Đưa tiếng Việt ra thế giới

Dân Việt Nam có dịp du lịch Đảo Quốc Sư Tử thường cảm thấy thoải mái hơn nơi khác. Bởi lẽ, ngoài chuyện thưởng lãm cảnh quan đô thị và môi trường xanh sạch đẹp, du khách Việt còn được người Singapore chào hỏi và hướng dẫn bằng tiếng Việt.

Dân Việt Nam có dịp du lịch Đảo Quốc Sư Tử thường cảm thấy thoải mái hơn nơi khác. Bởi lẽ, ngoài chuyện thưởng lãm cảnh quan đô thị và môi trường xanh sạch đẹp, du khách Việt còn được người Singapore chào hỏi và hướng dẫn bằng tiếng Việt.

Người Việt đang học tập, sinh sống tại Singapore khi nhớ những món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc thường đến khu phố Joo Chiat, nơi có thực đơn bằng tiếng Việt và được phục vụ miễn phí nhạc Việt. Trong một siêu thị tại khu chợ Thái Lan Golden Mile Complex có bày bán các sản phẩm “Made in Vietnam”. Một số đại lý lữ hành cũng quảng cáo bằng tiếng Việt. Tiếng Việt có mặt nhiều nơi tại Singapore và trở thành nhu cầu của một bộ phận người dân nước này.

Xây dựng thương hiệu Việt ngữ

Có một sản phẩm chính hiệu Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng tại Singapore. Đó là chương trình dạy tiếng Việt của Công ty tư vấn Vietnam Global Network, Singapore (VGN), được nhiều người nước ngoài biết đến thông qua thương hiệu Vietnam Language Centre (VLC).

Ý tưởng mở một trung tâm dạy tiếng Việt nảy sinh khi vài khách hàng của VGN cho biết muốn học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam. Tuy nhiên, VGN luôn xác định hoạt động kinh doanh chủ yếu là tư vấn tiếp thị và đại diện thương mại, nên VLC được xem là dự án phụ.

Dù nhu cầu học có thật, nhưng tiếng Việt chưa phải là ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như các thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa, Tây Ban Nha... nên phạm vi phổ biến còn hạn chế. Nhưng ngạn ngữ có câu: “Đâm lao thì phải theo lao”, VLC cứ thầm lặng với những lớp tiếng Việt nhỏ không quá 8 học viên vào buổi tối và đôi khi giảng viên của VLC được mời đi giảng dạy ngay tại trụ sở của khách hàng.

Ngay từ ban đầu VGN xác định, tuy số lượng học viên không nhiều và tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng thông qua đó có thể tiếp thị được dịch vụ tư vấn của VGN. Và hơn nữa, đây cũng là cách quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam một cách thiết thực nhất.

Kể từ khi chúng tôi tổ chức lớp dạy tiếng Việt đầu tiên cho học viên (chủ yếu là người Singapore), đến nay tính ra đã hơn 5 năm. Hiện nay sự phát triển của internet giúp VLC dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn trước.

Số lượng học viên đã lên đến hơn 300, trong đó có cả khách hàng là chủ tịch, giám đốc của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia. Một số học viên lúc đầu than phiền tiếng Việt khó học, nhưng sau một thời gian kiên trì tham dự các khóa học, họ cảm thấy thích thú.

Nhiều học viên cho biết chính sự đa dạng về thanh âm, về ngữ nghĩa của câu từ… và đặc biệt là văn hóa của người Việt Nam, như cách xưng hô thể hiện sự trân trọng quan hệ gia đình, bạn bè và cộng đồng. Nhờ biết tiếng Việt, nhiều học viên của VLC đã thăng tiến trong nghề nghiệp hoặc kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Giá trị của tiếng Việt

Tôi đã không ít lần tự hỏi và tìm câu trả lời: Phải chăng tiếng Việt đã trở thành hàng hóa đặc biệt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu? Mãi đến khi VLC thực hiện hợp đồng dạy tiếng Việt tại một nhà máy ở Johore, Malaysia của một tập đoàn đa quốc gia, tôi mới phần nào giải tỏa được thắc mắc này.

Từ đầu năm 2011 đến nay đã có 6.664 lao động tại Malaysia, trong đó có gần 50 công nhân Việt Nam đang làm việc tại nhà máy tôi đang dạy tiếng Việt. Lãnh đạo nhà máy đặt yêu cầu VLC giúp CBCNV và công nhân người Malaysia có thể nói được tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt, qua đó giao tiếp hiệu quả với công nhân người Việt Nam làm việc tại đây.

Thời gian dạy 2 tháng, mỗi tuần 1 buổi 3 tiếng. Và như vậy, chương trình tiếng Việt của VLC bắt đầu bước vào cuộc hành trình xuyên biên giới.

 Lớp học tiếng Việt cho CBCNV và công nhân do VLC tổ chức tại Malaysia.

 Lớp học tiếng Việt cho CBCNV và công nhân do VLC tổ chức tại Malaysia.

Johore (tiếng Ả Rập nghĩa là hòn ngọc quý) là một trong những tiểu bang quan trọng và phát triển nhất của Malaysia, nằm ở cực Nam của bán đảo Mã Lai. Singapore nhập khẩu nước ngọt từ Johore. Tôi và cô đồng nghiệp ngồi trên xe bon bon trên đường cao tốc, hai bên đường là những đồi cọ hay đồng cỏ xanh rì.

Nhà máy tôi và đồng nghiệp đến dạy tiếng Việt nằm ở Senai, một thị xã cách thủ phủ Johor Bahru của Johore 25km về phía Tây Bắc. Nơi đây có sân bay quốc tế Senai và nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử hay thiết bị công nghiệp của các tập đoàn quốc gia. Học viên của chúng tôi lần này chủ yếu là công nhân người Malaysia, trong đó có một số người gốc Hoa. Do học viên tham gia đến 20 người - đông hơn so với lớp nhỏ tại Singapore - nên điều này ảnh hưởng phần nào cách giảng dạy của chúng tôi.

Dù họ có thể nói được tiếng Anh nhưng để hiệu quả, giảng viên thỉnh thoảng phải dùng thêm tiếng Mã Lai và tiếng Hoa. Điều thú vị là tiếng Mã Lai và tiếng Việt có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc ngôn ngữ và từ vựng, nên đôi bên khá thoải mái trong việc trao đổi, học tập. Nhờ vậy, chỉ sau vài buổi học giảng viên và học viên đã cởi mở hơn.

Một số học viên có vợ hay bạn gái là người Việt Nam, một số chưa đi Việt Nam lần nào, trong giờ giải lao họ hỏi tôi về ẩm thực, về những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

So với giới trí thức và thương gia nước ngoài tôi có dịp tiếp xúc, học viên tại đây không biết nói những lời xã giao về những cái hay cái đẹp của Việt Nam, nhưng vẻ mặt thích thú, háo hức và nỗ lực của họ trong buổi học sau những giờ làm việc căng thẳng đã thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa và con người Việt Nam. Qua họ, tôi được biết công nhân Việt Nam sang đây làm việc khá vất vả nhưng được đãi ngộ thỏa đáng.

Sau 2 tháng học tập, học viên của chúng tôi đã biết giao tiếp bằng tiếng Việt với những người bạn đồng nghiệp của mình từ Việt Nam sang. Dạy tiếng Việt cho CBCNV và công nhân của nhà máy nhưng tôi chưa có cơ hội được gặp gỡ công nhân Việt Nam tại đây.

Chúng tôi đã tính đến việc lên kế hoạch đưa tiếng Anh, tiếng Mã Lai và kỹ năng giao tiếp cho công nhân trong môi trường sống tại Malaysia, qua đó trực tiếp giúp công nhân Việt Nam thành công hơn trong thời gian lao động tại nước bạn, đồng thời trở thành cầu nối hữu hiệu đưa ngôn ngữ và văn hóa Việt ra thế giới.

Các tin khác