Đời hải sâm

Ở đất liền có loài sâm quý trên đỉnh núi cao, dưới lòng đại dương cũng có một loại sản vật có giá trị không kém là hải sâm. Muốn bắt hải sâm, ngư dân không dùng lưới mà phải lặn. Ở độ sâu 70m, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nên có lẽ những ngư dân lặn bắt hải sâm ở Quảng Ngãi hiểu hơn ai hết câu “sinh nghề, tử nghiệp”. Dù vậy, bản năng vẫy vùng đã sẵn có trong huyết quản cư dân miệt biển, thêm vào đó là món lợi nhuận không nhỏ từ hải sâm, nên những hiểm nguy không ngăn nổi họ.

Ở đất liền có loài sâm quý trên đỉnh núi cao, dưới lòng đại dương cũng có một loại sản vật có giá trị không kém là hải sâm. Muốn bắt hải sâm, ngư dân không dùng lưới mà phải lặn. Ở độ sâu 70m, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nên có lẽ những ngư dân lặn bắt hải sâm ở Quảng Ngãi hiểu hơn ai hết câu “sinh nghề, tử nghiệp”. Dù vậy, bản năng vẫy vùng đã sẵn có trong huyết quản cư dân miệt biển, thêm vào đó là món lợi nhuận không nhỏ từ hải sâm, nên những hiểm nguy không ngăn nổi họ.

Một chuyến làm, cả năm ăn

Hải sâm.

Hải sâm.

Suốt buổi chạng vạng tối, trong ngôi nhà le lói ánh điện ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tôi nghe ngư dân ở đây kể đủ thứ chuyện về cái nghề kiếm cơm trước lưỡi hái tử thần. “Nói thiệt, nếu ai hỏi, đi biển làm nghề gì trúng nhất, tui sẽ nói nghề lặn hải sâm!” - ông Lê Túc, ngư dân 44 tuổi, khoe với tôi.

Thuở thiếu thời, sau khi thi rớt đại học, ông Túc theo cha ra biển kiếm cơm. Qua 2 năm học việc quanh quẩn gần bờ, năm 1989 ông theo cha chú ra vùng biển Hoàng Sa đánh cá. Nhờ những chuyến đánh bắt đó, ông Túc sớm trở thành ngư dân lão luyện. Đến năm 2003, ông sắm được con tàu công suất lớn, chuyên nghề lặn bắt hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa. Những chuyến trúng mùa, tiền vô như nước.

Tuy nhiên, theo ông chưa bao giờ trúng đậm như chuyến biển vừa rồi. Trong chuyến biển đó, ông Túc cùng tàu QNg 66029 TS thẳng tiến ra quần đảo Trường Sa. Đến ngày thứ 11, bất ngờ gặp “núi” hải sâm. 8 thợ lặn trên tàu phải làm việc hết công suất và về đất liền mang theo 1,5 tấn hải sâm, bán được hơn 2,3 tỷ đồng, bạn tàu được chia ngót nghét 150 triệu đồng mỗi người.

Tuy nhiên, sự hồ hởi của ông Túc cũng thoáng qua nhanh khi nhớ lại bắt hải sâm là nghề rất rủi ro. Đã có nhiều thợ lặn bắt hải sâm gặp nạn giữa lòng đại dương, chí ít thì teo cơ chân tay hay bại liệt toàn thân, có người vĩnh viễn nằm lại với biển.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên, ở Lý Sơn năm nào cũng có vài ba mạng người chết thảm vì lặn bắt hải sâm. Gần nhất là vào ngày 9-5, anh Nguyễn Vinh (22 tuổi) ở thôn An Hải, khi lặn ở độ sâu 50m tại vùng biển Hoàng Sa chết ngạt dưới đáy biển do dây hơi bị gấp. Đến ngày 13-5, thi thể anh mới được tìm thấy và đưa về an táng.

Hay trường hợp thợ lặn Trần Đình Lộc, 45 tuổi ở thôn Tây, xã An Hải. Nhìn cảnh ông Lộc tật nguyền nằm cong queo, ai cũng xót lòng. Ông lặn biển và bị tai nạn năm 2006, từ đó bao nhiêu của cải ra đi. Từ khi ông bị tai nạn, bốn đứa con lâm vào cảnh lam lũ, hai đứa lớn là Trần Đại Biển và Trần Đại Hên tuổi 18-20, nhưng đã nghỉ học, sớm đi biển đỡ đần cho mẹ để nuôi hai đứa em đi học. Ông Lộc chép miệng: “Lâm vào tình cảnh như tui ở đảo này có vài chục người”.

Nhìn cảnh ông Lộc, tôi bất giác nhớ lại trường hợp vợ chồng anh Trương Ngọc Kinh và Nguyễn Thi Nguyên ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Theo lời anh Kinh, trong một lần theo thuyền ngư dân đảo Lý Sơn đi lặn tìm hải sâm ở quần đảo Trường Sa, anh gặp phải luồng nước độc nên liệt toàn thân. 6-7 năm chữa chạy khắp nơi, bán cả nhà cửa, hết luôn mấy chục triệu đồng tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất cho công trình bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đôi chân anh Kinh mới cà nhắc đi lại được.

Nuôi thân đã khó, vợ chồng anh một nách ba con, mỗi ngày mở mắt ra là cái khó đè lên đôi vai gầy của chị Nguyên, lên đôi chân tật nguyền của anh Kinh. Không thể đi lặn, gia đình anh sống lây lất dựa vào con thuyền nan nhỏ, hàng ngày đánh lưới ven sông. “Vì kế sinh nhai, anh em cứ phải lao đầu xuống biển” - ông Túc thanh minh.

Quy trình nghiêm ngặt

Theo ngư dân Bùi Thượng, ở Lý Sơn, nghề lặn ở đây hình thành đã nhiều thập kỷ. Đến nay trên hòn đảo này có rất nhiều thợ lặn và chia thành mấy lĩnh vực: mò cổ vật, trục vớt tàu đắm, nhưng nhiều nhất vẫn là lặn bắt hải sâm.

Những khi thợ lặn trúng hải sâm trở về, đảo Lý Sơn ngập tràn những vỏ lon bia đắt tiền... Có lẽ “xả láng” như vậy cho bõ những ngày vất vả, nguy hiểm dưới các dòng hải lưu, lần mò tìm những con hải sâm.

Ngư dân Lý Sơn lên thuyền chuẩn bị cho chuyến lặn hải sâm. Ảnh: MINH ANH
Ngư dân Lý Sơn lên thuyền chuẩn bị cho chuyến lặn hải sâm. Ảnh: MINH ANH

Ngư dân Lê Túc, do biết nhiều kết cục bi thương của người hành nghề lặn hải sâm, nên để giữ an toàn tính mạng cho thợ lặn, anh phải tuân thủ theo quy trình lặn nghiêm ngặt. Khổ nỗi, ngư dân Lý Sơn chê mặc đồ lặn chỉ thêm vướng víu. Vì vậy, thợ lặn mỗi bận xuống biển chỉ cột khoảng 10kg chì quanh bụng; mắt đeo kính lặn; tay cầm vợt và miệng ngậm dây hơi để đi vào lòng biển ở độ sâu 60-70m.

Vì vậy, cứ mỗi đợt thợ lặn ở dưới nước khoảng 30 phút, người canh giờ ở trên phải tập trung theo dõi để kéo người lên kịp thời. Tuy nhiên, nếu khi xuống nước mất 20 phút lặn đến đáy biển thì khi kéo lên phải mất thời gian gấp 3 lần như vậy. Nghĩa là kéo lên phải chầm chậm, cứ 20 phút cho thợ lặn giảm áp giữa chừng một lần. Suốt chặng đường từ khi kéo lên đến lúc ngoi lên mặt nước, phải giảm áp 3 lần như thế.

“Tất cả đều phải tuân theo quy trình như vậy, nếu không nhẹ thì thợ lặn bị chảy máu tai, điếc tai; nặng thì liệt tay, liệt chân và chết khi chưa lên khỏi mặt nước" - ông Lê Túc cho hay. Khi đã lên thuyền, thợ lặn không được ăn, hút thuốc và tắm liền bằng nước ngọt. Nếu không cái chết và bi kịch sẽ diễn ra ngay trước mắt. Nghĩa là, những sinh hoạt chỉ được phép sau một giờ ra khỏi mặt nước.

“Một điều mà thợ lặn luôn tuân thủ nữa là mỗi ngày chỉ xuống nước 2 chuyến, chuyến thứ nhất cách chuyến thứ hai 3 giờ, chứ tham quá sẽ thâm” - người được mệnh danh là “vua” lặn Bùi Thượng chia sẻ thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, không biết quy trình này hiệu quả thế nào, còn “vua” lặn đất đảo Lý Sơn đã bỏ nghề từ rất lâu.

Các tin khác