Giữ nghiệp làng nghề

Gỗ vụn của các nhà máy chế biến gỗ lẽ ra chỉ được dùng làm củi đốt cho các lò gạch, nhưng dưới bàn tay tài hoa của những người thợ mỹ nghệ, chúng đã được biến thành những sản phẩm mỹ nghệ đa dạng.

Gỗ vụn của các nhà máy chế biến gỗ lẽ ra chỉ được dùng làm củi đốt cho các lò gạch, nhưng dưới bàn tay tài hoa của những người thợ mỹ nghệ, chúng đã được biến thành những sản phẩm mỹ nghệ đa dạng.

Thông qua Tập đoàn Wal-Mart, doanh nhân Nguyễn Thành Nhân đã đưa các sản phẩm gỗ mỹ nghệ này đi khắp thế giới.

Từ củi gỗ biến thành mỹ nghệ

Bên lề hội nghị về xây dựng nông thôn mới, tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua, lúc gặp gỡ báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lương Lê Phương tỏ ý rất tâm đắc về cách làm ăn của làng nghề mỹ nghệ Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai) ông vừa đến thăm một ngày trước đó.

Đặc biệt, doanh nhân Nguyễn Thành Nhân được ông nhắc đến với niềm mến phục: “Từ một người thợ bình thường, bằng chính những sản phẩm thủ công, Nguyễn Thành Nhân đã chinh phục được tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Hoa Kỳ). Cách làm của anh ấy là một trong những mô hình chương trình nông thôn mới đang tìm”.

Doanh nhân Nguyễn Thành Nhân đã đưa các sản phẩm gỗ mỹ nghệ này đi khắp thế giới.

Doanh nhân Nguyễn Thành Nhân đã đưa các sản phẩm
gỗ mỹ nghệ này đi khắp thế giới.

Nguyễn Thành Nhân không sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, lại có thể trạng yếu, không thể làm những công việc lao động nặng nhọc. Thế nhưng những lần vào làng Trà Cổ, say mê những mô hình mỹ nghệ dưới bàn tay chạm khắc của các nghệ nhân, anh đã bị cuốn hút, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, anh quyết tâm theo học nghề này.

Anh Nhân kể: Hầu hết người dân tại làng nghề mỹ nghệ Bình Minh đều có quê quán ở miền Bắc. Trong số cư dân vào đây lập ấp, dựng làng, có không ít người mang theo nghề mộc từ những làng nghề nổi tiếng như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định)...

Song, nghề làm mô hình bằng gỗ chỉ mới hình thành từ sau năm 1975. Trong làng Trà Cổ có người thợ mộc tên là Kỳ Vân, một lần trong vườn nhà có cây mít chết, gỗ mít xưa nay vốn thích hợp cho việc chạm khắc, nên ông Vân đã dùng thân cây đục đẽo thành hình một con thuyền với các họa tiết tinh xảo. Tay nghề cả đời làm thợ được ông gửi gắm vào mô hình đầu tiên ấy. Làm xong, ông mang chiếc thuyền lên TPHCM bán dạo tại các tuyến phố trung tâm, sản phẩm đó được một du khách người Nga mua đem về nước làm kỷ niệm.

Từ đó ông Vân về nhà bắt tay vào làm những sản phẩm tiếp theo, những người thợ đồng trang lứa với ông cũng bắt đầu tham gia làm cùng. Sản phẩm làm ra ngày một nhiều hơn, không thể mang đi bán dạo mãi, ông Vân đem ký gửi các cửa hàng đồ lưu niệm tại các tuyến đường trong quận 1, TPHCM, nơi tập trung đông du khách. Lượng hàng tiêu thụ ngày một nhiều, do vậy nhiều người tìm đến nhà ông Vân học nghề. Cứ người trước truyền dạy cho người sau, chẳng bao lâu đã hình thành các làng gỗ mỹ nghệ Trà Cổ, Tân Bắc...

Từ một người chưa biết chút gì về nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ, anh Nhân phải vừa làm vừa học nghề, đến khi quen tay cũng phải mất 4-5 năm, rồi cũng chỉ có thể đi làm thợ cho các xưởng mộc mỹ nghệ. Mặc dù nghề mỹ nghệ ở xã Bình Minh là nghề thủ công tạo ra giá trị cao, đầu ra ổn định, nhưng chỉ một số ít hộ có đủ điều kiện mở rộng quy mô gia đình lên cơ sở hay doanh nghiệp. Không cam lòng với phận làm thuê mãi, sau cả chục năm miệt mài làm thợ, khi tay nghề đã đến độ chín, cùng với việc cảm nhận những cơ hội làm giàu từ nghề này ngày càng lớn, anh Nhân đi đến quyết định mở cơ ngơi riêng, thành lập Cơ sở mỹ nghệ gỗ Thành Nhân.

Anh khởi nghiệp với thời cơ khá thuận lợi: Từ nhiều năm nay các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát triển rầm rộ, đã tạo điều kiện cho nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ ở Bình Minh phát triển theo. Một lượng lớn gỗ phế phẩm từ các nhà máy chế biến gỗ thải ra, bán rẻ cho các lò gạch làm củi đốt, đã được anh Nhân thu mua về, chế tác thành hàng trăm sản phẩm mô hình từ xích lô, ô tô, máy bay, tàu thuyền… đến mô hình các vũ khí, vật dụng trang trí... có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng một sản phẩm.

Lần hồi sản phẩm của anh đã có mặt tại các TP lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... và còn tới tận Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Hồng Công... Chỉ trong chưa đầy 5 năm, Thành Nhân đã trở thành một cơ sở mỹ nghệ gỗ quy mô nhất tại Bình Minh với hàng trăm, hàng ngàn loại sản phẩm mô hình xuất khẩu đi khắp thế giới. Ban đầu từ những kiều bào mua một vài sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm quà lưu niệm mang ra nước ngoài, sau họ quay lại đặt mua với số lượng từng container.

Day dứt với nghề

Anh Nhân kể: Năm trước, có một doanh nghiệp tại Biên Hòa sau khi gửi mẫu làm thử, thấy ưng ý, đã đặt 2 container sản phẩm cung cấp cho Tập đoàn Wal-Mart. Gần 30 công nhân trong xưởng của anh phải tăng ca liên tục cho kịp hạn giao hàng. Đêm nào cũng làm việc hối hả đến 3-4 giờ sáng, khi những sản phẩm được đóng gói, họ mới lăn ra ngủ ngay trong xưởng.

Chứng kiến cảnh này các vị khách đến từ Hoa Kỳ rất đỗi cảm động, thán phục. Khách mua không ngớt lời khen sản phẩm rẻ, vì giá chỉ bằng giá bán trong nước, chất lượng lại đồng đều. Ngay sau lô hàng đầu tiên ấy, phía Wal-Mart đã cử đại diện liên hệ trực tiếp với anh Nhân, đặt hàng với số lượng lớn, trung bình 5.000 sản phẩm/tháng, trong khi năng lực của xưởng chỉ làm được có 2.000 sản phẩm/tháng mà còn phải phân phối đều cho khách hàng trong nước và ở các nước khác.

Khi một số sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc bị phát hiện nhiễm hóa chất và bị tẩy chay ở các nước, rất nhiều khách hàng từ Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hồng Công... đã về Bình Minh tìm nguồn hàng thay thế. Tuy nhiên do các hộ làm nghề nằm rải rác, quy mô nhỏ nên khó đáp ứng được đơn đặt hàng. Thế hệ những người gắn bó với nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ lâu năm như anh Nhân không ít lần hô hào thành lập một làng nghề tập trung, phát triển theo quy mô lớn. Tỉnh cũng quy hoạch khu đất hơn 2ha, nhưng đến nay vẫn chưa có một đề án khả thi, vì chẳng có vốn, không có hạ tầng khiến những người thợ làng nghề nản lòng. Anh Nhân tiếc nuối: “Chắc làm chưa xong đề án thì làng nghề đã dẹp mất”.

Gần 30 người trong Cơ sở mỹ nghệ gỗ Thành Nhân sống với nhau như một đại gia đình, không có khoảng cách chủ - thợ, hàng ngày họ làm chung một dây chuyền, ăn cùng một mâm. Những người có khó khăn trong cuộc sống hàng tháng còn được hỗ trợ tiền thuê trọ, mua tặng ti vi, tủ lạnh... Từng trải qua quãng đời tay trắng đi học nghề, nên anh thấu hiểu, cảm thông và tận tình giúp đỡ để giữ được công nhân gắn bó với mình.

Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart nhiều năm liên tiếp đứng đầu danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới, và là “công ty được ngưỡng mộ nhất tại Hoa Kỳ”. Trong danh sách 25 doanh nghiệp có khả năng làm thay đổi thế giới được các hãng truyền thông bình chọn, Wal-Mart là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất trong số các công ty bán lẻ trên thế giới. Wal-Mart cũng là công ty bán đồ chơi lớn nhất Hoa Kỳ, chiếm khoảng 45% doanh số tiêu thụ đồ chơi.

Các tin khác