nó vẫn chỉ được gọi là hàng Việt giá cao.

Rất nhiều thương hiệu trong lĩnh vực may mặc như Việt Tiến, An Phước, Minomax… đang đưa ra những dòng sản phẩm Mattana, Sanciaro… và cũng có mặt trong các trung tâm thương mại lớn bên cạnh những “ông lớn” về thời trang, nhưng dường như chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng. Hay như Biti's một thời cũng tung ra những dòng sản phẩm cao cấp với mức giá khá cao so với mặt bằng chung của Biti's xưa nay. Đó vẫn chỉ như những dấu ấn nhỏ bé của vài doanh nghiệp.

Đánh giá một cách công bằng, một số mặt hàng cao cấp của các doanh nghiệp Việt Nam nếu đem so về chất liệu cũng không thua kém hàng hiệu bao nhiêu. Nhưng với những thương hiệu đã có hàng trăm năm lịch sử đang bán hàng theo giá có cộng nhiều % giá trị thương hiệu ấy, hàng Việt Nam vẫn còn phải gian nan chạy đuổi theo trên một con đường rất dài.

Cách làm của An Phước khi kết hợp cùng Pierre Cardin có thể được xem là biện pháp hay. Nếu doanh nghiệp thời trang trong nước không nhanh tay, lẹ chân, sẽ mãi nhường sân chơi cho các doanh nghiệp ngoại. Cũng cần nói thêm, nếu doanh nghiệp nỗ lực tung ra thị trường những sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thì bản thân người tiêu dùng cũng nên đón nhận hàng Việt Nam. Cái nghịch lý qua tận Hoa Kỳ mua quà về lại thấy ghi “Made in Vietnam” sẽ vẫn tiếp diễn nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng và người tiêu dùng không ủng hộ cho doanh nghiệp trong nước.

Các tin khác