Gốm Giang Cao trong lòng Bát Tràng

Từ con đường theo triền đê, qua đoạn dốc thoải tới xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khách ở xa tới đây quen gọi cả vùng có sản xuất và bán sản phẩm gốm sứ này là làng gốm Bát Tràng. Nhưng thực ra làng gốm này gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao. Làng Giang Cao tuy có nghề gốm muộn hơn, nhưng đội ngũ nghệ nhân trẻ tay nghề cao và đầy tâm huyết với nghề không kém Bát Tràng.

Từ con đường theo triền đê, qua đoạn dốc thoải tới xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khách ở xa tới đây quen gọi cả vùng có sản xuất và bán sản phẩm gốm sứ này là làng gốm Bát Tràng. Nhưng thực ra làng gốm này gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao. Làng Giang Cao tuy có nghề gốm muộn hơn, nhưng đội ngũ nghệ nhân trẻ tay nghề cao và đầy tâm huyết với nghề không kém Bát Tràng.

Làng nghề lâu đời bên sông

Không chỉ có thôn Bát Tràng, thôn Giang Cao cũng được công nhận là làng nghề cổ truyền của thành phố, nhưng về tuổi nghề ít hơn. Người thôn Giang Cao làm gốm sau người thôn Bát Tràng ít lâu, nhưng về trình độ, tài năng cũng không thua kém.

Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, vừa theo nhu cầu của thị trường, vừa sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân. Những dòng sản phẩm chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp. Một số người phát triển hướng làm gốm sứ theo dòng mỹ thuật cao cấp, có người theo dòng sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh...

Làng gốm Giang Cao trước đây có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Ca và đến thời nhà  Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. So với lịch sử làm gốm của Kim Lan (800 năm) và làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao tuổi nghề còn trẻ. Theo các cụ kể lại, trước đây, người dân làng Giang Cao chủ yếu đi làm thuê cho các lò gốm ở làng Bát Tràng. Thời Pháp thuộc, năm 1941, ông Phán Sồ (người đã đỗ Tú tài) đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm sứ Ngọc Quang, được coi là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao.

Chùa làng Giang Cao đang dần hoàn thiện.

Chùa làng Giang Cao đang dần hoàn thiện.

Ông Nguyễn Văn Ký, Trưởng ban Vận động và phát triển làng nghề, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi của làng Giang Cao, cho biết tháng 5-2011, Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi làng Giang Cao ra đời. Đến nay tất cả hội viên trong câu lạc bộ có 20 người, trong đó có 2 nghệ nhân là Nguyễn Văn Hoa và Nguyễn Quý Sơn, còn lại đều là thợ giỏi. Nghệ nhân ở đây có những sản phẩm nổi tiếng, độc đáo hiện nay chưa ai vượt được kỷ lục đó. Như nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa có bộ “Tam đỉnh ngũ truyền” mà theo ông Ký: “Đó là sản phẩm khó làm, nói về đồ sứ, chưa ai có một bộ đạt được độ hoành tráng, kỳ công như thế”.

 Hay anh Nguyễn Anh Tuấn là nghệ nhân làm ra đĩa Ngũ Long, đường kính 1,35m, men rạn. Với mục đích tôn vinh làng nghề và tạo thêm điểm hấp dẫn cho du khách, Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi làng Giang Cao đang cùng bà con trong thôn, cộng đồng Phật tử cùng xây dựng ngôi chùa trong thôn Giang Cao.

Mặc dù đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, nhưng những sản phẩm các nghệ nhân trong làng đóng góp về đây, từ tượng Phật, tới bức hoành, tiểu cảnh… đều bằng gốm sứ. Nhiều sản phẩm độc nhất vô nhị, không sản xuất hàng loạt ra thị trường. Theo các nghệ nhân trong làng, khi hoàn thiện, đây sẽ là “ngôi chùa gốm sứ đầu tiên của Việt Nam”.

Không chỉ sản xuất và bày bán trong làng, các nghệ nhân làng Giang Cao cũng góp công sức xây dựng các công trình kiến trúc lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội, tiêu biểu như công trình Con đường gốm sứ tại Hà Nội. Nhiều mặt hàng của làng đã được xuất khẩu tới các quốc gia và không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường nội địa. Hàng năm, trong các chương trình hội chợ, triển lãm, cuộc thi sáng tác phát triển sản phẩm công nghệ nông thôn, Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi làng Giang Cao đều đăng ký tham dự, giành được nhiều giải cao và giấy khen, bằng khen của thành phố Hà Nội.

Kỳ vọng thế hệ trẻ

Những năm trở lại đây, khi lớp thanh niên trẻ của làng lớn lên, nhiều người đã chọn nghề gốm để khởi nghiệp. Điều đặc biệt, Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi của làng quy tụ được một lực lượng đông đảo những thợ giỏi là lực lượng thanh niên, đa số đều sinh năm 1983-1989. Ngay cả việc ngôi chùa gốm sứ, những nghệ nhân trẻ như Nguyễn Thùy Dương (sinh năm 1983), Nguyễn Tuấn Vũ (sinh năm 1984), Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1989)... cũng là những thành viên đóng góp tích cực về ý tưởng, sản phẩm. Nguyễn Thùy Dương đã đóng góp và làm khoảng 70 pho tượng Phật bằng gốm sứ, có những pho tượng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam.

Phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng Giang Cao là làm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm sử dụng phổ biến lối "vuốt tay, be chạch" trên bàn xoay. Người thợ "đắp nặn" gốm phải là người có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Anh Nguyễn Tuấn Vũ, chủ một cửa hàng đồ gốm sứ tại Giang Cao, cho biết đến với gốm sứ như một cái duyên. Bởi dù sinh ra ở làng, khi còn nhỏ anh không nghĩ mình sẽ gắn bó với gốm sứ.

“Gia đình tôi làm nghề gốm, nhưng không ai định hướng phải về làm việc cho gia đình. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi làm thiết kế các sản phẩm đồ họa cho các công ty phần mềm khi mới ra trường. Nhưng sau một thời gian tự mình thấy muốn gắn bó với nghề gốm và quyết định về làng. Thời gian đầu, tôi phụ giúp gia đình sản xuất, vừa tìm tòi hướng đi riêng của mình. Sau đó tôi chọn dòng gốm ký kiểu để phát triển. Đến nay, sản phẩm của tôi đã có mặt trong một số triển lãm gốm sứ tại Hà Nội” - anh Tuấn Vũ chia sẻ.

Nghệ nhân Tuấn Vũ bên sản phẩm của mình.

Nghệ nhân Tuấn Vũ bên sản phẩm của mình. 

Ông Nguyễn Văn Ký nhận xét: “Những bạn trẻ theo nghề gốm của làng mặc dù tuổi trẻ nhưng rất chịu khó, sáng tạo, tâm huyết. Nhiều bạn được học hành qua trường lớp nên ngoài sự sáng tạo còn có bước nhảy vọt về kỹ thuật cũng như năng lực tổ chức, chủ động đổi mới và tìm kiếm thị trường, phát triển các kênh quảng bá sản phẩm đạt hiệu quả lớn hơn cả thế hệ cha anh đi trước”.

Tuy nhiên, hầu hết những nghệ nhân trẻ đều bị áp lực về kinh tế khi mặt bằng xưởng phải đi thuê, khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, thuê công thợ, sản phẩm bị cạnh tranh và thị trường ngày càng thu hẹp lại. Thế nhưng hơn hết, họ đều là những người con có tình yêu, trách nhiệm với nghề truyền thống của quê hương và vẫn bền bỉ giữ lửa cho từng lò gốm, để mỗi sản phẩm ra đời đều mang dấu ấn riêng của người làng Giang Cao trong dòng sản phẩm chung mang thương hiệu gốm Bát Tràng.

Mặc dù làng đều có nghề truyền thống, nhưng những nghệ nhân, thợ giỏi trẻ của làng Giang Cao đều phải nỗ lực rất nhiều để sống được với nghề, bởi hầu hết họ đều gặp khó khăn về kinh tế, với việc phải thuê nhà xưởng, thuê công thợ, tìm kiếm dòng sản phẩm mà mình có thế mạnh và thị trường. Nhưng với tâm huyết và trách nhiệm, họ vẫn bền bỉ để giữ nghề và đóng góp một phần công sức của mình cho quê hương.

Các tin khác