Duyên nợ những cây cầu

Xuất thân từ nghề giáo, rồi bỏ nghề đi mua bán ve chai, đùng một cái lại trở thành tỷ phú. Giàu có, thành đạt nhưng ông Nguyễn Văn Tổng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Vận tải - Xây dựng Thiện Tâm (quận Bình Tân, TPHCM), lại lặn lội đến các vùng nông thôn nghèo khó để xây cầu giúp dân.

Xuất thân từ nghề giáo, rồi bỏ nghề đi mua bán ve chai, đùng một cái lại trở thành tỷ phú. Giàu có, thành đạt nhưng ông Nguyễn Văn Tổng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Vận tải - Xây dựng Thiện Tâm (quận Bình Tân, TPHCM), lại lặn lội đến các vùng nông thôn nghèo khó để xây cầu giúp dân.

Tạo dựng cơ nghiệp từ... gầm cầu

Tại nơi xây dựng chiếc cầu treo Nhà thờ số 4 bắc qua kênh Mặc Cần Dưng (ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), khó nhận ra đâu là Giám đốc Nguyễn Văn Tổng giữa những công nhân đang cần mẫn thi công. Ông mặc bộ áo quần màu nâu đã cũ, gương mặt sạm đen, đôi bàn tay chai sần. Ông giải thích: “Bình thường tôi hay ăn mặc thế này để làm chung với anh em. Mặc đồ cũ vừa dễ làm, vừa tiết kiệm”.

Cầu Đập Đá đang được thi công. Ảnh: NGÔ CHUẨN

Cầu Đập Đá đang được thi công. Ảnh: NGÔ CHUẨN

Đây là cây cầu treo thứ 200 ông đã xây dựng ở các tỉnh ĐBSCL, công trình này trị giá trên 220 triệu đồng. Trong đó, dân hai bên bờ đóng góp 80 triệu đồng, UBND xã Vĩnh Bình chi 40 triệu đồng, còn lại do ông Tổng tài trợ.

Ông Nguyễn Thanh Hảo, Tổ trưởng Tổ 13 (ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình), người tình nguyện hiến đất bên bờ để xây cầu, kể:

“Chúng tôi mong mỏi có cây cầu này suốt mấy chục năm nay mà vẫn chưa có. Nay ông Tổng về hỗ trợ xây cầu, ai cũng phấn khởi. Vài mét vuông đất của tôi chỉ là phần nhỏ so với đóng góp của ông ấy. Đây là việc làm rất thiết thực, khi cầu hoàn thành, học sinh sẽ không còn phải qua kênh bằng xuồng không an toàn”.

Hào hiệp hỗ trợ người dân vùng sâu như vậy, nhưng ít ai biết được cuộc đời ông đã trải nhiều gian truân. Năm 1978, ông Tổng về dạy học ở một ngôi trường nhỏ thuộc xã Vĩnh Bình. Nơi ở gần trường nhưng lại cách một con kênh. Hôm nào thầy trò cũng phải leo qua chiếc cầu khỉ đến lớp. Lương giáo viên ít ỏi, nuôi vợ và 6 đứa con, ngoài giờ dạy học, ông vất vả canh tác một mảnh ruộng nhỏ nhưng gia đình vẫn thiếu ăn.

Cuối năm 1988, ông bỏ nghề, bỏ quê, dắt díu vợ con lên TPHCM tìm kế để mưu sinh. Nơi đất lạ, không người thân, gia đình phải ở tạm dưới dạ cầu Trương Minh Giảng (nay là cầu Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận), kiếm sống bằng nghề mua bán ve chai, đồng nát. Nhìn người khác có nhà cao, cửa rộng, ông chỉ ước mình có được… 3m2 đất để làm chỗ cho gia đình che nắng, che mưa.

Đầu năm 1990, vợ chồng ông dồn hết số tiền dành dụm được mở vựa thu mua phế liệu, gia công lại để bán lẻ. Lúc này TPHCM đang vào cao điểm giải tỏa, quy hoạch đô thị, nên nhu cầu xây dựng, sửa chữa tăng cao. Ông Tổng cùng 3 con trai lớn lãnh thầu đập phá công trình, gom xà bần bán cho những nơi đang xây dựng, còn sắt thép thì mang về vựa kinh doanh. Việc làm ăn phất lên, ông mở thêm 2 vựa phế liệu mới, xây nhà cửa tiện nghi. Có được vốn, ông lại thử sức thêm lĩnh vực thầu xây dựng.

Xây cầu hỗ trợ người dân vùng sâu

Năm 1992, ông Tổng về lại quê Vĩnh Bình mở doanh nghiệp tư nhân. Việc đầu tiên ông làm là tài trợ toàn bộ 100 triệu đồng để xây cầu bắc qua con kênh nơi ngôi trường ông từng dạy học. Để thầy trò ở đây thoát cảnh cơ cực mùa nước ngập, ông cho đổ cát nâng nền sân trường và sửa lại tuyến lộ.

Thấy việc mình làm mang lại hiệu quả thiết thực giúp cải thiện đời sống người dân vùng sâu, từ đấy, ông theo đuổi việc hỗ trợ xây dựng cầu giúp dân. Đầu năm 2008, ông thành lập Công ty Thiện Tâm ở quận Bình Tân (TPHCM) với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, rồi để cho vợ con kinh doanh, còn ông trực tiếp cùng đội thi công đi xây cầu tại các vùng nông thôn.

Làm nghề thầu xây dựng, ông Tổng biết nơi mua vật liệu không qua trung gian, rẻ hơn giá thị trường khoảng 30%, rồi tự chuyên chở bằng xe nhà, lại có đội công nhân thi công rất nhiệt tình, nên mỗi cây cầu ông nhận xây dựng đều tiết kiệm từ 30-50% kinh phí. Mỗi công trình, ông đều ủng hộ một phần kinh phí xây dựng để giảm bớt gánh nặng cho dân địa phương.

Tính đến nay, ông đã ủng hộ trên 2 tỷ đồng xây cầu ở những vùng nông thôn nghèo. Ở những nơi quá khó khăn, ông sẵn sàng xây dựng cầu miễn phí. Khi xây cầu Dân Lập 1 ở xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), ông nhận tài trợ toàn bộ chi phí 270 triệu đồng. Do thiếu tiền mặt, ông quyết định cầm cố 5ha ruộng của gia đình để có đủ vốn xây cầu.

Ông Tổng ít khi ở nơi nào lâu, cứ nay đây mai đó, theo những công trình xây cầu ở các vùng nông thôn. Công trình cầu treo Đập Đá bắc qua kênh Long Xuyên - Rạch Giá (thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) dài 77m, ngang 2,5m, tải trọng 2,5 tấn, đã được xây dựng với kinh phí trên 500 triệu đồng. Trong đó, ông Tổng hỗ trợ địa phương 50 triệu đồng, còn lại từ kinh phí địa phương và nhân dân đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân ấp Phú Hội (xã Tân Hội), phấn khởi: “Chúng tôi đã chờ đợi có cây cầu bắc qua sông lâu lắm rồi. Trước nay mọi người phải qua lại bằng đò. Buổi tối đò lại không đưa nên có việc gì cần cũng không thể qua sông được”.

Ông Tổng dự tính: “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục xuống các vùng nông thôn ở Cà Mau và Bạc Liêu xây dựng khoảng 20 cây cầu giúp dân nghèo. Qua năm 2012 sẽ xây thêm 50 cây cầu nữa. Cứ khi nào còn sức là tôi vẫn tiếp tục đi xây cầu”. Đối với ông, khi mỗi cây cầu hoàn thành là thêm một niềm vui và thêm một lần được trả nghĩa cho quê hương.

Các tin khác